Sự nguy hiểm của khí đốt, khăng khít như đồng minh Âu-Mỹ cũng phải 'sứt mẻ'?
'Thật không hay khi có ấn tượng rằng, đồng minh tốt nhất của bạn đang thực sự kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ những rắc rối của bạn'.
Gần đây, trong giới chức phương Tây một số người đã thẳng thắn đặt ra câu hỏi về việc liệu có hay không người Mỹ đang hưởng lợi trên sự rắc rối và khó khăn của các đồng minh châu Âu?
Phương Tây bắt đầu chia rẽ
“Thực tế là, nếu bạn nhìn nhận vấn đề một cách tỉnh táo, quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến này là Mỹ, vì họ đang bán nhiều khí đốt hơn với giá cao hơn và họ cũng đang bán nhiều vũ khí hơn”, một quan chức châu Âu chỉ ra.
Những bình luận gây chấn động này – được các quan chức, nhà ngoại giao và các bộ trưởng trong EU ủng hộ công khai lẫn kín đáo – bắt đầu xuất hiện giữa bối cảnh sự tức giận ngày càng gia tăng ở châu Âu, đặc biệt khi Mỹ chính thức cho ra đời các khoản trợ cấp mới, được cho là có khả năng đe dọa phá hủy ngành công nghiệp châu Âu.
Đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại và thương mại EU Josep Borrell cũng đã lên tiếng kêu gọi Washington đáp lại những lo ngại của châu Âu: “Người Mỹ - những người bạn của chúng tôi - đã đưa ra những quyết định gây chấn động nền kinh tế của chúng tôi”.
Tất nhiên, Mỹ đã bác bỏ những chỉ trích từ châu Âu. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) cho rằng, “giá khí đốt ở châu Âu tăng là do cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine và đổ lỗi cho “cuộc chiến năng lượng” của Tổng thống Putin với châu Âu”.
Vị quan chức NSC còn nhấn mạnh rằng, chính nguồn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mà Mỹ xuất khẩu sang châu Âu tăng đáng kể đã cho phép châu Âu thoát sự khỏi phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Khi các quốc gia EU cố gắng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga bằng cách chuyển sang sử dụng khí đốt của Mỹ, nhưng mức giá mà châu Âu phải trả cao gần gấp 4 lần so với chi phí nhiên liệu tương tự ở Mỹ.
Nhiều công ty Mỹ đang kiếm bộn tiền nhờ bán LNG cho châu Âu.
Tiếp đến là sự gia tăng các đơn đặt thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất khi kho vũ khí của quân đội châu Âu bị thiếu hụt vì phải cung cấp vũ khí cho Ukraine. Tất cả những việc này là quá sức đối với các quan chức cấp cao ở Brussels và thành viên khác của EU.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, giá khí đốt cao của Mỹ không “thân thiện”.
Còn Bộ trưởng Kinh tế Đức kêu gọi Washington thể hiện “sự đoàn kết” hơn nữa và giúp giảm chi phí năng lượng.
Các bộ trưởng và nhà ngoại giao của nhiều nước châu Âu cũng bày tỏ sự thất vọng trước cách Washington phớt lờ tác động của các chính sách kinh tế nội bộ Mỹ đối với các đồng minh ở châu Âu.
Khi các nhà lãnh đạo EU nêu vấn đề giá khí đốt của Mỹ tăng cao tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bali mới đây, Tổng thống Mỹ dường như không biết về vấn đề này.
Sự thiếu hiểu biết và thiếu quan tâm của Mỹ về hậu quả đối với châu Âu đã khiến giới chức và các nhà ngoại giao châu Âu cảm thấy lo ngại, không chỉ cho riêng “sức khỏe” nền kinh tế châu Âu mà còn “nguy hiểm” đối với quan hệ liên minh Âu-Mỹ.
Một cuộc khủng hoảng niềm tin?
Tuy nhiên, giá khí đốt và tình trạng lạm phát ở châu Âu mới chỉ là bề nổi. Căng thẳng lớn nhất trong những tuần gần đây là các khoản trợ cấp và chính sách thuế xanh của chính quyền Tổng thống Biden mà Brussels cho là không công bằng và đe dọa phá hủy các ngành công nghiệp châu Âu.
Bất chấp sự phản đối chính thức từ châu Âu, Washington cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu lùi bước. Trong khi đó, căng thẳng ở Ukraine đang đẩy các nền kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái, với lạm phát tăng vọt và sự siết chặt nghiêm trọng nguồn cung cấp năng lượng cũng đang có nguy cơ dẫn đến tình trạng mất điện hoặc phải hạn chế sử dụng điện trong mùa Đông này.
