Sự trở lại của Jack Ma và cuộc tái cấu trúc lịch sử của Alibaba có thể mở ra biến động lớn trong lĩnh vực công nghệ Trung Quốc?
Theo Nikkei Asia, cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp của Alibaba có thể báo trước một làn sóng tái cấu trúc tương tự trong ngành. Hai ngày sau thông báo của Alibaba, JD.com, một trong những đối thủ lớn nhất của Alibaba, cho biết họ sẽ tách các mảng công nghiệp và bất động sản của mình để chuẩn bị cho các đợt IPO tại Hồng Kông.
Jack Ma trở lại và sự tái cấu trúc của Alibaba
Khi tỷ phú Jack Ma bay tới Hàng Châu vào sáng 27/3, ít ai có thể dự đoán được chuỗi domino của các sự kiện sẽ sớm diễn ra.
Sự xuất hiện của ông đã chấm dứt những nghi vấn về việc “liệu Jack Ma có thể trở lại hay không?” Trước đó, người đồng sáng lập công ty thương mại điện tử Alibaba Group Holding trị giá 263 tỷ USD đã ngừng xuất hiện trước công chúng sau loạt động thái của chính phủ Trung Quốc vào năm 2020 liên quan đến vụ Alibaba tiến hành IPO mảng fintech (Ant Group) tại Mỹ. Kể từ tháng 5 năm ngoái, Jack Ma đã liên tục di chuyển từ những nước Tây Ban Nha, Hà Lan, Nhật Bản, Thái Lan, Úc, Fiji và Hồng Kông (Trung Quốc) thay vì trở về Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, nếu như việc Jack Ma xuất hiện tại Trung Quốc gần đây đã giải quyết xong 1 câu hỏi về sự trở lại hay không của nhà sáng lập Alibaba, thì tờ Nikkei nhận định, dường như có một câu hỏi khác lại mở ra. Mới đây, Alibaba, công ty mà ông đã lãnh đạo trong gần hai thập kỷ với tư cách là chủ tịch cho đến năm 2019, đã công bố động thái mà một số nhà phân tích gọi là "sự chia tách mềm" bằng cách tách thàng 6 đơn vị kinh doanh độc lập để theo đuổi các vụ IPO (chào bán công khai ban đầu) riêng biệt.
Sau khi tái cấu trúc, 6 đơn vị kinh doanh độc lập của Alibaba sẽ là Cloud Intelligence Group, Taobao Tmall Commerce Group, Local Services Group, Cainiao Smart Logistics, Global Digital Commerce Group và Digital Media and Entertainment Group. Mỗi đơn vị sẽ được điều hành bởi ban giám đốc riêng. Ngoài Taobao Tmall Commerce Group nằm trong danh mục niêm yết, các đơn vị khác sẽ có thể tìm kiếm nguồn tài chính bên ngoài và thúc đẩy IPO.
Việc tái cấu trúc không gây ngạc nhiên vì tập đoàn đã lập lại báo cáo tài chính quý IV/2021 thành 6 nhóm kinh doanh mới.
Tập đoàn Alibaba sẽ đóng vai trò là công ty cổ phần của sáu tập đoàn và là cổ đông kiểm soát. Hội đồng quản trị của Alibaba sẽ giữ quyền kiểm soát hội đồng quản trị của các công ty mới này, nhưng sau đó đã làm rõ rằng họ sẽ quyết định có giữ quyền kiểm soát các doanh nghiệp riêng lẻ sau khi chúng IPO hay không.
Alibaba cho biết việc tái cấu trúc nhằm "mở khóa giá trị", nhưng trong 2 tuần kể từ khi các biện pháp được công bố, không có sự làm rõ nào về việc liệu các động cơ khác có liên quan hay không. Nhiều người tin rằng động thái này được thúc đẩy bởi nguy cơ các cơ quan chức năng tiến hành thêm các hành động chống độc quyền tiếp theo. Trước đó, năm 2021, Alibaba từng chịu án phạt 2,6 tỷ USD vì vi phạm chống độc quyền. Đó là một phần của chiến dịch siết chặt quản lý các công ty công nghệ mà Bắc Kinh tiến hành, trong đó những công ty chịu ảnh hưởng bao gồm cả Tencent và NetEase.
Tờ Nikkei Asia dẫn lời một quản lý cấp cao tại Alibaba, người được thông báo về lịch trình của Jack Ma một ngày trước đó, cho biết họ biết một số thay đổi lớn sẽ đến khi nhà sáng lập trở lại nhưng không ngờ chúng lại đến sớm như vậy.
"Alibaba đã phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ, và giá cổ phiếu của nó đã giảm mạnh, vì vậy Jack Ma chắc chắn sẽ không ngồi yên", người quản lý cấp cao cho biết. "Đã có sự thiếu tự tin cả bên trong lẫn bên ngoài, và chúng tôi đang rất cần một nguồn lực thúc đẩy."
