Sự thật về căn bệnh có thể gây đột tử ở người khỏe mạnh
Lóc tách động mạch chủ tiến triển nhanh đến mức có thể biến một bệnh nhân từ trạng thái bình thường đến bất tỉnh trong thời gian ngắn.
Mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội, thông tin chỉ trong vòng một tuần, các bác sĩ đã tiếp nhận và điều trị 10 ca bệnh liên quan đến động mạch chủ.
Trong đó, 3 trường hợp lóc động mạch chủ type A cấp tính, 2 ca chấn thương eo động mạch chủ, 2 ca vỡ phình động mạch chủ bụng dưới thận, 3 ca lóc động mạch chủ type B cấp tính.
PGS.TS Phùng Duy Hồng Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, cho biết lóc tách động mạch chủ loại A cấp tính là bệnh lý ngoại khoa nguy hiểm.
Trên thế giới, đây là căn bệnh tương đối hiếm gặp, gây đột tử ở nhiều người khỏe mạnh.
Gần đây, hồi đầu tháng 12, phóng viên thể thao người Mỹ Grant Wahl đã tử vong vì vỡ động mạch chủ sau khi đột quỵ trong lúc đưa tin về trận tứ kết World Cup 2022 giữa Argentina và Hà Lan, theo Insider.
Tiến sĩ, bác sĩ Jeremy Faust, giảng viên trường Y Harvard, cho biết có thể Wahl đã bị phình động mạch chủ trong một thời gian khá dài nhưng không được chẩn đoán. Sau đó, động mạch chủ bị rách, dẫn đến lóc tách thì gần như "vô phương cứu chữa".
"Điều đáng sợ về lóc tách độc mạch chủ, đặc biệt là lóc tách động mạch chủ loại A cấp tính như trường hợp của Wahl, là chúng có thể tiển triển nhanh đến mức biến một bệnh nhân từ trạng thái bình thường đến bất tỉnh trong một thời gian ngắn", TS Faust nhận xét.
Lóc tách động mạch chủ là gì?
Động mạch chủ là động mạch chính của cơ thể con người. Cấu trúc lớn của nó là chìa khóa để duy trì chức năng quan trọng là bơm máu chứa oxy đi khắp cơ thể.
Trang New Medical định nghĩa lóc tách động mạch chủ xảy ra khi thành động mạch chủ bị rách khiến máu thoát ra khỏi động mạch chủ. Nếu máu thoát qua vết đứt này, bệnh nhân có thể nhanh chóng tử vong.
Bóc tách động mạch chủ bắt đầu bằng một vết rách nội mạc. Máu nhanh chóng xâm chiếm không gian nội mạc và gây ra sự phân tách giữa các lớp trong khi mở rộng lối vào. Sự chuyển hướng của máu dẫn đến giảm huyết áp đột ngột. Sự tích tụ máu dẫn đến chấn thương tim nặng hơn hoặc thậm chí tử vong đột ngột.
Tuy nhiên, việc điều trị huyết áp thấp đối với bệnh nhân lóc tách động mạch chủ lại là "con dao hai lưỡi", tiến sĩ Jeremy Faust, giảng viên tại trường Y Harvard, giải thích trên Insider.
Một mặt, nếu các bác sĩ không tăng huyết áp, bệnh nhân có thể bị đột quỵ. Tuy nhiên, nếu chúng ta làm tăng huyết áp, tình hình chung có thể trở nên tồi tệ hơn vì vết rách trên niêm mạc động mạch chủ ngày càng lớn hơn.
Đây là một phần lý do khiến 40% bệnh nhân bóc tách động mạch chủ tử vong gần như ngay lập tức - họ bị chảy máu từ động mạch lớn nhất của cơ thể.
Ai dễ bị lóc tách động mạch chủ?
Theo The Conversation, lóc tách động mạch chủ có liên quan chủ yếu đến hai yếu tố: Điều kiện di truyền và lối sống ảnh hưởng đến tim, mạch máu.
Ví dụ, chế độ ăn uống kém và hút thuốc có thể dẫn đến tăng huyết áp, làm tăng khả năng tổn thương các tế bào trong mạch máu. Thường xuyên sử dụng cocaine cũng có thể làm tăng nhịp tim, huyết áp, đồng thời làm giảm lượng máu đi qua các động mạch cung cấp cho tim.
Một số tình trạng di truyền cũng liên quan đến việc tăng nguy cơ lóc tách động mạch chủ, phổ biến nhất trong số này là hội chứng Marfan hoặc Loeys-Dietz.
Mạch máu của những người mắc hội chứng Marfan thường không đảm bảo về độ cấu trúc và đàn hồi, từ đó tăng nguy cơ bị lóc tách hoặc vỡ. Những người mắc hội chứng Marfan cũng có nguy cơ cao bị lóc tách động mạch chủ ở độ tuổi trẻ hơn, khoảng 38 tuổi.
Bên cạnh đó, các tình trạng khác có thể dẫn đến phình, lóc tách động mạch chủ bao gồm huyết áp cao, lão hóa, chấn thương ngực do tai nạn giao thông, mắc bệnh tim và hội chứng Turner, Insider bổ sung.
Ngoài ra, giới tính cũng là yếu tố ảnh hưởng đến các trường hợp bị lóc tách động mạch chủ, theo The Conversation.
Đối với lóc động mạch chủ, vết rách ảnh hưởng đến động mạch chủ lên được gọi là type A, trong khi những vết rách ảnh hưởng đến động mạch chủ xuống là type B.
Đối với nam giới, lóc tách động mạch chủ có xu hướng xảy ra ở độ tuổi 60, trong khi độ tuổi này ở phụ nữ thường muộn hơn, khoảng 65 tuổi. Lóc tách type A có khả năng xảy ra ở nam giới cao gấp 2 lần so với nữ giới.
"Việc lóc tách động mạch chủ được phát hiện càng sớm thì tỷ lệ sống sót càng cao", tiến sĩ Jeremy Faust, giảng viên trường Y Harvard, cho hay.
Ở giai đoạn chẩn đoán và phát hiện bệnh, phương pháp thường xuyên được sử dụng là chụp CT.
Nếu có nhiều triệu chứng có thể dẫn đến chứng lóc tách động mạch chủ, bệnh nhân phải thường xuyên sử dụng thuốc chống tăng huyết áp để giảm tổn thương lớp nội mô trong động mạch chủ.
Tuy nhiên, kiểu can thiệp này chỉ phù hợp với bệnh type B. Bệnh nhân được chẩn đoán bị lóc tách động mạch chủ type A luôn cần phải can thiệp phẫu thuật ngay lập tức.
Do bệnh mức độ nghiêm trọng và tiên lượng xấu, mọi người cần thay đổi lối sống để góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh như tập thể dục, ăn uống lành mạnh và bỏ thuốc.
Ngoài ra, The Conversation cũng lưu ý mọi người cần theo dõi và kiểm soát huyết áp của mình do đây là yếu tố có thể hé lộ nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.