Sự thực chiếc máy giúp Anh phá vỡ đòn xâm lược của Đức
Nhờ có Antienigma, London đã giải mã được điện mật của tình báo Đức về việc đánh chiếm Ba Lan năm 1939 và chiến dịch 'Ngày đại bàng' nhằm vào nước Anh.
Ngày 16/7/1940, Adolf Hitler kí Mật lệnh 16 tiến hành chiến dịch “Sư tử biển” đổ bộ lên nước Anh. Nòng cốt của kế hoạch này là chiến dịch ném bom “Ngày đại bàng”, oanh tạc những mục tiêu quan trọng, tiêu diệt sinh lực vật lực, phá hủy tiềm năng kinh tế, quốc phòng của Anh, rồi đổ bộ và chiếm giữ những cơ quan đầu não, tiến tới chiếm đóng lâu dài nước Anh.
Thế nhưng, “Ngày đại bàng” đã trở thành ngày đen tối đối với không lực Đức. Chỉ trong hai tháng kể từ ngày bắt đầu chiến dịch (15/9/1940), Đức mất 1.733 máy bay, kéo theo là sự phá sản của kế hoạch “Sư tử biển”. Nước Anh không những không bị đánh gục mà còn đủ sức mạnh tham gia lực lượng Đồng minh góp phần tiêu diệt nước Đức phát xít.
Một kế hoạch công phu, do một cơ quan tình báo nổi tiếng là chặt chẽ và có nghiệp vụ vạch ra, vậy mà kết thúc không kèn không trống. Sức mạnh nào đã giúp nước Anh tai qua nạn khỏi?
Trước đó, vào một sáng chủ nhật mùa hè đẹp trời năm 1938, Thiếu tướng John Alesander Sincle, Giám đốc Cơ quan Tình báo Anh (SIS) đang thu xếp hành lí chuẩn bị đi chơi ở ngoại ô London thì có chuông điện thoại reo. Viên sĩ quan trực ban mời Sincle đến ngay công sở: Thiếu tá tình báo Frenxis Fawly cài cắm ở Đức và mang bí số 1200 nóng lòng xin được gặp ông.
Điệp viên 1200 cho hay, theo nguồn tin mà anh ta có được, quân đội Đức đang dùng máy Enigma để mã hóa mệnh lệnh, chỉ thị và các bức điện được phát đi trong nội bộ. Sincle ngay lập tức cho gọi cấp phó Steward Mendis đến và giao nhiệm vụ làm việc trực tiếp với 1200, kiểm tra tin và nếu đúng thì phải bằng mọi cách nắm được những bí mật có liên quan đến Enigma.
Các nhân viên dưới quyền Mendis bắt đầu tỏa đi các hướng săn lùng mọi tin tức có liên quan đến Enigma. Sau nhiều ngày, Mendis nhận được một bức điện mật từ Warszawa, báo cáo đã lần ra dấu vết một kĩ sư người Ba Lan bị trục xuất khỏi nước Đức. Người này từng làm việc ở nhà máy sản xuất ra chiếc Enigma đầy bí ẩn và nắm được nguyên lí hoạt động của nó.
Viên kĩ sư Ba Lan, sau khi được cấp hộ chiếu Anh mới toanh cùng 10.000USD tiền thưởng, đã lắp ráp thành công một chiếc Enigma. Chuyên gia mật mã nổi tiếng Alfred Nox cùng nhà toán học tài ba Alan Thiuring được phái đến hỗ trợ viên kĩ sư. Chỉ một thời gian sau, bộ ba này đã chế tạo ra một loại máy có thể giải mã bất cứ bức điện nào đã được Enigma thật mã hóa. Máy này được đặt tên là Antienigma (Chống lại Enigma).
Nhờ có Antienigma, phía Anh đã giải mã được những bức điện mật đầu tiên của quân đội và cơ quan tình báo Đức về việc chuẩn bị và tiến hành đánh chiếm Ba Lan năm 1939. Tiếp đó là những thông tin quan trọng về chiến dịch “Ngày đại bàng” của không quân Đức.
Rạng sáng ngày 15/9/1940, các hồi còi báo động vang lên khắp London. Các trạm radar, các trạm liên lạc hàng không hoạt động ráo riết. Quân đoàn không quân tiêm kích số 2 của quân đội Hoàng gia Anh được lệnh cất cánh. Trận không chiến diễn ra quyết liệt trên vùng trời phía đông nam nước Anh. Đến 17 giờ, Thống chế Tư lệnh Không quân Đức Goering biết đã thất bại. Hai ngày sau, Antienigma giải mã lệnh của Hitler về việc dỡ bỏ các phương tiện đã được chuẩn bị cho quân Đức đổ bộ lên bờ biển nước Anh.
Như vậy, nhờ có máy giải mã Antienigma mà người Anh đã làm phá sản các chiến dịch quan trọng của nước Đức phát xít. Trong bối cảnh đó, người ta không thể không đặt câu hỏi: Vì sao không quân Đức lại hủy diệt được thành phố Coventry khổng lồ của nước Anh mà hầu như không bị tổn thất?
Ngày 12/11/1940, Antienigma thu và giải mã được các mật lệnh của Bộ Tư lệnh không quân Đức về việc không kích Coventry vào đêm 14 rạng ngày 15/11, để trả đũa vụ Anh ném bom Munich. Cơ quan phản gián Anh thậm chí nắm được các chi tiết cụ thể của chiến dịch: Thoạt đầu, Đức sẽ dùng các máy bay Camfgroup-100 ném bom cháy xuống Coventy; các đám cháy sẽ làm mục tiêu cho các phi đội cường kích Heinken-111 ném bom oanh tạc. Tổng số máy bay Heinken được huy động dự kiến là 500 chiếc.
Nhận được báo cáo, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng W. Churchill cùng Cố vấn quân sự Gastingsh Ismay suy nghĩ rất lung. Hai người suy luận, nếu nước Anh tổ chức phòng thủ cho Coventry, làm cho không quân Đức một lần nữa xôi hỏng bỏng không như trong chiến dịch “Sư tử biển” thì người Đức sẽ phát hiện ra rằng London đã nắm được các bí mật của Enigma và ắt sẽ hoặc thay đổi mật mã, hoặc chế tạo máy khác.
Như vậy, để bảo toàn bí mật cho Enigma, Churchill và Ismay quyết định dâng Coventry cho thần chết. Người ta đã không tổ chức sơ tán cho người dân thành phố. Các đơn vị cứu hỏa và cảnh sát án binh bất động. Phòng không hoạt động yếu ớt, các tốp tiêm kích lẻ loi của Anh không đương nổi cả binh đoàn Heinken hùng hổ. Cả một thành phố đang ngủ say bị hủy diệt.
Có lẽ vì lí do này mà người Anh không muốn nhắc lại vụ Enigma, dù việc khám phá ra nó quả là một chiến tích lớn lao của ngành tình báo Anh.