Sự thiết thực từ những không gian tết xưa

Ở thời điểm còn hơn tuần nữa tết mới diễn ra, nhưng những ngày qua dường như không khí tết đã bắt đầu với nhiều người.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa Trịnh Đình Dương cho biết tại không gian check in tết xưa ở bảo tàng, những ngày này đã có rất nhiều người dân để được thả mình vào khung cảnh tết, sống trong không khí mùa xuân với những nét xưa.

Còn tại làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, sau khi UBND thành phố khai mạc không gian “Tết xưa làng cổ” vào sáng 18/1, đã có rất nhiều người dân thành phố và vùng lân cận đến trải nghiệm các hoạt động tại đây. Ở các gian hàng ẩm thực hay tại những không gian trình diễn, trải nghiệm trò chơi, trò diễn truyền thống luôn có rất đông người tham gia.

Những hoạt động này đã được UBND TP Thanh Hóa và Bảo tàng tỉnh tổ chức liên tiếp trong mấy năm gần đây và đều rất thành công, minh chứng bằng việc thu hút được rất nhiều người dân, trong đó có nhiều người trẻ tham gia trong khoảng thời gian nửa tháng đến gần 1 tháng.

Sự kiện văn hóa, du lịch “Tết xưa làng cổ” đang dần trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của thành phố dịp diễn ra tết cổ truyền. Còn ở Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, với việc mỗi tết một chủ đề, năm thì tổ chức không gian trình diễn nghề làm hương truyền thống, năm thì tái hiện khu mậu dịch thời bao cấp, năm thì tái hiện không gian phố xá xưa, trang phục du xuân cũ phục vụ du khách, đã đưa bảo tàng từng bước “bước ra” khỏi một không gian có tính hàn lâm, để gần gũi hơn với công chúng, trở thành điểm đến thu hút khách.

Theo thông tin từ Giám đốc Bảo tàng tỉnh, không chỉ có khách thông thường đến thực hành, trải nghiệm, mà còn có khá đông những cặp đôi đến đây chụp ảnh cưới, học sinh cuối cấp chọn để chụp ảnh kỷ yếu.

Những cách làm khác nhau, nhưng chung một mục đích, đó là đem đến những sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu thiết thực của công chúng dịp tết, các chủ thể đang từng bước làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Điều đó rất có giá trị khi chúng ta biết rằng giữa nhịp sống hối hả, có phần thực dụng hiện nay nhiều giá trị truyền thống, trong đó có các nghi thức của Tết Nguyên đán đang dần mất đi, thậm chí bị quên lãng.

Thông qua các hoạt động tái hiện nét đẹp của tết xưa, đã và đang tạo cơ hội cho nhiều người có tuổi được sống lại chính mình một thời; còn người trẻ thì có cơ hội để hiểu thêm về những nét đẹp xưa, phong vị tết xưa. Những điều tích cực đó không chỉ tạo nên một trạng thái tâm lý phấn chấn cho người dân để bước vào một mùa xuân mới, mà còn là những việc làm cụ thể góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Lam Vũ

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/su-thiet-thuc-tu-nhung-khong-gian-tet-xua-237414.htm