Sự phát triển của Comic Con và văn hóa truyện tranh tại Ấn Độ
Sau hơn 10 năm được tổ chức tại Ấn Độ, chuỗi sự kiện Comic Con liên tục phát triển mạnh cùng cộng đồng truyện tranh tại nước này, theo kênh CNBCTV18.
Năm 1970, một nhóm nhỏ người hâm mộ truyện tranh, phim và khoa học viễn tưởng từ San Diego đã tổ chức Comic Con - chuỗi sự kiện về truyện tranh và văn hóa giải trí. Sự kiện này sau đó nhanh chóng phát triển thành một hiện tượng văn hóa đại chúng toàn cầu và được tổ chức rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới.
Tại Ấn Độ, sự kiện Comic Con đầu tiên diễn ra vào tháng 2 năm 2011 tại khách sạn Delhi Hyatt ở New Delhi chỉ với 10.000 khách. Sau 11 năm, Comic Con đã phát triển nhanh chóng, được tổ chức tại nhiều cơ sở lớn hơn ở khắp Delhi, Mumbai, Bengaluru và Hyderabad.
Sau hai năm phải hoãn lại vì đại dịch Covid-19, Comic Con Ấn Độ năm nay đã diễn ra ở Trung tâm Thương mại KTPO thuộc Khu Công nghiệp Whitefield, Bangalore trong 2 ngày 19, 20/11 và thu hút hơn 45.000 người tham dự.
“Tôi háo hức chờ đợi Comic Con quay trở lại vì đây là sự kiện của cộng đồng, nơi bạn gặp gỡ những người cùng chí hướng, được giao lưu với các họa sĩ truyện tranh truyền cảm hứng, mua những món đồ thú vị và quan trọng nhất là nơi để những người thường làm việc với máy tính (được coi là sống hướng nội) thể hiện chính họ”, anh Ashutosh Khatri, 20 tuổi, người đã tham dự Comic Con Bangalore năm nay, cho biết.
Comic Con Ấn Độ đã được khởi động từ nỗ lực muốn lan tỏa sự sáng tạo của nhà sưu tập văn hóa đại chúng Jatin Varma. Giờ đây, sự kiện này đã trở thành một cơ hội gặp gỡ, chia sẻ sự sáng tạo của các nghệ sĩ và những người yêu thích văn hóa đại chúng, cũng như mang đến một cơ hội kinh doanh cho các đơn vị Ấn Độ khi họ có thể mở các gian hàng trong thời gian diễn ra sự kiện.
Phát triển cộng đồng truyện tranh thành một ngành công nghiệp
“Mục tiêu của chúng tôi là phát triển cộng đồng truyện tranh hiện tại thành một ngành công nghiệp thực sự, nỗ lực tạo ra một không gian cho ngày càng nhiều nghệ sĩ, nhà sáng tạo hợp pháp và phát huy tối đa vai trò độc đáo của chúng tôi để hỗ trợ họ. Ban đầu, nhiều người trong số họ từng đóng góp vào doanh thu cho các gian hàng triển lãm và mua sách của chúng tôi. Khi chúng tôi mở rộng quy mô sự kiện, chúng tôi quyết định tạo một sân chơi dành riêng cho mọi nhà sáng tạo cá nhân và nhà xuất bản độc lập, nơi họ được mời với tư cách là khách và không phải chi tiêu gì để mua không gian tại đây”, ông Varma chia sẻ với kênh CNBC-TV18.com.
Khởi đầu từ nước Mỹ với mục tiêu là nơi những người sống khép kín tới để nói về những sở thích chung, Comic Con hiện tại đã trở thành một dịp quan trọng để các nhà sáng tạo, nhà làm phim và diễn viên quảng bá các tác phẩm có liên quan đến truyện tranh. Đi cùng đó là giá trị kinh tế mà Comic Con mang lại.
Theo Giám đốc điều hành của Trung tâm Hội nghị San Diego, nơi Comic Con được tổ chức tại Mỹ, 135.000 người đã tham dự sự kiện này năm 2019. Và khi Comic Con năm 2020 bị hủy do dịch Covid-19, nền kinh tế địa phương đã mất tới 166 triệu USD.
Comic Con tại Ấn Độ chưa phát triển đến quy mô đó, nhưng tiềm năng là rất lớn. Không chỉ gia tăng về số lượng người tham dự, sự kiện tại Ấn Độ năm nay đã mở rộng với nhiều đối tác hơn như nền tảng phát trực tuyến anime toàn cầu CrunchyRoll và các đối tác truyền thống như Warner Bros, Walt Disney India và Universal Pictures.
Đặt cược lớn vào ngành công nghiệp hàng hóa
Theo dữ liệu của Fortune Business Insights, ngành truyện tranh trên toàn cầu được định giá 14,69 tỷ USD vào năm 2021. Thị trường này dự kiến sẽ tăng từ 15,35 tỷ USD vào năm 2022 lên 21,37 tỷ USD vào năm 2029. Giá trị hàng hóa chiếm một phần rất lớn trong ngành này.
Do vậy, các sự kiện Comic Con trên toàn cầu và cả ở Ấn Độ sẽ đóng vai trò là những địa điểm lớn cho sự phát triển của hàng hóa trong lĩnh vực này khi các doanh nghiệp nhỏ có thể dựng quầy hàng để bán sản phẩm của họ.
“Năm 2011, lần đầu tiên tổ chức, chúng tôi chỉ có 2-3 gian hàng bán hàng hóa (quần áo, phụ kiện, đồ chơi). Một thập kỷ sau, có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn sản xuất hàng may mặc và phụ kiện được cấp phép tại Ấn Độ. Cả Disney & Warner đều có các đội ngũ tập trung vào các sản phẩm đi kèm tại Ấn Độ và giờ đây, các công ty Nhật Bản cũng đang xem xét thị trường này một cách nghiêm túc”, ông Varma cho biết.
Theo những vị khách cuồng nhiệt của Comic Con Ấn Độ, giá trung bình của hàng hóa tại Comic Con Ấn Độ dao động từ 99 Rs đến 12.000 Rs.
"Trước hết, chúng tôi có vai trò rất quan trọng đối với các doanh nghiệp trong việc tạo ra doanh số bán hàng. Qua nhiều năm, khi thương mại điện tử trở thành một phần thường xuyên của cuộc sống, sự hiện diện của họ tại Comic Con cũng chuyển từ bán hàng thuần túy sang tiếp thị và xây dựng thương hiệu", ông Varma nói.
Varma cũng cho biết thêm rằng Comic Con Ấn Độ đang đóng vai trò là đầu mối liên hệ với những người hâm mộ lâu năm - đối tượng chi tiêu rất nhiều cho các thương hiệu hoạt hình, truyện tranh trong suốt cả năm. Dữ liệu của CNBC cho thấy hàng hóa của Vũ trụ Điện ảnh Marvel đã mang về cho Disney khoảng 41 tỷ USD vào năm 2020. Disney đã mua Marvel Entertainment vào năm 2009.
Theo dữ liệu phân tích doanh thu của các thương hiệu phim nổi tiếng, thương hiệu phim Star Wars, khởi đầu với tập phim A New Hope năm 1977, cho tới nay đã trị giá khoảng 47 tỷ USD.
Doanh số bán hàng hóa toàn cầu cho đến nay của DC Extended Universe (vũ trụ điện ảnh DC nổi tiếng toàn cầu), khởi đầu với phim Superman’s Man of Steel vào năm 2013, đã chạm mốc hơn 500 triệu USD cho đến nay.