Sự thật phía sau công nghệ Mỹ, Nhật
Để tìm hiểu về quy trình sản xuất TPCN theo công nghệ Mỹ, Nhật, chúng tôi tìm về địa chỉ các công ty được ghi trên giấy công bố sản phẩm do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép.
Sản phẩm đầu tiên là GenX Gold do Cty Cổ phần Y dược Trương Trọng Cảnh (KCN Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) sản xuất và Cty Cổ phần Công nghệ cao GOB Quốc tế phân phối.
Trong vai đơn vị có nhu cầu kinh doanh thực phẩm sinh lý, chúng tôi được H, người phụ trách kinh doanh của Cty Cổ phần Y dược Trương Trọng Cảnh nồng nhiệt tiếp đón. Dù còn ở độ tuổi trẻ măng, nhưng H. tỏ ra rất sành sỏi về các mánh lới làm ăn trong lĩnh vực này. H. cho biết, thị trường TPCN đang là mảnh đất màu mỡ với lợi nhuận khủng nếu như các công ty biết cách “luồn lách”.
Trên thị trường, một sản phẩm muốn tạo được hiệu ứng thông thường phải có một key (từ khóa) riêng đánh trúng nỗi sợ của khách hàng, chẳng hạn như nỗi lo về xuất tinh sớm thì phải hiệu quả 1 giờ, đau dạ dày phải nhanh trong 24h... “Cái key đó chưa bao giờ là thực tế chất lượng sản phẩm, nhưng nó sẽ là cái để cho anh quảng cáo ra thị trường”, H nói.
H cho biết, thông thường các sản phẩm TPCN chỉ có vòng đời khoảng 6 tháng, nên đòi hỏi các công ty phải liên tục chế tác ra key mới để đánh nhanh, thắng nhanh. Điểm thuận lợi ở lĩnh vực này, các sản phẩm được bán qua kênh online và vận chuyển theo hình thức ship code (giao hàng thu tiền hộ), nên người mua hàng không biết người bán là ai.
“Công ty dựng lên một bác sĩ hay người nổi tiếng nào đấy để quảng cáo, người ta cũng chỉ biết người đấy là quảng cáo thôi chứ không biết công ty văn phòng ở đâu, hoạt động thế nào nên sản phẩm không lo không bán được”, H. nói.
Tuy nhiên, thị trường online bị áp lực bởi chi phí marketing lớn nên đòi hỏi việc xoay vòng vốn phải rất nhanh. Để giải quyết bài toán này, H cho biết phần lớn các công ty đều liên tục đổi nơi sản xuất, lập ra hàng loạt các công ty con, chi nhánh khác nhau như một mê hồn trận.
“Ban đầu, họ đặt các công ty sản xuất một sản phẩm chất lượng để lấy data (dữ liệu) khách hàng, sau đó sẽ dừng lại và đổi sang một nơi sản xuất khác chất lượng thấp hơn. Khi tư vấn, nhân viên tư vấn đều bảo khách hàng phải dùng đến liệu trình thứ 2, thứ 3 may ra mới có hiệu quả. Và hai liệu trình này, công ty vừa không mất chi phí marketing, vừa giảm được giá thành sản xuất, đa phần chỉ bằng một nửa so với ban đầu thu được lợi nhuận rất lớn”, H tiết lộ.
Theo H, mánh lới nữa là liên tục thay đổi tên gọi phụ của sản phẩm, rồi thổi phồng hiệu quả mạnh gấp 10 lần sản phẩm trước. Tuy nhiên, trên thực tế sản phẩm sau lại chất lượng kém hơn so với sản phẩm trước, sau đó tung ra các chiêu giảm giá đến 50%. Chiêu thức này rất lợi hại bởi phần lớn người tiêu dùng đều không nhận ra được điểm thay đổi tinh vi này.
Quảng cáo để làm… màu
Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn sở hữu một sản phẩm có công nghệ chất lượng như Nhật Bản, Mỹ…để cạnh tranh trên thị trường, H. cười và tiết lộ, các công ty quảng cáo để làm màu, còn thực tế không có. “Bây giờ muốn một sản phẩm có công nghệ Mỹ, Nhật, anh chỉ cần tổ chức hội thảo rồi thuê một ông nói tiếng Anh hay tiếng Nhật với giá 1 triệu đồng/buổi về nói vài câu, sau quảng cáo lên là xong. Dịch vụ đấy không có gì khó cả, bên em làm trọn gói từ A-Z với chỉ 150 triệu đồng. Cái khó là mình chạy ra khách, chốt được đơn hàng”, H. nói.
Để tiếp tục làm rõ thực hư chất lượng các sản phẩm, chúng tôi tiếp tục tìm về nơi sản xuất một sản phẩm khác - Yakumi do Cty Cổ phần Dược phẩm KingKao Phú Thọ sản xuất.
Nhà máy của công ty này nằm ở một ngọn đồi hẻo lánh ở xã Trung Giáp, huyện Phú Ninh, tỉnh Phú Thọ. Thấy khách từ Hà Nội về, ông M, Trưởng phòng sản xuất Cty Cổ phần Dược phẩm KingKao Phú Thọ không khỏi phấn khởi khi có đối tác mới tới tìm hiểu công ty ngay ngày đầu tháng.
Ông M. cho biết, công ty nhận gia công tất cả các sản phẩm TPCN theo đơn đặt hàng, kể cả bao giấy công bố sản phẩm. Về chi phí, nếu có nguyên liệu sẵn, giá gia công rơi vào khoảng 100 đồng/viên. Trường hợp chưa có, công ty có thể lo giúp, với mức giá khoảng 200 đồng/viên. Tính ra, rơi vào khoảng mấy nghìn đồng/hộp.
Với Yakumi, ông M cho biết, đây là sản phẩm dạng viên sủi mà công ty gia công cho Cty TNHH Thương mại quốc tế Phamaco. Loại này đang bán rất chạy, phía đối tác đặt hàng liên tục, cứ một đợt ba bốn ô tô.
Khi chúng tôi hỏi về việc sản phẩm Yakumi sử dụng công nghệ nano Nhật Bản, giá cả thế nào, vị này cho biết: “Như nhau cả, công nghệ vẫn vậy, máy móc thì dùng chung một loại. Đấy là quảng cáo công nghệ thế thôi, còn vấn đề này anh em thừa hiểu nó ra sao mà?”, ông M. nói.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/su-that-phia-sau-cong-nghe-my-nhat-post1327054.tpo