Sự thật về trào lưu lọc máu thải độc lan truyền trên mạng
Gần đây nhiều người 'rủ nhau' đi lọc máu thải độc, để loại bỏ mỡ máu và nhiều bệnh khác.

Lọc máu có thực sự giúp loại bỏ mỡ máu, ngừa đột quỵ không? Đồ họa: Hương Giang
Lọc máu mà hết cả mỡ máu, tiểu đường... thì bác sĩ tim mạch thất nghiệp!
Nhiều bài đăng trên mạng xã hội quảng cáo về tác dụng kỳ diệu của việc lọc máudự phòng, cho rằng phương pháp này sẽ giúp loại bỏ tất cả các tạp chất trong máu như: Cholesterol xấu, chất gây viêm, kim loại nặng, vi khuẩn, vi rút gây bệnh, phòng ngừa tim mạch, đái tháo đường, bệnh gút, suy thận, đột quỵ, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…
Khi làm, người bệnh được lấy máu từ tĩnh mạch, sau đó máu được vận chuyển qua filter lọc lần 1 để tách huyết tương. Tiếp theo, máu được tách ở một ống riêng, phần huyết tương tách tiếp tục di chuyển đến filter lọc lần 2 để loại bỏ tạp chất.
Khi huyết tương sạch sẽ thì được kết hợp lại với máu đưa vào cơ thể. Thời gian lọc từ 3-4 giờ.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội - cho rằng: "Nếu chỉ cần 2-3 tiếng với chi phí chưa đến chục triệu mà phòng ngừa được đột quỵ, hết cả mỡ máu, tiểu đường... thì chắc bác sĩ tim mạch như tôi thất nghiệp".
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, một phương pháp thực sự hiệu quả sẽ được đưa vào hướng dẫn của các hội chuyên ngành nhưng cho đến thời điểm này chưa có khuyến cáo nào cho việc lọc máu dự phòng.
Lọc máu chỉ được chỉ định khi cần điều trị, nghĩa là khi đã được chẩn đoán xác định là có bệnh thực sự. Đây là phương pháp rất hiệu quả cứu sống nhiều bệnh nhân như suy thận, suy tim, nhiễm khuẩn nặng, viêm tụy cấp...
"Nếu các bạn đi sang nước ngoài để thanh lọc cơ thể cũng nên đặt câu hỏi nước sở tại có chi trả bảo hiểm cho phương pháp dự phòng này không? Câu trả lời chắc chắn là không. Vậy nên không mất tiền bạc và công sức cho việc thực hiện một thủ thuật "xâm lấn" mà hiệu quả chưa được chứng minh rõ ràng", PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.
Không có nghiên cứu nào cho thấy việc lọc máu có thể phòng ngừa bệnh
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Nghiên cứu và Điều trị kỹ thuật cao, Viện Y sinh Nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga - cho biết, lọc mỡ máu qua cách thức lọc máy không có tác dụng trong phòng ngừa đột quỵ.
Về lâu dài, bệnh nhân bị mỡ máu cần dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn, sinh hoạt khoa học. Lọc máu có thể giải quyết tạm thời, nhưng nếu ăn uống, chuyển hóa lại về nhịp cũ thì hoàn toàn không có ý nghĩa.
Hơn nữa, việc thực hiện lọc mỡ máu là một kỹ thuật chuyên sâu, cần các điều kiện kỹ thuật cao, thiết bị hiện đại, chuyên dụng. Bác sĩ thực hiện phải có chuyên ngành lọc máu ngoài cơ thể, được đào tạo chuyên sâu về hồi sức cấp cứu mới có thể thực hiện được.
Theo quy định của Bộ Y tế, người có chỉ định lọc máu khi chỉ số mỡ máu cao trên 11 mmol/L kèm viêm tụy. Chi phí thực hiện rất cao, đặc biệt kỹ thuật này cần phải đạt các tiêu chuẩn khắt khe bởi đây là kỹ thuật chuyên sâu.
Thực hiện lọc máu phải là những bác sĩ chuyên sâu về hồi sức cấp cứu. Bởi thực tế, trong quá trình lọc máu vẫn có thể xảy ra tai biến. Vì vậy, khi xảy ra sự cố, bác sĩ hồi sức sẽ có thể xử lý ngay tại chỗ.