Ngay đầu tác phẩm Chí Phèo, nhà Văn Nam Cao đã đề cập đến xuất thân của Chí Phèo. Chí Phèo là đứa trẻ mồ côi không cha không mẹ bị bỏ rơi ở lò gạch từ lúc còn đỏ hỏn. “Một anh đi thả ống lươn, một buổi sáng tinh sương đã thấy hắn trần truồng và xám ngắt trong cái váy đụp để bên một lò gạch bỏ không, anh ta rước lấy và đem cho một người đàn bà góa mù”.
Theo truyện, người đàn bà góa mù bán Chí Phèo cho một bác phó cối không con. Khi bác phó cối chết, Chí Phèo bơ vơ, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ. Cho đến năm 20 tuổi, Chí Phèo làm canh điền cho nhà Bá Kiến. Sau đó đi tù.
Khi ở tù về, Chí Phèo ba lần đến nhà Bá Kiến. Mỗi một lần đặt chân đến nhà Bá Kiến là một lần tạo ra bước ngoặt và sự chuyển biến trong con người Chí Phèo.
Lần thứ nhất Chí Phèo đến nhà Bá Kiến là lúc vừa đi tù về. Trong cơn say khướt, Chí Phèo xách vỏ chai đến cổng nhà Bá Kiến gọi tận tên tục ra mà chửi. Trong lần gặp mặt này Bá Kiến mời Chí Phèo vào nhà, giết gà đãi rượu, lúc Chí Phèo về còn đãi một đống bạc.
Lần thứ hai Chí Phèo đến nhà Bá Kiến để xin được đi tù. “Bẩm quả đi tù sướng quá đi, ở tù còn có cơm ăn, bây giờ về làng về nước một thước cắm dùi...”. Trong lần gặp này chỉ một câu nói khích, Bá Kiến đã sai được Chí Phèo đến nhà đội Tảo đòi nợ, sau đó Chí Phèo trở thành chân tay của Bá Kiến, chuyên đâm thuê chém mướn, rạch mặt ăn vạ.
Lần thứ ba cũng là lần chót Chí Phèo đến gặp Bá Kiến. Lần này Chí Phèo đến gặp Bá Kiến để đòi lương thiện “Ai cho tao lương thiện. Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không”. Sau đó Chí Phèo đâm chết Bá Kiến.
Theo tác giả miêu tả, Chí Phèo đã uống hết hai chai rượu trước khi bước chân vào nhà Bá Kiến. Nghĩa là lúc đấy Chí Phèo đã say. Nhưng trước khi đâm Bá Kiến, Chí Phèo lại nói 3 câu rất tỉnh đòi lương thiện. Có lẽ cuộc đời Chí Phèo, chủ yếu là say, nhưng trong cơn say cuối cùng trong đời, Chí Phèo đã bừng tỉnh, trong khoảnh khắc bừng tỉnh ấy Chí Phèo giết Bá Kiến và chấm dứt cuộc đời mình.
Cái chết của Chí Phèo để lại trong lòng người bao trăn trở, bao suy tư. Hình ảnh Chí trở thành một điển hình văn học, một kiểu mẫu của loại người bị tha hóa về mặt nhân cách. Ngoài ra, qua Chí Phèo, nhà văn Nam Cao bày tỏ sự cảm thông, thái độ tôn trọng sâu sắc đối với số phận của những kẻ thấp cổ bé họng, bị xã hội chà đạp, ruồng rẫy, chối bỏ, thậm chí tước bỏ cả quyền làm người.
Mời độc giả xem video: Cuộc sống các ái nữ thuộc thế hệ Rich kid Việt Nam. Nguồn: Bản Tin Showbiz Việt.
Thu Hà