Duncan Clark, cựu nhân viên ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, tác giả của cuốn sách "Alibaba: Ngôi nhà mà Jack Ma xây dựng" đồng thời là bạn của Jack Ma từ năm 1999 nhận định rằng sự trở lại của Jack Ma dường như hàm ý rằng cuộc tái cấu trúc của Alibaba đang được thực hiện dưới sự đồng thuận của bản thân Jack Ma chứ không phải do áp lực từ phía cơ quan quản lý. Tuy nhiên, tỷ phú này đã cẩn thận kiềm chế không nói bất cứ điều gì công khai về Alibaba.
Tái cấu trúc là con đường sáng cho Alibaba ở thời điểm này?
Từng là gương mặt đại diện cho Trung Quốc mới, nhà sáng lập Alibaba Jack Ma thường đứng cùng sân khấu với các nhà lãnh đạo quốc gia nước ngoài và các siêu sao Hollywood. Là doanh nhân Trung Quốc dễ nhận biết nhất, ông được các công ty thương mại điện tử nhỏ của Trung Quốc coi là biểu tượng của sự giàu có.
Tuy nhiên, đế chế thương mại điện tử của ông đã rơi vào tầm ngắm của các cơ quan quản lý liên quan đến hàng loạt cáo buộc độc quyền. Đây cũng là một phần trong chiến dịch tăng cường kiểm soát của Trung Quốc với lĩnh vực công nghệ đang nở rộ của nước này. Kể từ sau khi đợt IPO của Ant Group phải tạm dừng vào tháng 11/2020; và sau đó là khoản tiền phạt chống độc quyền kỷ lục 18,2 tỷ nhân dân tệ (2,6 tỷ USD) vào năm 2021 dành cho Alibaba, Jack Ma gần như biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng.
Khó khăn chồng chất khó khăn. Cùng thời điểm đó, Alibaba đã phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ. Thị phần của tập đoàn trên thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc đã giảm xuống còn khoảng 50% vào năm 2021 từ hơn 75% vào năm 2015. Tập đoàn không chỉ phải đối mặt với các mối đe dọa từ các nhà bán lẻ trực tuyến JD.com và Pinduoduo mà còn từ các nền tảng video ngắn Douyin và Kuaishou Technology, những công ty đã thu hút các nhà quảng cáo và người dùng bằng cách phát trực tiếp các sự kiện bán hàng và cung cấp giá thấp hơn. Douyin, cùng với các mảng kinh doanh quảng cáo khác của công ty mẹ ByteDance, vào năm 2020 đã vượt qua Alibaba để trở thành nền tảng quảng cáo lớn nhất Trung Quốc.
Taobao và Tmall, các thị trường cốt lõi và đóng góp doanh thu chính của Alibaba, trong quý IV/2022 đã phải chịu sự sụt giảm bất thường về tổng giá trị hàng hóa (GMV), một thước đo được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực thương mại điện tử như một chỉ báo về doanh thu. Tiêu dùng suy giảm và cạnh tranh khốc liệt là nguyên nhân. Goldman Sachs dự đoán tăng trưởng GMV của Taobao và Tmall sẽ không thay đổi từ năm 2021 đến năm 2025 và thị phần của nó sẽ giảm xuống 35% vào năm 2025 từ mức khoảng 50% vào năm 2021. Goldman dự kiến các nền tảng của Alibaba vẫn có thị phần lớn nhất vào năm 2025, tiếp theo là JD.com và Pinduoduo. Thị phần thương mại điện tử của Douyin ước tính sẽ tăng lên 14% vào năm 2025 từ khoảng 8% vào năm 2021.
Trong bối cảnh chịu sức ép lớn, quyết định tái cấu trúc được Alibaba đưa ra.
Jesse Fried, giáo sư luật tại Trường Luật Harvard, cho biết: “Lý do chính khiến các tập đoàn tái cấu trúc là các đơn vị của họ có thể được quản lý hiệu quả hơn và có giá trị cao hơn nếu chúng được tách ra”.
Ý tưởng IPO riêng cho một số đơn vị kinh doanh không hoàn toàn mới đối với Alibaba. Đơn vị hậu cần Cainiao, nền tảng thương mại điện tử Đông Nam Á Lazada của Alibaba và nền tảng giao hàng Ele.me đều đang xem xét IPO và trước đó đã phát hành quyền chọn cổ phiếu cho nhân viên, một giám đốc điều hành của Alibaba chia sẻ với hãng tin Nikkei.
Brian Tycangco, một nhà phân tích thị trường chứng khoán châu Á tại công ty nghiên cứu đầu tư Stansberry Research của Mỹ, cho biết ngoài việc mở khóa giá trị của các đơn vị kinh doanh khác nhau, thì việc tái cấu trúc có hiệu quả làm giảm rủi ro liên quan đến những thay đổi quy định tiềm năng đối với từng lĩnh vực công nghệ cụ thể. Ví dụ, nếu Bắc Kinh đưa ra các quy định mới nhắm vào các dịch vụ giao đồ ăn dựa trên nền tảng, đó sẽ không phải là lực cản đối với định giá của toàn bộ công ty và tâm lý nhà đầu tư.
