Sáu thách thức lớn nhất đối với đảng chính trị mới của tỷ phú Elon Musk
Người giàu nhất thế giới tuyên bố đã thành lập 'Đảng Nước Mỹ'. Tuy nhiên, việc biến đảng này thành một phong trào chính trị có ý nghĩa sẽ không hề dễ dàng.

Tỷ phú Elon Musk. Ảnh: PAP/TTXVN
Theo tờ Washington Post, tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk ngày 5/7 cho biết ông đã thành lập một đảng chính trị mới ở Mỹ mang tên “Đảng Nước Mỹ”, với mục tiêu đại diện cho 80% cử tri “ở giữa”.
Sau khi dốc lực ủng hộ ông Trump trong chiến dịch tái tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024, ông Musk đã trở thành nhà tài trợ chính trị lớn nhất nước này. Sau đó, ông cũng phụ trách thành lập cơ quan mang tên Ban Hiệu quả Chính phủ (DOGE) trong chính quyền Tổng thống Trump nhằm cắt giảm quy mô chính phủ.
Tuy nhiên, Elon Musk dường như đã quay lưng với ông Trump và phần lớn các nghị sĩ Cộng hòa tại Quốc hội. Xuất phát từ sự bất bình với tình trạng chi tiêu công quá mức, ông Musk gần đây tuyên bố sẽ thành lập “Đảng Nước Mỹ” nếu Quốc hội thông qua dự luật cải cách thuế và chi tiêu quy mô lớn do Tổng thống hậu thuẫn. Vào ngày 6/7, một ngày sau khi ông Trump ký ban hành dự luật, ông Musk tuyên bố trên X rằng đảng này đã chính thức được thành lập để giành lại tự do cho các cử tri.
Tuy nhiên, đảng của Musk sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ hệ thống chính trị ưu ái lưỡng đảng đến tính khí cá nhân của chính ông. Dưới đây là 6 rào cản đáng kể nhất.
Rào cản thể chế và luật bầu cử
Hệ thống bầu cử theo kiểu “thắng tất” của Mỹ không thân thiện với các đảng thứ ba.
Giáo sư Hans Noel, chuyên giảng dạy lịch sử chính trị tại Đại học Georgetown, nhận định: “Nước Mỹ không có các thể chế cho phép các đảng nhỏ hoặc đảng thứ ba dễ dàng thành công”. Ông nói thêm: “Bạn phải thắng tuyệt đối thì mới được công nhận. Không giống như ở các nền dân chủ khác, nơi một đảng nhỏ có thể giành 20-30% phiếu bầu và có đại diện trong Quốc hội để dần xây dựng lực lượng”.
Ngoài hệ thống “thắng tất”, nếu ông Musk muốn đưa ứng viên của mình ra tranh cử ở cấp liên bang hoặc sau này là tổng thống, thì tổ chức chính trị mới của ông sẽ phải đáp ứng các yêu cầu khác nhau về việc có tên trên lá phiếu tại từng bang.
Các bang và Ủy ban Bầu cử Liên bang có những quy định riêng để đăng ký một đảng mới, bao gồm điều kiện cư trú, số lượng chữ ký cử tri...
Giáo sư Mac McCorkle tại Trường Chính sách công Sanford của Đại học Duke cho rằng điều này là vô cùng nan giải: “Để có tên trên lá phiếu, cần thu thập được rất nhiều chữ ký cử tri”. Tuy nhiên, ông cũng nhận định: “Với tiềm lực tài chính, ông Musk có lẽ làm được điều đó”.
Thực tế, nhiều ứng viên đảng thứ ba từng vấp phải rào cản này. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, không có ứng viên bên thứ ba đáng chú ý nào có tên trên phiếu bầu ở cả 50 bang.
Trở lực lịch sử và thực tiễn gần đây
Các đảng bên ngoài hệ thống lưỡng đảng Mỹ luôn tồn tại, nhưng ảnh hưởng của họ ở cấp quốc gia rất hạn chế.
Lần gần nhất một ứng viên tổng thống không thuộc đảng Cộng hòa hay Dân chủ giành được phiếu đại cử tri là năm 1968, khi năm bang miền Nam ủng hộ ông George Wallace (đảng Độc lập Mỹ).
Tỷ phú Ross Perot từng đạt gần 19% phiếu phổ thông năm 1992 nhưng không giành được phiếu đại cử tri nào. Giáo sư Noel nhận định: “Ông Perot đạt kết quả tuyệt vời, nhưng ông không về nhất ở bang nào. Với hệ thống đại cử tri như hiện nay, điều đó đồng nghĩa với con số 0”.
Chiến dịch tranh cử của ông Ralph Nader năm 2000 đã khiến bang Florida có kết quả sít sao, tạo điều kiện để ông George W. Bush giành chiến thắng sau phán quyết của Tòa án Tối cao. Tuy nhiên, ông Nader vẫn không giành được phiếu đại cử tri nào.
Một số chính trị gia độc lập hiện nay như Bernie Sanders (Vermont) và Angus King (Maine) vẫn liên kết với đảng Dân chủ. Hai thượng nghị sĩ độc lập khác là Kyrsten Sinema (Arizona) và Joe Manchin (Tây Virginia) đã không tái tranh cử năm 2024. Cựu hạ nghị sĩ Justin Amash (Michigan) rời đảng Cộng hòa năm 2019 và gia nhập đảng Tự do năm 2020, nhưng không tái tranh cử.
Quy mô và chiến lược
Ông Musk cho biết ông sẽ nhắm đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm sau.
