Sự quan tâm của các nhà nghiên cứu Việt Nam và Hàn Quốc về truyện cổ tích

Các nhà nghiên cứu Việt Nam và Hàn Quốc rất quan tâm đến truyện cổ tích - một trong những thể loại của văn học dân gian và có nhiều công trình nghiên cứu, bài viết so sánh về nội dung, nghệ thuật của truyện cổ tích Việt Nam và Hàn Quốc.

Một trong những nhà nghiên cứu Hàn Quốc tiêu biểu là Jeon Hyae Kyung. Năm 1995, nhà nghiên cứu Jeon Hyae Kyung có bài viết So sánh truyện dân gian Hàn Quốc và Việt Nam (qua truyện về nguồn gốc loài vật) đăng trên Tạp chí Văn học số 10. Bài viết chỉ rõ các truyện về nguồn gốc loài vật của Hàn Quốc có nhiều loại hình như: linh hồn con người biến thành con vật để giải oán hận kiếp trước, quỷ hút máu người biến thành muỗi, người lười biến thành bò rồi lại biến thành người chăm chỉ… Còn truyện cổ tích về nguồn gốc loài vật của Việt Nam cho rằng con người kiếp trước phải biến thành con vật để sửa chữa những lỗi lầm của kiếp đó. Năm 2005, công trình Nghiên cứu so sánh truyện cổ Hàn Quốc và Việt Nam thông qua tìm hiểu sự tích động vật của tác giả Jeon Hyae Kyung được in sách xuất bản tại Việt Nam do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản.

Năm 1996, tác giả Kim Seon AA có bài viết Truyện “Hòn vọng phu” của Việt Nam trong con mắt của một người Hàn Quốc in trong sách Tương đồng văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc (Nguyễn Bá Thành tuyển chọn, biên soạn). Bài viết làm sáng tỏ sự phản ánh mô hình xã hội, lý giải bi kịch của phụ nữ và đưa ra một số giải pháp để người phụ nữ giảm bớt sự thiệt thòi và những bất hạnh.

Năm 2002, tác giả Park Yeon Kwan đã thực hiện thành công đề tài luận án tiến sĩ “Nghiên cứu so sánh một số típ truyện cổ tích Việt Nam và Hàn Quốc” tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Luận án tập trung nghiên cứu típ truyện về các loài vật, típ tuyện về món quà của quỷ, típ truyện về người mang lốt vật, típ truyện về người lấy vợ (hoặc chồng) tiên, típ truyện về người mồ côi, người anh, người em, người thông minh, người ngốc nghếch.

Năm 2009, nhà nghiên cứu Jeon Hyae Kyung có bài viết Nghiên cứu truyện Kông Chuy Pát Chuy của Hàn Quốc và truyện Tấm Cám của Việt Nam” đăng trên tạp chí Nghiên cứu Văn học số 3. Tác giả so sánh về cốt truyện, nhân vật, bối cảnh, cấu trúc, hình thức biểu hiện.

Trong số các nhà nghiên cứu Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Thành đã có công lao lớn khi tuyển chọn, biên soạn, giới thiệu nhiều bài viết của các tác giả người Hàn Quốc và người Việt Nam về văn hóa, văn học Việt Nam, Hàn Quốc trong công trình Tương đồng văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc năm 1996. Trong công trình này có bài viết “Vài nét tương đồng trong truyện cổ Đại Hàn và Việt Nam” của tác giả Đặng Thiếu Ngân và Vũ Ngọc Khánh, bài viết Vài nét gặp gỡ giữa truyện dân gian Hàn Quốc và Việt Nam của tác giả Nguyễn Trường Lịch, Xã hội Hàn Quốc qua một số truyện cổ tích tiêu biểu của tác giả Vũ Duy Hưng, Nguyễn Hùng Vĩ. Bài viết giúp chúng tôi hiểu thêm về văn hóa Hàn Quốc và một số điểm tương đồng trong truyện cổ tích Việt Nam, Hàn Quốc.

Năm 1998, Truyện cổ Hàn Quốc do tác giả Đặng Văn Lung chủ biên đã được xuất bản. Trong cuốn sách này, ngoài việc giới thiệu nhiều truyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích của Hàn Quốc đến với độc giả Việt Nam, tác giả còn có bài viết Nghiên cứu so sánh truyện cổ Việt Nam - Hàn Quốc, tác giả tập trung so sánh truyền thuyết về ngọn nguồn dân tộc Việt Nam, Hàn Quốc, thần thoại về mặt trăng, mặt trời, giới thiệu, liệt kê một số bài viết so sánh về truyện cổ tích Việt Nam - Hàn Quốc.

Năm 2007, tác giả Lưu Thị Hồng Việt đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ với đề tài So sánh truyện cổ tích Việt - Hàn tại Trường Đại học Đà Lạt. Trong luận văn, tác giả đã làm sáng tỏ sự tương đồng, khác biệt về nội dung, nghệ thuật của truyện cổ tích của người Việt và truyện cổ tích của người Hàn. Từ thành công của luận văn, những năm sau đó, tác giả đã có một số bài viết được đăng trên tạp chí như: So sánh truyện cổ tích Việt - Hàn, Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 6/2009, Các kiểu nhân vật trong truyện cổ tích Việt - Hàn, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 8/2010, Truyện cổ tích Việt - Hàn, vài so sánh motif, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 1, 2011… Phát triển từ luận văn thạc sĩ, năm 2015, tác giả bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài Không gian trong truyện cổ tích Việt Nam - Hàn Quốc: một cái nhìn so sánh tại Học viện Khoa học Xã hội - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Đến năm 2020, công trình Không gian trong truyện cổ tích Việt Nam – Hàn Quốc: một cái nhìn so sánh đã được in sách, xuất bản bởi nhà xuất bản Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2019, tác giả Lê Diễm Quỳnh đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ Nghiên cứu so sánh một số motif trong truyện cổ tích Việt Nam và Hàn Quốc tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn chủ yếu nghiên cứu các motif: mang thai và sinh nở thần kỳ, hôn nhân “bất thường”, người con riêng, người em trai út vượt qua thử thách, motif hóa thân và motif con hổ. Năm 2019, tác giả Lê Diễm Quỳnh cũng có bài viết Motif trong truyện cổ tích “Hai cô gái và cục bướu ” của Việt Nam và “Ông già và cục bướu” của Hàn Quốc từ góc nhìn so sánh đăng trên tạp chí Tạp chí Khoa học Trường Đại học Đồng Tháp số 38.

Năm 2020, Tạp chí Nghiên cứu Văn học có chuyên san Nghiên cứu, tiếp nhận, dịch thuật văn học Hàn Quốc ở Việt Nam, trong chuyên san này có bài viết của tác giả Nguyễn Phương Thảo: “Nghiên cứu Văn học Hàn Quốc trên tạp chí Nghiên cứu Văn học (Việt Nam) đầu thế kỷ XXI”. Tác giả đã liệt kê nhiều bài viết của các tác giả khác so sánh văn học Việt Nam với văn học Hàn Quốc, không tập trung phân tích, nghiên cứu từ các tác phẩm văn học.

Các công trình, bài viết nêu trên là định hướng nghiên cứu đồng thời cũng là những tài liệu tham khảo hữu ích đối với độc giả trong quá trình tìm hiểu về những điểm tương đồng hay khác biệt về nội dung, nghệ thuật của truyện cổ tích của Việt Nam và Hàn Quốc.

LÊ THỊ NGA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202501/su-quan-tam-cua-cac-nha-nghien-cuu-viet-nam-va-han-quoc-ve-truyen-co-tich-aff2781/