Sự thực trận đánh của Liên Xô khiến Nhật khiếp đảm
Tháng 4/1918, quân đội Nhật cùng với Anh, Mỹ chiếm Vladivostok, hải cảng quan trọng ở miền cực đông nước Nga.
Cuối tháng 7/1938, quân Nhật tấn công vào lãnh thổ Liên Xô ở khu vực hồ Khasan, nhưng chỉ trong mấy ngày bị đánh bại thảm hại và phải ký kết hiệp định chấm dứt chiến sự.
Sau nhiều lần khiêu khích, trong tháng 5 và đầu tháng 6/1939, các lực lượng quân phiệt Nhật Bản đóng tại Khala (Trung Quốc) đã bất ngờ xâm nhập lãnh thổ Mông Cổ ở khu vực sông Khalkhyn Gol. Trong suốt tháng 6, quân Nhật tập trung tại đây một cụm quân lớn và tiến hành các công việc chuẩn bị để mở một chiến dịch quân sự mang tên “Giai đoạn 2 của biến cố Mông-Hán”.
Mục tiêu của chiến dịch là: Hợp vây và tiêu diệt các đơn vị quân đội Liên Xô và Mông Cổ đóng tại phía đông sông Khalkhyn Gol; Vượt sang bờ tây sông Khalkhyn Gol và đánh tan lực lượng dự bị Hồng quân Liên Xô; Đánh chiếm, mở rộng khu vực phía tây sông Khalkhyn Gol để làm bàn đạp cho những hành động tiếp theo là yểm hộ cho việc xây dựng tuyến đường sắt chiến lược chạy tới biên giới miền Zabaikal, tiến tới đánh chiếm miền Viễn Đông của Liên Xô.
Theo tính toán của Bộ Chỉ huy Nhật khi đó, chiến dịch sẽ phải thực hiện xong trong nửa đầu tháng 7/1939 để trước khi mùa thu sang, có thể hoàn thành toàn bộ các hoạt động chiến sự trong phạm vi biên giới Mông Cổ.
Thực hiện cam kết trong hiệp ước hữu nghị giữa hai nước Xô-Mông, Liên Xô mở chiến dịch đánh đuổi quân Nhật khỏi lãnh thổ Mông Cổ. Tư lệnh chiến dịch là Thượng tướng Zhukov, Phó tư lệnh Quân khu Belorussia.
Sau khi thị sát mặt trận, tướng Zhukov đề nghị sử dụng cho chiến dịch 3 sư đoàn bộ binh, 1 lữ đoàn xe tăng và các đơn vị pháo binh. Tổng binh lực liên quân Xô-Mông là 57.000 người, 542 pháo, cối, 495 xe tăng, 385 xe chiến đấu, 300 máy bay. Đơn vị chủ yếu của quân Nhật tham gia chiến dịch là Tập đoàn quân 6 với 75.000 người, 500 pháo, 182 xe tăng, 515 máy bay.
Để đánh lừa địch và giữ bí mật tuyệt đối các hành động tác chiến, Bộ Chỉ huy Hồng quân đã vạch kế hoạch nghi binh, gây cho quân Nhật ấn tượng Hồng quân không có dấu hiệu gì chứng tỏ đang chuẩn bị tấn công, mà chỉ triển khai việc xây dựng phòng ngự và chỉ có phòng ngự mà thôi.
Mọi việc chuyển quân, tập trung quân và điều chỉnh lực lượng chỉ tiến hành vào ban đêm, được ngụy trang bằng động cơ máy bay, tiếng pháo, súng cối.. bắn theo một kế hoạch ăn khớp với kế hoạch chuyển quân. Các đơn vị, cá nhân không được tự ý có mặt tại khu vực từ đó dự kiến đột kích vào sườn và phía sau lực lượng bố trí của quân Nhật.
Các cán bộ khi đi trinh sát thực địa phải mặc trang phục chiến sĩ và nhất thiết phải đi bằng xe tải. Các cuộc đàm thoại vô tuyến chỉ nói về việc xây dựng tuyến phòng ngự và chuẩn bị cho chiến cục thu đông. Nhiều tài liệu hướng dẫn tác chiến phòng ngự được phát hành và cố tình để lọt vào tay quân Nhật. Ngoài ra, Hồng quân còn dùng những mạng ngụy trang làm bằng vật liệu kiếm được tại địa phương để giấu kín súng pháo, cối, xe kéo và các khí tài khác. Các đơn vị xe tăng đi thành từng tốp nhỏ từ nhiều hướng tiến ra khu vực xuất phát ngay trước lúc pháo binh và không quân bắn chuẩn bị.
Ngày 20/8/1939, Bộ Chỉ huy Nhật tin rằng liên quân Xô-Mông chưa hoàn tất công tác chuẩn bị cho tấn công, nên đã cho phép các tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, liên quân Xô-Mông đã mở chiến dịch tổng tấn công nhằm hợp vây và tiêu diệt quân Nhật vào đúng hôm đó. Sau khoảng một tiếng rưỡi đầu bị pháo và máy bay Hồng quân chế áp, quân Nhật bắt đầu điên cuồng đánh trả.
Để nhanh chóng giải quyết trận đánh, Bộ Chỉ huy Hồng quân quyết định đưa Lữ đoàn xe bọc thép số 9 vốn nằm trong lực lượng dự bị vào chiến đấu, và tăng cường thêm pháo binh. Các trận đánh quyết liệt diễn ra suốt một tuần. Chiều 26/8, sau khi đánh tan các cụm quân địch đóng hai bên sườn, các đơn vị xe tăng, xe bọc thép Hồng quân hợp vây xong toàn bộ Tập đoàn quân 6 của Nhật, và từ ngày hôm sau bắt đầu cắt địch ra thành từng bộ phận và tiêu diệt chúng… Ngày 30/8, Tập đoàn quân 6 bị tiêu diệt hoàn toàn. Phía Nhật Bản mất 61.000 người chết, bị thương, bị bắt làm tù binh, 600 máy bay cùng nhiều trang bị khác.
Đòn đánh trả quyết liệt của quân đội Xô-Mông đã buộc nhà cầm quyền Nhật Bản lúc đó phải gác lại âm mưu đánh chiếm miền Viễn Đông. Ám ảnh từ thất bại trong trận Khalkhyn Gol còn theo đuổi người Nhật trong nhiều năm, đến mức sau đó, ngay cả khi phát xít Đức đã tấn công xâm lược Liên Xô từ phía tây,quân Nhật vẫn e ngại rồi hủy bỏ tấn công Liên Xô từ phía đông.
Trong trận Khalkhyn Gol, lần đầu tiên Hồng quân áp dụng thành công học thuyết “Tác chiến thọc sâu” mà cha đẻ là Mikhail Tukhasevsky - một trong 5 vị Nguyên soái Liên Xô đầu tiên. Bộ Chỉ huy Hồng quân đã sử dụng các lực lượng phối hợp tấn công sâu vào phòng tuyến của đối phương để tiêu diệt hậu phương và hậu cần của chúng; sử dụng lực lượng xe tăng, cơ giới, máy bay và hỏa pháo mạnh để phản kích một cách kiên quyết, đánh chia cắt và bao vây gây tổn thất nặng nề cho quân Nhật.
Cũng lần đầu tiên, tướng Zhukov thể hiện được tài năng về mặt chỉ huy và hiệp đồng tác chiến ở cấp chiến dịch, qua đó gây sự chú ý và lòng tin đối với Stalin. Sau chiến dịch, Georghy Konstantinnovich được thăng quân hàm Đại tướng và được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu đặc biệt Kiev.