Trước đó, ông Musk từng nêu ý tưởng tác động đến Quốc hội bằng cách tập trung vào một số cuộc đua tại Thượng viện và Hạ viện, nhưng chưa nêu rõ mục tiêu cụ thể.
Trên X, ông Musk viết: “Với thế đa số mong manh, điều đó đủ để đóng vai trò quyết định trong các dự luật gây tranh cãi, bảo đảm rằng luật pháp thực sự phục vụ ý chí của nhân dân”.
Dù không tin các ứng viên của ông Musk sẽ thắng, nhưng Giáo sư McCorkle cho rằng họ có thể đóng vai trò “gây xáo trộn”, khiến đảng Cộng hòa mất phiếu ở các bang chiến địa như Bắc Carolina, nhất là khi cử tri theo ông Trump có thể không còn mặn mà với kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Tỷ phú Musk phản đối dự luật chi tiêu và cải cách thuế vừa được ông Trump ký ban hành. Quan điểm này của ông được nhiều người Mỹ đồng tình. Theo khảo sát của Washington Post–Ipsos, 63% người dân phản đối khoản nợ quốc gia tăng thêm 3.000 tỷ USD do dự luật gây ra.
Tuy nhiên, Giáo sư McCorkle cho rằng việc ông Musk phản đối chi tiêu công không tạo thành một chiến lược dài hạn, đặc biệt khi các công ty của ông đang nhận được những hợp đồng chính phủ trị giá hàng chục tỷ USD.
Mâu thuẫn trong nhóm cử tri tiềm năng
Ngày 5/7, tỷ phú Musk đồng tình với một người dùng X đưa ra cương lĩnh gồm: giảm nợ công, hiện đại hóa quân đội bằng AI và robot, ủng hộ tự do ngôn luận và bãi bỏ quy định, khuyến khích sinh con, thực hiện chính sách ôn hòa ở mọi lĩnh vực còn lại.
Tuy nhiên, Giáo sư Noel cho rằng nhóm “80% ở giữa” mà tỷ phú Musk nhắm đến lại không đủ gắn kết để thành lập một đảng. Ông nói: “Người ta vẫn còn gắn bó với hai đảng lớn, dù không hài lòng với họ. Mọi người có mối quan tâm khác nhau, nhưng không có một lực lượng cử tri rõ ràng nào mà ông Musk đang nhắm đến. Con số 80% đó thực ra không được xác định rõ ràng chút nào”.
Tìm kiếm đồng minh chính trị
Sau khi rời bỏ chính quyền liên bang và mâu thuẫn với ông Trump cùng các nghị sĩ Cộng hòa, ảnh hưởng chính trị của ông Musk đang suy giảm. Đồng minh của ông Trump là James Fishback đã tuyên bố thành lập một ủy ban hành động chính trị (super PAC) để ngăn cản nỗ lực của ông Musk.
Dù có tiềm lực tài chính, nhưng theo Giáo sư Noel, các đảng chính trị mạnh đều xây dựng được mạng lưới cử tri ủng hộ, có thể quyên góp, vận động và đi bỏ phiếu: “Không chỉ là tiền. Quan trọng hơn là xây dựng được mối liên kết với cử tri, những người sẽ không chỉ bỏ tiền mà còn hành động vì bạn”.
Theo ông Noel, đảng mới sẽ cần một lực lượng cử tri tận tâm sẵn sàng chiến đấu qua nhiều thất bại ban đầu. “Tiền không mua được điều đó”.
Hiện chỉ có một nghị sĩ Cộng hòa phản đối chi tiêu công và có xu hướng tự do cá nhân vẫn được ông Musk ủng hộ: ông Thomas Massie (bang Kentucky). Hai nhóm chính trị ngoài đảng Cộng hòa là Ủy ban Quốc gia đảng Tự do và nhóm trung dung No Labels cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với tỷ phú Musk.
Sự kiên nhẫn
Liệu một tỷ phú với tính khí thất thường, nổi tiếng vì phá vỡ chuẩn mực, đặt mục tiêu tham vọng và sản xuất tên lửa cùng ôtô điện có đủ kiên nhẫn để theo đuổi quy trình phức tạp và thất bại chính trị?
Hai giáo sư Noel và McCorkle đều hoài nghi.
Ông McCorkle nói: “Tôi không chắc ông ấy đủ kiên nhẫn. Tỷ phú Musk sẽ kiểm tra năng lực các ứng viên thế nào?”.
Đầu năm nay, tỷ phú Musk đã chứng kiến giới hạn của tiền bạc trong chính trị khi chi hơn 20 triệu USD để ủng hộ một ứng viên bảo thủ trong cuộc đua vào Tòa án Tối cao bang Wisconsin.
Cuộc bầu cử này tiêu tốn hơn 100 triệu USD, trở thành cuộc đua tư pháp đắt đỏ nhất lịch sử Mỹ. Dù ông Musk đầu tư mạnh và cho rằng đây là cuộc bầu có thể “định hình văn minh phương Tây”, nhưng ứng viên tự do Susan Crawford vẫn giành chiến thắng.
Thời gian gần đây, ông Musk liên tục thay đổi về mức độ chi tiền cho chính trị. Sau thất bại ở Wisconsin, ông tuyên bố sẽ chi ít hơn nhiều trong tương lai, nhưng vẫn để ngỏ khả năng chi tiếp nếu thấy có lý do chính đáng.
Giáo sư McCorkle kết luận: “Tôi không tin ông ấy sẽ dành phần đời còn lại để lập đảng. Tôi nghĩ đây chủ yếu là mâu thuẫn cá nhân với ông Trump và nỗ lực làm lu mờ di sản chính trị của tổng thống”.