'Sự tàn phá sáng tạo' quanh chuyện doanh nghiệp đóng cửa
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 11 tháng đầu năm nay lên tới 158,8 nghìn, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 14,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Như vậy, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 11 tháng của năm nay đã cao hơn so với 143.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trưởng của cả năm 2022.
Nhiều người cho rằng, doanh nghiệp phá sản, đóng cửa là “sự tàn phá sáng tạo” của thị trường và ở nhiều nước khác cũng có tình trạng như vậy.
Nhưng ở nước ta, số doanh nghiệp phá sản lớn như vậy là rất đáng quan tâm vì tỷ lệ doanh nghiệp trong nền kinh tế so với số dân còn rất ít, nền kinh tế lại đang phát triển với nhiều cơ hội. Khu vực doanh nghiệp có đăng ký chính thức lại tạo khá nhiều công ăn, việc làm cho người dân.
Theo một khảo sát mới đây của Navigos Group, có tới 82,2% doanh nghiệp tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết họ bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường năm 2023, hơn 68% lựa chọn cắt giảm nhân sự.
Có doanh nghiệp dệt may lỗ hàng chục tỉ đồng do không có đơn hàng và phải cắt giảm nhân sự từ 4.000 xuống còn vài chục.
Lại có doanh nghiệp phải đóng hàng trăm cửa hàng, sa thải hàng chục ngàn người từ đầu năm nay.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong 11 tháng năm 2023 tăng vỏn vẹn 1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,4%).
Bức tranh trên cảnh báo sức khỏe của khu vực doanh nghiệp đáng báo động. Những con số trên thể hiện phần nào bức tranh khó khăn của nền kinh tế và các doanh nghiệp trong giai đoạn gần một năm vừa qua. Thực tế này có nhiều nguyên nhân nhưng ở đây chỉ xin nêu một nguyên nhân: chi phí sản xuất kinh doanh cao đang bào mòn sức khỏe và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ nhất, chi phí vốn của doanh nghiệp Việt Nam rất cao. Dù hiện nay mức lãi suất đã hạ so với trước, đặc biệt là cuối năm 2022, nhưng trong dài hạn, hạn lãi suất trung bình của Việt Nam luôn cao hơn vài điểm phần trăm so với lãi suất của các đồng tiền khác trong khu vực.
Điều này xuất phát từ rủi ro kinh doanh tại Việt Nam vẫn cao, an ninh tài chính tiền tệ mặc dù được cải thiện nhưng vẫn kém so với các nước xung quanh, xếp hạng tín nhiệm quốc gia vẫn còn thấp. Chi phí vốn cao liên tục trong thời gian dài khiến các ngành cần nhiều vốn như sản xuất công nghiệp khó có thể đưa ra sản phẩm cạnh tranh được với thế giới.
Thứ hai, chi phí vận tải và logistics của Việt Nam vẫn cao do hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, hoàn thiện, mức độ kết nối giao thông chưa tốt. Việc triển khai các dự án giao thông lớn, trọng điểm gặp nhiều vướng mắc và thường xuyên chậm trễ.
Mặc dù có rất nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông quốc gia, đặc biệt là việc xây dựng cao tốc đường bộ Bắc – Nam và nâng cấp các cảng biển, nhưng tình trạng chi phí vận tải cao vẫn sẽ kéo dài trong nhiều năm nữa, đặc biệt là ở khu vực miền Nam.
Chi phí logistics cao làm giảm tính cạnh tranh và khả năng tích lũy vốn của nền kinh tế Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực. Chẳng hạn, trong lĩnh vực dệt may, Việt Nam đang bị Bangladesh vượt qua rất nhanh. Một trong những lý do vì hàng hóa của Bangladesh rẻ hơn, chi phí nhân công của họ thấp hơn, gồm cả lương tối thiểu và các khoản phải đóng khác.
Thứ ba, ngoài các khoản thuế, các doanh nghiệp Việt Nam tùy từng ngành hàng còn phải nộp thêm các khoản tài chính ngoài ngân sách, điều này cũng khiến doanh nghiệp bị đội chi phí kinh doanh. Có tình trạng các bộ ngành khi được giao chủ trì soạn thảo pháp luật của bộ ngành mình thì cố gắng bổ sung các loại phí, các khoản thu vào quỹ do mình quản lý.
Ví dụ, Quỹ phòng chống rủi ro thiên tai, Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Quỹ bảo trì đường bộ… Đó là chưa kể các khoản vận động, đóng góp từ cơ quan, chính quyền mà doanh nghiệp khó có thể chối từ. Chi phí bôi trơn vẫn là một vấn nạn cho doanh nghiệp.
Thứ tư, có nhiều loại chi phí khá cao so với mặt bằng chung của khu vực. Ví dụ, theo quy định hiện hành người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội và các khoản quỹ bắt buộc khác với tổng là 17% mức lương tháng của người lao động. Tỷ lệ đóng này cộng tính thêm phần đóng của người lao động là 25%, cộng thêm các khoản bảo hiểm y tế và các khoản khác đã lên đến 32%.
Đó là mức đóng bảo hiểm xã hội cao nếu so với một số quốc gia trong khu vực như Malaysia cao nhất là 13%, Indonesia từ 10 - 12%, Philippines là 8% và Thái Lan là 5%. Kinh phí công đoàn trích từ quỹ tiền lương cũng được các doanh nghiệp phản ánh là gánh nặng riêng có của doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Các chi phí cao như vậy làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, làm chúng ta khó thu hút vốn đầu tư để tạo việc làm cho hàng triệu người đến tuổi lao động mỗi năm. Hơn nữa, Việt Nam có nguy cơ bị mất đơn hàng cho các quốc gia khác. Doanh nghiệp không đầu tư mới, tình trạng các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động tăng lên. Một bộ phận người lao động mất việc làm và đa số người lao động vẫn chỉ làm lao động chân tay giản đơn ở khu vực lao động phi chính thức.
Hiện nay, trong cơ cấu kinh tế, khu vực FDI đóng góp tới 20,13% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp.
So với khu vực FDI, doanh nghiệp trong nước chưa làm chủ tương đối được các chuỗi sản xuất độc lập. Vì vậy, để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ bằng cách xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dân tộc lớn mạnh thì việc tháo bỏ các rào cản trong môi trường kinh doanh phải kiên quyết và thực chất. “Sự tàn phá sáng tạo" là nói về lý thuyết thôi chứ áp vào thực tế của Việt Nam thì rất khác.