Sự thật về clip người đàn ông ngăn bão số 9 trên mạng xã hội
Nhiều dân mạng cho rằng người đang mạo hiểm quay clip trong cơn bão số 9 này ở Việt Nam. Thực tế, đây là một thanh niên đến từ Ấn Độ.
Ngày 28/10, khi bão số 9 đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ, nhiều diễn đàn đăng tải clip một người đàn ông mặc quần áo phong phanh, đứng trên nóc nhà và nhảy múa giữa thời tiết mưa bão.
Đoạn video dài hơn 30 giây được chia sẻ rầm rộ thu hút gần một triệu lượt xem trong một ngày. Nhiều trang mạng viết chú thích video như: "Dùng công lực đẩy lùi bão số 9", "Sự trỗi dậy của con người chống chọi thiên nhiên"...
Hầu hết đều đề cập đến cơn bão số 9 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung khiến cư dân mạng suy đoán nhân vật chính là một thanh niên sống ở Đà Nẵng và clip được quay cách đây không lâu.
Nhiều người thậm chí để lại bình luận "ném đá" vì cho rằng người đàn ông mạo hiểm tính mạng để quay clip "câu view" trong mùa bão.
Tuy nhiên, thực chất đoạn video này không phải được quay ở Việt Nam và cũng không hề liên quan gì đến cơn bão số 9 vừa qua.
Clip này đã xuất hiện trên YouTube từ hơn 6 tháng trước. Nhân vật chính là một người đàn ông Ấn Độ tên Jeremy l Ralte (27 tuổi) sống tại Mizoram.
Trong video gốc, Jeremy l Ralte leo lên nóc nhà giữa trời mưa lớn để biểu diễn vũ đạo trên nền bài hát Earth Song của Michael Jackson.
"Năm 2020 sẽ không phụ thuộc vào chúng ta! Hãy luôn mạnh mẽ. Hãy nhớ tôi, ngay cả trong thời tiết tồi tệ nhất", Jeremy l Ralte viết chú thích khi chia sẻ video lên trang cá nhân vào ngày 21/4.
Ngoài video này, anh chàng Ấn Độ còn nổi tiếng với nhiều video hài hước khác như thể hiện các động tác của ninja với một thanh kiếm nhựa trên nền nhạc Nhật Bản, cosplay Lý Tiểu Long luyện Kung Fu giữa trời mưa gió.
Nhờ các video viral trên mạng xã hội, Jeremy l Ralte được nhiều người biết đến và đặt biệt danh là "vũ công bão lốc xoáy". Hiện, trang cá nhân của anh đã có hơn 23.000 người theo dõi.
Đây không phải lần đầu tiên dân mạng Việt Nam chia sẻ thông tin sai về một clip chưa rõ nguồn gốc. Sự hiểu lầm đến từ việc một số người copy và chia sẻ clip với chú thích không đúng cũng như không ghi nguồn rõ ràng.