Theo ông, "Cơ sở cổ đông càng đa dạng thì càng tốt cho các công ty được đề cập, đặc biệt là trong mắt các nhà quản lý".
Phần lớn phụ thuộc vào Tập đoàn SoftBank, một nhà đầu tư ban đầu của Alibaba và vẫn là một cổ đông quan trọng dù đã giảm cổ phần trong nhiều năm. SoftBank vẫn giữ im lặng về việc tổ chức lại Alibaba, tuy nhiên các nhà phân tích nhận thấy khả năng phân tách là một yếu tố tích cực nếu nhìn từ góc độ nhà đầu tư.
Shinji Moriyuki, nhà phân tích cao cấp tại SBI Securities, cho biết: “Nếu Alibaba được chia thành nhiều công ty, thì nguy cơ chính phủ Trung Quốc đột ngột hạn chế hoạt động kinh doanh của Alibaba cũng có thể bị giảm đi".
Moriyuki nói thêm: "SoftBank đã bán cổ phần Alibaba của mình một thời gian, nhưng xu hướng này có thể chậm lại khi rủi ro trở nên dễ quản lý hơn".
SoftBank đã nắm giữ 13,7% cổ phần của Alibaba tính đến tháng 12, theo hồ sơ của công ty. Tập đoàn Nhật Bản đã công bố vào tháng 8 năm ngoái rằng họ sẽ từ bỏ một số cổ phiếu Alibaba của mình dưới dạng thanh toán cho các hợp đồng mua bán kỳ hạn.
"So với SoftBank Corp., vốn là nguồn cung cấp dòng tiền ổn định từ hoạt động kinh doanh viễn thông của họ, và nhà thiết kế chip Arm, Alibaba có thể trở nên ít quan trọng hơn về mặt chiến lược cho công ty", Moriyuki nói thêm.
SoftBank đã "khá lo lắng" về tương lai của Alibaba trong những năm gần đây trong bối cảnh không chắc chắn về quy định của Trung Quốc, những người quen thuộc với vấn đề này nói với Nikkei.
"Việc tái cấu trúc là một bước quan trọng trong quá trình bình thường hóa hoạt động vốn của Alibaba. SoftBank sẽ hỗ trợ việc tổ chức lại miễn là nó mang lại lợi ích cho toàn bộ Tập đoàn Alibaba và tăng giá cổ phiếu".
Tín hiệu báo trước cho làn sóng tái cấu trúc trong ngành công nghệ?
Động thái của Alibaba đã được các nhà đầu tư chào đón nồng nhiệt. Cổ phiếu của doanh nghiệp đã tăng khoảng 20% sau thông báo.
Theo Nikkei Asia, cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp của Alibaba có thể báo trước một làn sóng tái cấu trúc tương tự trong ngành. Hai ngày sau thông báo của Alibaba, JD.com, một trong những đối thủ lớn nhất của Alibaba, cho biết họ sẽ tách các mảng công nghiệp và bất động sản của mình để chuẩn bị cho các đợt IPO tại Hồng Kông. JD.com cho biết động thái của doanh nghiệp không liên quan đến thông báo trước đó của Alibaba.
Các chuyên gia cũng cho rằng việc tái cấu trúc của Alibaba có thể là tiền lệ cho các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đang tìm cách xoa dịu Bắc Kinh, vốn ngày càng tăng cường kiểm soát với ảnh hưởng và sự mở rộng của các công ty công nghệ lớn. Đặc biệt nếu động thái của Alibaba thành công và các nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận cao hơn, thì áp lực sẽ buộc các công ty khác phải làm điều tương tự.
Hiện tại, hơn 2/3 doanh thu của Alibaba đến từ thương mại điện tử có trụ sở tại Trung Quốc; mỗi đơn vị trong số năm đơn vị kinh doanh khác tạo ra khoảng 3% đến 8% tổng doanh thu của tập đoàn. Cainiao và Alibaba Cloud đã có lãi, theo báo cáo tài chính của họ, điều này có thể tốt cho việc định giá.
Alibaba cho biết sau khi tái cơ cấu, lợi ích chi phí và chất lượng dịch vụ của Alibaba cung cấp cho các doanh nghiệp khác của Alibaba sẽ được đánh giá bởi thị trường.
Trước đây, các hoạt động kinh doanh kém hiệu quả của Alibaba có thể dựa vào nguồn vốn từ các mảng sinh lợi khác của công ty để bù lỗ. Chelsey Tam, nhà phân tích vốn cổ phần cao cấp tại Morningstar, công ty nghiên cứu có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết nếu các công ty riêng lẻ này vẫn thua lỗ và không thể huy động vốn để duy trì hoạt động, chúng có thể phải bán cho các đối thủ cạnh tranh trong tương lai.