Sự phân hóa trong chiến lược của nhà đầu tư tổ chức với cổ phiếu PVS

Trong khi Dragon Capital vừa bán ra 600.000 cổ phiếu PVS (Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam), thì VinaCapital lại đăng ký mua vào gần 1,5 triệu cổ phiếu PVS thông qua hai quỹ thành viên, cho thấy sự phân hóa trong chiến lược của nhà đầu tư tổ chức.

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hai quỹ thành viên của VinaCapital vừa có các thông báo về giao dịch mua cổ phiếu PVS.

Cụ thể, Quỹ đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường VinaCapital vừa đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu PVS nhằm mục đích cơ cấu danh mục đầu tư.

Nếu giao dịch thành công, quỹ này sẽ nâng sở hữu cổ phiếu PVS từ gần 2,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,5%) lên gần 3,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,7%).

VinaCapital đăng ký mua vào gần 1,5 triệu cổ phiếu PVS.

VinaCapital đăng ký mua vào gần 1,5 triệu cổ phiếu PVS.

Cũng với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư, Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Kinh tế Hiện đại VinaCapital cũng vừa đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu PVS.

Trước khi thực hiện giao dịch, quỹ này đang nắm giữ 931.800 cổ phiếu PVS, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,19%. Nếu giao dịch thành công, số lượng cổ phiếu sẽ được nâng lên hơn 1,4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu gần 0,3%.

Các giao dịch mua vào cổ phiếu nêu trên dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 14/4/2025 đến ngày 13/5/2025 bằng phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Tạm tính giá cổ phiếu PVS theo phiên giao dịch đóng cửa ngày 11/4/2025 là 24.200 đồng/cp, ước tính hai quỹ Quỹ đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường VinaCapital và Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Kinh tế Hiện đại VinaCapital sẽ phải chi lần lượt khoảng 24,2 tỷ đồng và 12,1 tỷ đồng để có thể mua vào số lượng cổ phiếu đã đăng ký nêu trên.

Được biết, ông Hoàng Xuân Quốc- Thành viên HĐQT độc lập của PVS đang là Giám đốc Dự án Năng lượng - Tập đoàn VinaCapital.

Chiều ngược lại, trong ngày giao dịch 2/4/2025, quỹ ngoại Dragon Capital đã thông qua 4 quỹ thành viên để bán ra tổng cộng 600.000 cổ phiếu PVS.

Cụ thể, quỹ thành viên Amersham Industries Limited đã bán ra 200.000 cổ phiếu PVS, quỹ Hanoi Investments Holdings Limited bán ra 269.900 cổ phiếu, quỹ Norges Bank bán 100.000 cổ phiếu, quỹ Saigon Investments Limited bán 30.100 cổ phiếu.

Sau giao dịch này, số lượng cổ phiếu PVS do Dragon Capital nắm giữ giảm từ gần 33,5 triệu cổ phiếu xuống còn gần 32,9 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu giảm từ 7,0058% xuống còn 6,8802% vốn. Ngày thay đổi tỷ lệ sở hữu là ngày 4/4/2025.

Tạm tính giá cổ phiếu PVS theo phiên giao dịch đóng cửa ngày 2/4/2025 là 31.000 đồng/cổ phiếu, ước tính quỹ ngoại này đã thu về khoảng 18,6 tỷ đồng từ giao dịch bán ra cổ phiếu nêu trên.

Theo báo cáo từ Chứng khoán MBS, ngành dầu khí được dự báo sẽ ghi nhận mức giảm lợi nhuận 27% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá dầu suy giảm. Điều này khiến bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành trở nên kém sáng sủa. Không còn được giá dầu hậu thuẫn mạnh mẽ, các "ông lớn" dầu khí còn phải đối mặt với áp lực từ biến động sản lượng, chi phí gia tăng và điều kiện thị trường không thuận lợi.

Trong đó, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận chỉ 5% so với cùng kỳ. Dù đang trong giai đoạn nước rút của dự án Greater Changhua 2b&4 và triển khai các gói thầu EPCI cho Lô B - Ô Môn, doanh nghiệp vẫn chưa thể bứt phá.

Điểm sáng là biên lợi nhuận từ dầu khí cao hơn đáng kể so với các dự án điện gió ngoài khơi, mang đến kỳ vọng trong dài hạn. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã trích lập dự phòng 252 tỷ đồng cho tiền thuê đất tại căn cứ dịch vụ hàng hải dầu khí Sao Mai - Bến Đình, một yếu tố rủi ro cần theo dõi sát sao.

Châu Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//24h/su-phan-hoa-trong-chien-luoc-cua-nha-dau-tu-to-chuc-voi-co-phieu-pvs-1106094.html