Sự thật rùng mình ở hành tinh sống được cực gần Trái Đất
Siêu trái đất Barnard b từng là tin vui lớn đối với giới khoa học bởi khả năng sống được khá rõ ràng. Nhưng một nghiên cứu mới đã tìm ra vị thần chết đeo đuổi hành tinh này.
Ngôi sao Barnard cách Trái Đất 6 năm ánh sáng là một trong những ngôi sao đầu tiên được giới thiên văn nghi ngờ là trung tâm của một "hệ mặt trời" khác. Năm 2018, các nhà khoa học vui mừng xác định được Barnard b, hành tinh quay quanh sao Barnad, sau hơn 1 thế kỷ tìm kiếm.
Barnard b tuy nằm ngoài "đường tuyết" của sao mẹ, nơi ánh sáng từ Barnard chỉ đủ cung cấp cho nó nhiệt độ - 170 độ C, nhưng được chứng minh là sở hữu khí quyển cực dày đủ tạo ra hiệu ứng nhà kính, khiến nhiệt độ chuyển thành thân thiện với sự sống và giữa được các đại dương lỏng.
Nhưng nghiên cứu mới dẫn đầu bởi tiến sĩ Kevin France, một nhà thiên văn học tại Đại học Colorado ở Boulder (Mỹ) cho thấy ngôi sao Barnard lại là một vị thần chết đáng sợ đối với hành tinh của nó.
Ngôi sao lùn đỏ loại M3,5 này đang hoạt động tích cực hơn mong đợi. Các hình ảnh thu thập bởi Đài quan sát tia X Chandra của NASA và Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA/ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu) cho thấy ngôi sao này dành đến 25% cuộc đời để phóng ra các bức xạ từ tính đáng sợ. Bức xạ này đủ bào mòn bầu khí quyển của mọi hành tinh quay quanh nó "từ trong trứng nước".
Điều này có nghĩa Barnard b không thể sở hữu một bầu khí quyển dày như chúng ta mong đợi, mà là một "địa ngục băng" trần trụi.
Tin vui duy nhất là điều này có thể không kéo dài mãi. Bầu khí quyển của hành tinh đáng thương có thể tái tạo khi ngôi sao mẹ già đi và ít hoạt động hơn. Vì vậy có thể nói phát hiện mới làm giảm cơ hội có sự sống của Barnard B chứ chưa tước bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên loài người sẽ phải đợi một thời gian rất lâu – đó là nếu chúng ta chưa tuyệt chủng trước khi siêu trái đất Barnard b trở nên sống được.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy những ngôi sao lớn hơn nhưng hiền lành hơn, giống Mặt Trời, mới là mục tiêu các thiết bị săn tìm sự sống ngoài hành tinh nên hướng tới.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Astronomical Journal.