Sư sãi và phật tử chung tay phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự

Nhằm đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội tại địa phương, thời gian qua, công an đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp thành lập mô hình 'Sư sãi và phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT' tại một số điểm chùa trên địa bàn tỉnh. Sau khi được thành lập và đi vào hoạt động, với sự tham gia nhiệt tình, tích cực của sư sãi, ban quản trị chùa, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó ý thức phòng, chống tội phạm trong đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên và tội phạm ngày càng được kéo giảm, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn ổn định, phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, các chính sách an sinh xã hội, nhất là giảm nghèo ngày càng được các cấp ủy, chính quyền, ban ngành chức năng quan tâm chỉ đạo sâu sát, thiết thực, hiệu quả; các thiết chế về văn hóa, phong tục, tập quán được duy trì, phát huy; nhu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được tạo điều kiện thuận lợi, từ đó ngày càng củng cố niềm tin của nhân dân, các chức sắc, chức việc, tu sĩ, tín đồ các tôn giáo… đối với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Qua đó, thu hút đồng bào dân tộc, tôn giáo tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) và các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ gìn ANTT trên địa bàn.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, bảo đảm ANTT trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thông qua nhiều hình thức, trong đó tập trung xây dựng, củng cố mô hình “Sư sãi và phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT”, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT, địa bàn có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo sinh sống. Quá trình triển khai thực hiện, rà soát, đánh giá các mô hình, điển hình phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, nhận thấy mô hình “Sư sãi, phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT” được triển khai nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh từ năm 2019 đến nay đã và đang phát huy hiệu quả, phù hợp với đặc điểm văn hóa, tình hình về ANTT tại địa phương. Mô hình này tiếp tục phát huy vai trò của chức sắc, chức việc, người có uy tín, tín đồ phật tử trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, xây dựng và củng cố mối quan hệ gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền, mặt trận, lực lượng công an với tổ chức giáo hội Phật giáo và tín đồ phật tử, góp phần đảm bảo ANTT trong vùng dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Trụ trì, sư sãi, ban quản trị và phật tử người dân tộc Khmer tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Ảnh: KIM NGỌC

Trụ trì, sư sãi, ban quản trị và phật tử người dân tộc Khmer tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Ảnh: KIM NGỌC

Mô hình Sư sãi, phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT tại chùa Xẻo Me nằm trên địa bàn phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) được cơ quan chức năng đánh giá là một trong những mô hình phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội. Từ khi thành lập và đi vào hoạt động, các vị sư sãi, ban quản trị chùa bàn bạc, phối hợp với cơ quan chức năng lên kế hoạch cụ thể để tổ chức các buổi tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, Ban quản trị chùa tích cực ra sức vận động phật tử tham gia tích cực vào công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội để giữ gìn cuộc sống bình yên cho xóm làng.

Đại đức Lâm Thiện - Phó Trụ trì chùa Xẻo Me, phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu chia sẻ: “Sau gần 3 năm mô hình được thành lập và đi vào hoạt động, Ban Quản trị chùa và các thành viên của mô hình đã phối hợp với các cấp, các ngành từ phường đến thị xã tổ chức trên 150 cuộc tuyên truyền về phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, có trên 8.300 lượt người dự nghe. Từ việc đẩy mạnh tuyên truyền của Ban Quản trị chùa và các thành viên của mô hình, người dân ý thức hơn đối với công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội nên đã tích cực cung cấp cho lực lượng công an địa phương nhiều thông tin có giá trị để cho cơ quan công an lên kế hoạch triệt xóa”.

Hay chùa Bét Tôn, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) cũng được chọn làm nơi thành lập mô hình "Sư sãi và phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT". Mô hình này được thành lập vào năm 2022 và phát huy hiệu quả trong việc phối hợp tốt với chính quyền địa phương và công an để tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội cho phật tử tại nhà chùa. Cứ đều đặn hằng tháng, Ban Quản trị chùa Bét Tôn tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động bà con phật tử nâng cao nhận thức, tích cực tham gia các phong trào bảo vệ ANTQ tại địa phương. Nhờ mô hình đi vào hoạt động tích cực, hiệu quả, công an địa phương có thêm nhiều thông tin để kịp thời xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của kẻ xấu, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Để xây dựng và triển khai có hiệu quả mô hình “Sư sãi, phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT”, Công an tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương phối hợp với các ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ, tranh thủ các vị chức sắc, chức việc trong các tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số,... vận động, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và tham gia mô hình. Bên cạnh đó, Công an tỉnh còn quan tâm thăm hỏi, động viên các vị chức sắc, chức việc, những người có uy tín trong dân tộc, tôn giáo nhằm tăng cường, củng cố, thắt chặt mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và của lực lượng công an với đồng bào dân tộc, tôn giáo.

Từ năm 2019 đến nay, Ban Chỉ đạo mô hình “Sư sãi, phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT” đã tổ chức thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ đó, tình hình liên quan đến ANTT trong vùng dân tộc, tôn giáo cũng như tại cơ sở thờ tự được ổn định; tội phạm, tệ nạn xã hội và các hoạt động vi phạm pháp luật khác có sự chuyển biến tích cực và giảm rõ rệt; vai trò của chức sắc, chức việc, người có uy tín, tín đồ Phật giáo trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ANTQ tiếp tục được phát huy…

Đại tá Huỳnh Hoài Hận - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, thông qua mô hình này giúp cho người dân ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong tham gia bảo vệ ANTT, phát huy được tính tích cực, sáng tạo trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Đồng thời, mô hình này còn là cơ sở giúp lực lượng công an tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra biện pháp chỉ đạo công tác đảm bảo ANTT, xây dựng và củng cố thế trận an ninh nhân dân vững chắc, củng cố lực lượng nòng cốt làm công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở, thúc đẩy phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển với chất lượng ngày càng cao, góp phần đảm bảo ANTT phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội tại địa phương. Để đảm bảo ANTT trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong thời gian tới, mô hình phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, đặc biệt mô hình “Sư sãi, phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT” tại các điểm chùa Khmer trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì, phát huy.

KIM NGỌC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/dai-doan-ket/202504/su-sai-va-phat-tu-chung-tay-phong-chong-toi-pham-bao-ve-an-ninh-trat-tu-b8a680b/