NATO gấp rút 'vá' lỗ hổng phòng không
Liên minh quân sự NATO đang dồn nguồn lực lớn vào việc tăng cường hệ thống phòng không, một trong những mắt xích yếu nhất trong năng lực phòng thủ của phương Tây hiện nay.
Với chi tiêu quốc phòng tăng vọt sau xung đột Ukraine, NATO dự kiến đầu tư để nâng năng lực phòng không lên gấp năm lần. Tuy nhiên, tiền không phải là giải pháp thần kỳ, những thách thức về công nghiệp quốc phòng, năng lực sản xuất và phối hợp nội bộ đang khiến con đường này trở nên đầy chông gai.

Phương Tây cần nhiều hệ thống hơn như hệ thống tên lửa phòng không Patriot. (Nguồn: Getty Images)
Tổng Thư ký NATO Mark Rutte, đã cảnh báo rằng châu Âu hiện "không có đủ" hệ thống phòng không để bảo vệ trước các mối đe dọa hiện đại. Ông chỉ ra nhiều lỗ hổng nghiêm trọng trong chỉ huy, kiểm soát, cảm biến, vũ khí tầm xa và các nền tảng phòng không trên bộ.
Tại chiến trường Ukraine, Nga liên tục sử dụng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái (UAV) để tấn công các mục tiêu, đã trở thành lời cảnh báo rõ ràng: phương Tây không thể xem nhẹ năng lực phòng không.
Suốt nhiều thập kỷ sau Chiến tranh Lạnh, NATO tập trung vào các cuộc chiến chống lực lượng đối lập hoặc xung đột với đối thủ yếu, nơi không có mối đe dọa từ trên không. Vì vậy, nhiều hệ thống phòng không bị cắt giảm, sản xuất ngưng trệ, kho tên lửa thu hẹp và các dây chuyền công nghiệp quốc phòng bị bỏ quên. Hệ quả là khi đối mặt với chiến sự hiện đại, phương Tây rơi vào tình thế bị động và thiếu hụt nghiêm trọng.
Nhà nhiên cứu Justin Bronk tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), cho biết NATO đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng hệ thống phòng không trên bộ, cả về số lượng lẫn kho đạn. Theo ông, đổ thêm tiền chưa đủ. Vấn đề là năng lực sản xuất hiện nay không thể đáp ứng được tốc độ cần thiết. Việc phục hồi sản xuất đòi hỏi phải mở rộng toàn bộ chuỗi cung ứng, từ nhà máy, lao động kỹ thuật đến nguyên vật liệu, như một phản ứng trong thời chiến, chứ không thể chỉ là các hợp đồng ngân sách.
Trên thực tế, các nhà sản xuất quốc phòng đang nỗ lực tăng tốc. Lockheed Martin – nhà sản xuất tên lửa PAC-3 cho hệ thống Patriot, đã nâng sản lượng lên 500 quả mỗi năm và có kế hoạch tăng thêm.
Raytheon và Boeing cũng đang tăng tốc dây chuyền sản xuất đầu dò và tên lửa đánh chặn. Dù vậy, tình trạng tồn đọng kéo dài khiến việc giao hàng vẫn chậm trễ. Công ty Rheinmetall của Đức và Lockheed Martin đang có kế hoạch thành lập một trung tâm sản xuất tên lửa tại châu Âu, nhưng phải đến năm 2027 mới cho ra được sản phẩm đầu tiên.
Tình trạng thiếu hụt không chỉ xảy ra ở Mỹ. MBDA – tập đoàn quốc phòng châu Âu chuyên sản xuất tên lửa ASTER, cho biết lượng đơn hàng đã tăng gấp đôi kể từ năm 2022. Theo giám đốc điều hành của MBDA Eric Béranger, với công suất hiện tại, họ cần đến 7 năm mới xử lý xong lượng đơn hàng đã ký.
Công ty buộc phải tăng ca, tuyển thêm người và tìm cách mở rộng nhà máy, nhưng vẫn không thể theo kịp nhu cầu đang bùng nổ. Ông gọi đây là "khoảnh khắc sự thật" đối với ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu và kêu gọi một bước nhảy vọt trong công nghiệp hóa.

Tên lửa đánh chặn SM-3 Block 1B được phóng từ tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Lake Erie. (Nguồn: Hải quân Mỹ)
Thế nhưng, không chỉ số lượng, mà độ tinh vi của các hệ thống phòng không cũng là rào cản lớn. Một radar Patriot mất ít nhất 12 tháng để chế tạo. Một tên lửa đánh chặn như dòng SM có thể có giá tới 30 triệu USD. Trong khi đó, tên lửa tấn công rẻ hơn, dễ sản xuất hơn, lại ngày càng phổ biến, gây sức ép lớn lên hệ thống phòng thủ.
Chuyên gia Mick Ryan, cựu thiếu tướng lục quân Australia, nhận định: "Phòng không là một trong những công nghệ tinh vi nhất mà quân đội sở hữu, việc mở rộng sản xuất đòi hỏi thời gian, công nghệ và lực lượng lao động lành nghề".
Trong bối cảnh đó, NATO đang nỗ lực khắc phục những điểm yếu cố hữu. Một số quốc gia Bắc Âu đã bắt đầu tích hợp hệ thống phòng không thành một mạng lưới thống nhất, nhằm nâng cao hiệu quả và chia sẻ dữ liệu. Ủy ban châu Âu cũng đề xuất nhiều biện pháp mới nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy mua sắm chung và đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp quốc phòng.
Trở ngại lớn nhất có thể không nằm ở tài chính hay công nghệ, mà ở vấn đề phối hợp. Chuyên gia an ninh Jan Kallberg từ Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu cho rằng, văn hóa "mạnh ai nấy làm" trong NATO đang khiến việc mở rộng quy mô sản xuất trở nên kém hiệu quả. Nhiều quốc gia và công ty cùng phát triển các hệ thống tương tự, dẫn đến lãng phí nguồn lực và khó tích hợp. Ông nhấn mạnh: "Thách thức lớn nhất của NATO hiện không phải là tiền, mà là sự hợp tác".
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nato-gap-rut-va-lo-hong-phong-khong-169250707114752491.htm