Một vấn đề gai góc khác là Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của chính quyền Biden - gói kích thích khổng lồ cung cấp các khoản trợ cấp lớn cho chăm sóc y tế và giảm thuế cho các doanh nghiệp xanh – một lần nữa làm gia tăng mối lo ngại của EU về một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương. Bộ trưởng Thương mại Hà Lan Liesje Schreinemacher nêu rõ tác động tiềm tàng của IRA đối với nền kinh tế châu Âu là rất lớn”.
Trong khi đó, Ủy viên châu Âu phụ trách quan hệ xuyên Đại Tây Dương Tonino Picula cho rằng “Mỹ đang tuân theo một chương trình nghị sự trong nước theo chủ nghĩa bảo hộ và phân biệt đối xử với chính các đồng minh của mình”.
Đáp lại, một quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng việc thiết lập giá khí đốt cho châu Âu phản ánh quyết định của thị trường tư nhân, chứ không phải là kết quả của bất kỳ chính sách hoặc hành động nào của chính phủ Mỹ. Theo quan chức này, “các công ty Mỹ là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên minh bạch và đáng tin cậy cho châu Âu”.
Trong hầu hết các trường hợp, chênh lệch giữa giá xuất khẩu và nhập khẩu không thuộc về các nhà xuất khẩu LNG của Mỹ mà thuộc về các công ty bán lại khí đốt trong EU. Ví dụ, công ty châu Âu lớn nhất nắm giữ các hợp đồng khí đốt dài hạn của Mỹ là TotalEnergies của Pháp.
Đây không phải là lập luận mới từ phía Mỹ nhưng dường như không thuyết phục được người châu Âu. Ủy viên châu Âu phụ trách Thị trường nội địa Thierry Breton nói trên kênh truyền hình Pháp hôm 23/11 rằng “Mỹ bán khí đốt cho chúng ta với giá cao gấp 4 lần khi vượt Đại Tây Dương. Tất nhiên Mỹ là đồng minh của chúng ta, nhưng khi có vấn đề không ổn, cũng cần phải có sự giải thích rõ ràng”.
Bất chấp những bất đồng về năng lượng, phải đến khi Washington công bố gói trợ cấp công nghiệp trị giá 369 tỷ USD để hỗ trợ các ngành công nghiệp xanh theo Đạo luật Giảm lạm phát, Brussels mới rơi vào trạng thái hoảng loạn.
Một nhà ngoại giao EU nói: “Đạo luật Giảm lạm phát đã làm thay đổi mọi thứ. Washington có còn là đồng minh của chúng ta nữa hay không?”
Đối với Tổng thống Biden, đạo luật này là một thành tựu khí hậu mang tính bước ngoặt đối với Mỹ nhưng EU lại nhìn nhận điều đó theo một cách khác.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Pháp lại cho rằng, chính “việc trợ cấp phân biệt đối xử sẽ bóp méo cạnh tranh”. Còn Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire thậm chí cáo buộc Mỹ đang đi theo con đường chủ nghĩa cô lập kinh tế của Trung Quốc, đồng thời thúc giục Brussels nhân rộng cách tiếp cận như vậy.
EU đang chuẩn bị các biện pháp ứng phó, chẳng hạn như thúc đẩy trợ cấp để ngăn ngành công nghiệp châu Âu bị các đối thủ Mỹ xóa sổ. Nghị sĩ châu Âu Reinhard Bütikofer (người Đức) nhận định: “Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng niềm tin ngày càng tăng về các vấn đề thương mại trong mối quan hệ này”.
Đồng nghiệp của ông, bà Marie-Pierre Vedrenne (người Pháp) nói: “Chúng ta đang ở trong một thế giới của những cuộc tranh giành quyền lực. Khi chơi trò vật tay, nếu bạn không có cơ bắp, không chuẩn bị cả về thể chất và tinh thần, bạn sẽ thua”.
Ngoài ra, các đồng minh châu Âu cũng ngày càng khó chịu về việc dòng tiền chảy vào khu vực quốc phòng của Mỹ. Cho đến nay, Mỹ là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine kể từ khi chiến tranh nổ ra với số lượng vũ khí và thiết bị trị giá hơn 15,2 tỷ USD, gần gấp đôi so với số tiền viện trợ thiết bị quân sự của EU cho Ukraine.
Theo quan chức cấp cao châu Âu, việc cung cấp một số loại vũ khí tinh vi có thể mất “nhiều năm” do các vấn đề trong chuỗi cung ứng và sản xuất chip. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ có thể trục lợi nhiều hơn từ khó khăn.