Nghiên cứu vừa công bố từ Đại học Quốc gia Úc và Đại học Công nghệ Queensland cho thấy, sự xuất hiện của hai siêu núi Nuna và siêu núi Transgondwana đã thúc đẩy sự sống trên Trái đất tiến hóa như ngày nay.
Cụ thể, siêu núi Nuna và Siêu núi Transgondwana - những dãy núi vĩ đại hơn gấp nhiều lần so với những dãy núi hùng vĩ nhất thời hiện đại, đã 2 lần xuất hiện trên Trái Đất.
Trong đó, Siêu núi Nuna được cho là xuất hiện từ 2 đến 1,8 tỉ năm trước, trong quá trình đất đai thế giới dần hợp nhất thành siêu lục địa Nuna.
Các nhà khoa học nhận thấy rằng, siêu núi này trùng hợp với sự xuất hiện của các tế bào lớn phức tạp, khi sự sống Trái Đất bắt đầu được đa dạng hóa sau hàng tỉ năm "dậm chân tại chỗ" dưới dạng vi khuẩn đơn bào.
Theo ước tính, siêu núi Nuna có quy mô gấp 3-4 lần dãy Himalaya hiện đại. Còn siêu núi Transgondwana được hình thành trong quá trình hợp nhất siêu lục địa Gondwana, khoảng 650 đến 500 triệu năm trước.
Giai đoạn này cũng bao gồm thời gian xuất hiện những động vật lớn đầu tiên (575 triệu năm trước) và vụ "bùng nổ sinh học" kỷ Cambri 45 triệu năm sau đó.
Theo Giáo sư Jochen Brocks từ Đại học Quốc gia Úc - thành viên nhóm nghiên cứu, họ đã tìm ra hai siêu núi này nhờ lần theo manh mối là dấu vết của zircon và hàm lượng lutetium thất vẫn còn lẩn khuất trong đất Trái Đất thời hiện đại.
Hàm lượng lutetium thất là sự kết hợp của khoáng chất và nguyên tố đất hiếm chỉ có trong "rễ" của các ngọn núi cao.
Bên cạnh đó, các siêu núi này khi bị xói mòn sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu như phốt pho và sắt cho đại dương, làm tăng chu kỳ sinh học và thúc đẩy tiến hóa. ngoài ra quá trình kiến tạo núi cũng làm tăng nồng độ oxy trong khí quyển.
Trong nửa đầu lịch sử Trái đất, hầu như không có bất kỳ phân tử oxy tự do nào trong không khí. Nhưng sau đó một số vi khuẩn bắt đầu khai thác năng lượng từ ánh sáng mặt trời để tạo ra đường từ CO2 và nước, tương tự như cây xanh ngày nay.
Những vi khuẩn này thải ra oxy như một phế phẩm, làm oxy hóa sắt hòa tan và các khoáng chất khác trong đại dương.
Sau khi các chất này cạn kiệt, lượng oxy tự do dư thừa bắt đầu tích tụ trong khí quyển, trở thành tác nhân khiến hầu hết sinh vật kỵ khí có trên Trái Đất vào thời điểm đó bị xóa sổ.
Mời các bạn xem video: Trái đất trải qua tháng 9 nóng nhất trong lịch sử. Nguồn: THĐT
Thùy Dung (T.H)