Sự trở lại của xẩm
Đã từ lâu, xẩm được một số nghệ sĩ, nghệ nhân âm thầm nhen nhóm, lưu truyền và gìn giữ, giống như một dòng chảy nhỏ lặng lẽ và âm thầm trong đời sống xã hội bộn bề xô bồ hằng ngày. Người biết đến xẩm không nhiều, người chịu nghe và dõi theo xẩm lại càng ít. Nhưng những nỗ lực của các nghệ sĩ, nghệ nhân đã được đền đáp phần nào, khi nghệ thuật xẩm đã trở lại mạnh mẽ trong năm nay, với một liên hoan xẩm lần đầu tiên được tổ chức, và một số đĩa, MV xẩm ra mắt.
Những đốm lửa nhỏ
Trước hết phải kể đến nhóm xẩm Hà Thành, do nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa và nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long sáng lập năm 2009. Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa từng là học trò của nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu. Ngay sau khi ra đời, nhóm đã được sự tư vấn, hỗ trợ rất tích cực của các nghệ sĩ gạo cội như NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Ngoan… Các nghệ sĩ đã cùng nhau tìm tòi, khôi phục những bài xẩm, làn điệu xẩm cổ truyền, thậm chí cả những làn điệu tưởng chừng đã thất truyền lâu nay. Nhóm đã phục hồi và trình diễn trở lại những bài xẩm đã thất truyền nhiều năm như Xẩm Anh Khóa, Xẩm Cái trống cơm, Xẩm phồn huê, Quyết chí tu thân, Mục hạ vô nhân…
Đặc biệt, nhóm còn “làm mới” điệu xẩm đặc trưng của Hà Nội xưa là Xẩm Tàu điện, với những bài xẩm mà giờ đây đã trở nên quen thuộc với công chúng Hà Nội như Lỡ bước sang ngang, Một quan là sáu trăm đồng, Cô hàng nước, Giăng sáng vườn chè, Nhất vui có chợ Đồng Xuân…
Không chỉ khôi phục, hát lại những bài xẩm cổ, nhóm xẩm Hà Thành còn luôn tìm cách đưa xẩm đến với công chúng. Rất nhiều buổi biểu diễn bền bỉ, đều đặn trong nhiều năm qua vào các tối cuối tuần ở phố cổ Hà Nội, không gian phố đi bộ Hồ Gươm, khu di tích tượng đài vua Lê… đã khiến công chúng biết đến xẩm nhiều hơn, thậm chí thu hút được nhiều người yêu mến xẩm.
Đặc biệt, năm 2014, nhóm cho ra mắt MV Tiễu trừ cướp biển, trở thành hiện tượng của âm nhạc truyền thống thời gian đó. Không chỉ đề cập đến vấn đề thời sự nóng, Tiễu trừ cướp biển còn khơi dậy lòng yêu nước của mỗi người, đặc biệt là trong giới trẻ, và cũng trở thành MV được giới trẻ ưa thích vào thời gian đó.
Mới đây nhất, cá nhân nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long đã ra mắt album xẩm “Trách ông Nguyệt lão” và MV cùng tên, do anh soạn lời và trình diễn cùng các nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, NSND Thúy Ngần, nghệ sĩ Khương Cường…
Cùng với đó, không thể không nhắc đến những nỗ lực âm thầm không mệt mỏi của những nghệ sĩ gạo cội hết lòng yêu xẩm như NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Ngoan… từng ngày đưa xẩm trở lại.
Hy vọng lớn từ Liên hoan xẩm
Năm nay, lần đầu tiên xẩm có một liên hoan quy mô toàn miền bắc. Liên hoan các câu lạc bộ hát xẩm khu vực miền bắc được tổ chức ở Ninh Bình từ ngày 3 đến 5-12, thu hút sự tham gia của hơn 200 thí sinh của 16 câu lạc bộ. Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, thành viên Ban tổ chức Liên hoan cho biết, có những thí sinh tuổi còn rất nhỏ, ở độ tuổi 3,5 đã tham dự Liên hoan, và được Ban tổ chức trân trọng trao giải Thí sinh nhỏ tuổi nhất. Thí sinh lớn tuổi nhất là nghệ nhân Minh Sen, 86 tuổi ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Tỷ lệ thí sinh trẻ chiếm tới hơn 50%, trong đó nổi bật là các câu lạc bộ xẩm Quan Nhân (Thanh Xuân, Hà Nội) và câu lạc bộ Yên Mô (Ninh Bình).
Nói về sự trở lại của xẩm, nhạc sĩ, nhà văn Phạm Việt Long, một người yêu thích xẩm cho rằng, trước đây, môi trường biểu diễn của xẩm khá hẹp, chỉ quanh quẩn ngoài phố, trong chợ, cho nên xẩm ít có cơ hội. “Bây giờ các bạn trẻ, những nhóm xẩm như anh Quang Long, chị Mai Tuyết Hoa đem xẩm đi diễn ở khắp nơi, góp phần phát huy giá trị của xẩm. Các nghệ sĩ trẻ còn đưa lời mới vào xẩm, vừa giữ truyền thống phóng tác, sáng tác lời mới tại chỗ cho xẩm của các cụ xưa, vừa đưa được những yếu tố có tính thời sự của cuộc sống hiện đại vào xẩm, đó cũng là một cách giữ gìn và phát huy xẩm hiệu quả”.
Không chỉ vậy, xẩm còn được các nghệ sĩ đem đi diễn ở nhiều nước như Pháp, Áo, Đức. Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long cho biết nhóm của anh từng sang Pháp biểu diễn cho cộng đồng người Việt, cho khán giả người Pháp, nói chuyện về xẩm tại nhà GS Thái Kim Lan ở Đức với một số học giả. “Người nước ngoài đón nhận xẩm một cách rất trân trọng. Chúng tôi diễn cho người nước ngoài phải sử dụng âm thanh mộc nhất, trong không gian yên lặng tuyệt đối” - Nguyễn Quang Long cho biết.
Mong mỏi của các nghệ sĩ là xẩm sớm được xây dựng hồ sơ ghi danh di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Để chuẩn bị cho điều đó, trong năm 2020, nhóm xẩm Hà Thành phối hợp cùng UBND tỉnh Ninh Bình và ĐH Temple (Mỹ) tổ chức một buổi hội thảo về xẩm ở Ninh Bình.
Nguyễn Quang Long cho biết: “Bây giờ có nhiều bạn trẻ cũng đã bắt đầu yêu xẩm, thậm chí họ còn yêu một cách cực đoan, cho rằng chỉ có xẩm của cụ Hà Thị Cầu mới là chuẩn. Chính vì có những tình yêu xẩm như thế, mà tôi càng thấy trách nhiệm của mình là phải giữ xẩm, vì xẩm là loại hình âm nhạc truyền thống càng nghe càng thấy hay, vừa đời vừa dí dỏm”.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/di-san/item/43058202-su-tro-lai-cua-xam.html