Sự thật về ngôi chùa Khổ tại xã Ngọc Mỹ
Cho rằng ngôi chùa Khổ còn để lại nhiều dấu tích tại khu vực đất rừng sản xuất thuộc quản lý của 1 hộ dân ở thôn Minh Sơn, xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch, nhiều người dân đã tự ý xây dựng ngôi chùa khi không được sự đồng ý của chính quyền địa phương. Cho đến nay, vấn đề này vẫn đang "nóng" khi công trình xây dựng đã hiện hữu. Và đâu là sự thật về ngôi chùa này?
Sự việc bắt đầu từ một số hộ dân ở thôn Minh Sơn cho rằng được nghe các thế hệ cha ông truyền kể có ngôi chùa rất lâu đời tọa lạc trên núi Sáng, qua thời gian, ngôi chùa bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại dấu tích là những mảnh ngói, mảnh sành. Từ đó, các hộ dân đã mong muốn được dựng lại ngôi chùa.
Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ Nguyễn Thành Chung cho biết: “Vào khoảng tháng 4, nhiều hộ dân trong thôn đã tự ý đóng góp kinh phí và vận chuyển gạch, ngói, xi măng, gỗ xây dựng ngôi chùa mà không báo cáo chính quyền địa phương. Ngay sau khi phát hiện, UBND xã đã họp dân, lập biên bản và đình chỉ xây dựng công trình trái phép; đồng thời, tuyên truyền cho người dân hiểu trên mảnh đất không có dấu tích của ngôi chùa”.
Cũng theo xác minh, thực địa của UBND huyện Lập Thạch, những mảnh ngói, sành tìm được tại vị trí mà người dân cho là có nền móng của chùa thì những hiện vật này đều còn mới, không có niên đại từ xưa; đồng thời, huyện cũng khẳng định không có tư liệu lịch sử, hồ sơ di tích, dấu tích vật chất (ngọc phả, sắc phong, tượng pháp, bia ký) nào còn lưu trữ tại địa phương chứng minh sự tồn tại của ngôi chùa.
Không dừng lại, ngày 8/5, đại diện cho một số người dân ở thôn Minh Sơn - ông Khổng Văn Nhân đã có đơn gửi UBND huyện đề nghị phục hồi, xây dựng ngôi chùa Khổ trên nền đất cũ. Để làm rõ thông tin, UBND huyện đã có văn bản gửi Sở VH-TT&DL đề nghị hỗ trợ tra cứu dữ liệu quản lý về di tích và hướng dẫn cách thức tìm kiếm, sao chép các dữ liệu di tích tại các đơn vị quản lý.
Tuy nhiên, thông tin lưu trữ tại Sở VH-TT&DL cũng không có các dữ liệu liên quan đến di tích này. Sở đã đề nghị UBND huyện Lập Thạch chỉ đạo phòng chuyên môn hướng dẫn địa phương liên hệ với các cơ quan nghiên cứu ở Trung ương để tra cứu thêm thông tin, dữ liệu.
Qua hướng dẫn, UBND xã Ngọc Mỹ đã có văn bản gửi Viện Nghiên cứu Hán Nôm giúp đỡ tra cứu. Ngày 23/5, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã có công văn trả lời, khẳng định quá trình tra cứu tư liệu Hán Nôm như cổ chỉ, văn bia, văn chuông… không tìm thấy bất kỳ ghi chép nào nhắc đến chùa Khổ ở thôn Minh Sơn.
Để giúp nhân dân hiểu sự thật về ngôi chùa và tuyên truyền cho nhân dân thôn Minh Sơn hiểu các quy định của Luật Di sản, trong Công văn số 1092 của UBND huyện Lập Thạch ghi rõ: “Theo quy định tại Khoản 13, Điều 4, Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001: Phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh là hoạt động nhằm phục dựng lại các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh đã bị hủy hoại trên cơ sở các cứ liệu khoa học về di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh đó.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 11, Quy định quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ban hành kèm Quyết định số 53 của UBND tỉnh: Đối với các di tích đã bị đổ nát, chỉ còn là phế tích, còn địa điểm mặt bằng, không còn các dấu tích vật chất (ngọc phả, tượng pháp, bia ký) thì không được xây dựng lại.
Việc khôi phục di tích không đúng các quy định hiện hành sẽ vi phạm Khoản 5, Điều 1, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009: Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện những hành vi khác trái pháp luật”.
Qua các hình thức tuyên truyền, trả lời đơn thư, loa đài, trực tiếp... của chính quyền địa phương, người dân thôn Minh Sơn đã nhận thấy việc xây dựng công trình chùa trên đất rừng sản xuất tại thôn là trái phép.
Đồng thời, huyện cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hoàng Văn Ngâm (sinh năm 1964) thường trú tại thôn Minh Sơn về hành vi vi phạm hành chính, sử dụng đất rừng sản xuất vào mục đích khác, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép với mức xử phạt 4 triệu đồng và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả (buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất).
Thiết nghĩ, nguyện vọng được xây dựng những công trình tín ngưỡng, tâm linh của người dân là chính đáng, nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Nhìn ở một góc độ khác, khi hiện nay, các tà đạo, đạo lạ có nguy cơ trở lại và hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp, thì việc xây dựng các công trình tâm linh trái phép sẽ dễ dẫn đến các đối tượng lợi dụng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan và tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự.