Sự thật về căn bệnh khiến 30 triệu người Việt mắc phải
Máu nhiễm mỡ không chỉ gặp ở người béo. Bởi nhiều người gầy ngỡ ngàng khi kết quả xét nghiệm kết luận mình bị máu nhiễm mỡ.
Đó là nhận định của BSCKII Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Thống nhất TP.HCM. Theo bác sĩ Loan, tình trạng mỡ máu, gan nhiễm mỡ tăng cao không chỉ ở đối tượng thừa cân, béo phì mà còn gặp ở người gầy, trẻ em, người ăn chay trường và trong quá trình giảm cân.
Nhịn ăn, bỏ bữa tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ
Các chất đường, béo được tiêu thụ là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể hoạt động. Lượng chất bột đường quá nhiều hay nhiều thức ăn béo, vượt quá khả năng chuyển hóa, dự trữ của gan là một trong những nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ.
Tuy nhiên, khi cơ thể nhịn đói, ăn kiêng quá mức chất bột đường, gan sẽ phải sử dụng đến cơ, mỡ dự trữ để chuyển hóa thành đường cung cấp năng lượng cho các cơ quan. Sự chuyển hóa này có thể sinh ra những chất bất lợi cho cơ thể và gia tăng quá mức chất béo có hại.
“Chưa thể khẳng định nhịn ăn, đói là nguyên nhân trực tiếp khiến tăng mỡ máu, mỡ gan. Tuy nhiên, nếu bỏ bữa, kiêng khem ăn uống quá mức hoặc bổ sung dinh dưỡng không hợp lý, không đủ chất cần thiết có thể gây gan nhiễm mỡ, tăng mỡ máu”, bác sĩ Loan nói.
Người gầy vẫn bị máu nhiễm mỡ
Theo bác sĩ Loan, nhiều người gầy đã cảm thấy ngỡ ngàng khi kết quả xét nghiệm kết luận mình bị máu nhiễm mỡ. Nguyên nhân là khi không ăn đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, cơ thể không đủ để chuyển hóa, gan sẽ tự động điều chỉnh lượng chất béo được lưu trữ và chuyển đổi protein thành năng lượng cần thiết. Lúc này, một lượng lớn axit béo vượt quá khả năng vận chuyển lipoprotein và gây lắng đọng trong gan, dẫn đến gan nhiễm mỡ.
Ăn chay để giảm mỡ gan là sai lầm
Bác sĩ Loan cho biết người ăn chay trường, kiêng thịt mỡ vẫn có nguy cơ cao nhiễm mỡ gan. Nguyên nhân là thực phẩm chay khiến cơ thể nạp không đủ chất đạm, thiếu chất sắt và các vitamin nhóm B, đôi khi không đủ năng lượng, thành phần dinh dưỡng chất không cân đối.
Người ăn chay thường nạp nhiều chất bột đường, bánh kẹo ngọt, các món ăn thường là chiên xào, nhiều chất béo, đặc biệt sử dụng các loại dầu không tốt (dầu dừa, cọ…). Nếu kết hợp việc vận động ít, nguy cơ máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ vẫn cao ở người ăn chay.
Bên cạnh đó, bác sĩ Loan cảnh báo những người nhịn đói kéo dài, bỏ bữa ăn, hoặc bệnh đái tháo đường không được điều trị tốt có thể gây tăng thể ceton máu do chuyển hóa chất béo thành đường. Chất này có thể gây hại cho não, thậm chí hôn mê do nhiễm ceton vì chất ceton đi qua được hàng rào máu não.
Cách giảm cân an toàn cho người bị mỡ máu, mỡ gan
Để giảm cân an toàn, nguyên tắc chung là giảm năng lượng và các chất dinh dưỡng đưa vào cơ thể, phù hợp với nhu cầu từng người. Giảm tiêu thụ thực phẩm nhiều nhiều năng lượng như bột đường, chất béo. Tăng cường chất xơ từ các loại rau, củ quả, ngũ cốc nguyên hạt…
Tăng tiêu hao năng lượng trong cơ thể bằng cách vận động với cường độ vừa phải, đều đặn mỗi ngày hay ít nhất 3 ngày trong tuần và vận động 30-45 phút/lần. Nếu vận động quá mức, không những không tiêu hao mỡ thừa mà còn khiến giảm khối cơ, khiến cơ thể mệt mỏi hơn, gây đói và ăn nhiều hơn.
Với bệnh nhân gan nhiễm mỡ, bác sĩ Loan khuyến cáo nên điều chỉnh chế độ ăn giảm chất béo đặc biệt là béo có hại (béo bão hòa, nhiều cholesterol như mỡ, bơ, lòng đỏ trứng, phủ tạng…), chọn các loại béo tốt (dầu mè, olive, mỡ cá) nhưng ăn số lượng vừa phải. Các thực phẩm giàu bột đường (cơm, bánh mì, khoai bắp…) giảm vừa phải và ăn đủ bữa.
Việc giảm cân bằng cách nhịn ăn có thể gây hạ đường huyết do gan không chuyển hóa kịp. Do vậy, bệnh nhân gan nhiễm mỡ tuyệt đối không nên nhịn đói, ăn nhiều bữa nhỏ và không kiêng khem quá mức. Đồng thời, nên tuyệt đối kiêng rượu bia, vì rượu bia sẽ làm thúc đẩy tình trạng gan nhiễm mỡ vào giai đoạn nặng hơn.