Sự trói buộc giữa nam và nữ

Luyến ái giữa nam và nữ là bản chất của con người và trở thành một trong những vẫn đề trọng đại của cả đời người.

Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với tám hình tướng. Thế nào là tám?

Nữ nhân trói buộc nam nhân với nhan sắc; nữ nhân trối buộc nam nhân với tiếng cười; nữ nhân trói buộc nam nhân với lời nói; nữ nhân trói buộc nam nhân với lời ca; nữ nhân trói buộc nam nhân với nước mắt; nữ nhân trói buộc nam nhân với áo quần; nữ nhân trói buộc nam nhân với vật tặng; nữ nhân trói buộc nam nhân với xúc chạm.

Này các Tỷ kheo, nam nhân cũng trói buộc nữ nhân với tám hình tướng tương tự như thế. Với tám hình tướng này, này các Tý kheo, nam nữ trói buộc lần nhau. Các loài hữu tình bị trói buộc bởi các hình tướng ấy, giống như bị trói buộc bởi bẫy sập. (ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 8, phẩm Lớn, phần Sự trói buộc của nữ nhân, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.555)

Nguồn: st

Nguồn: st

LỜI BÀN:

Do nghiệp lực, nên mỗi loài chúng sinh đều được phân chia thành hai phái tính, có hấp lực thu hút lẫn nhau để tự sinh tồn. Loài người cũng vậy, luyến ái giữa nam và nữ là bản chất của con người và trở thành một trong những vẫn đề trọng đại của cả đời người.

Kinh nghiệm dân gian cho rằng "gái yêu bằng tai, trai yêu bằng mắt" hay "gái ham tài, trai ham sắc" nhưng thực tế thì sự luyến ái nam nữ xảy ra không chỉ giới hạn ở đó mà trải rộng trên tám phương diện. Từ nhan sắc cho đến lời nói; từ lời ca, tiếng hát cho đến trang phục; từ quà tặng cho đến xúc chạm thân thể; thậm chí cả tiếng cười và nước mắt, tất cả đều là những tác nhân tạo ra hấp lực hình thành nên sự yêu thương, luyến ái lẫn nhau.

Tất nhiên, căn nguyên sâu xa của sự thương yêu, trói buộc lẫn nhau giữa nam nữ là lòng ái dục. Sự tự nguyện trói buộc, luyến ái lẫn nhau sẽ đạt đến đỉnh cao nếu được hỗ trợ đầy đủ các điều kiện như trên. Nắm vững nguyên tắc này, con người hiện đại biết khai thác và tận dụng triệt để những lợi thế mà mình có, để biến mình luôn luôn là "cạm bẫy" cho bất cứ đối tượng khác phái nào.

Đối với người xuất gia, phát nguyện sống đời phạm hạnh, ly dục thì nhờ nắm vững nhân duyên của sự trói buộc, luyến ái nam nữ nên dễ dàng tránh duyên. Nhờ đó, người khéo tu biết tiềm ẩn những lợi thế của mình và giữ được tự chủ, không bị lung lạc trước lợi thế của người nên viên thành phạm hạnh.

Riêng hàng Phật tử tại gia, vì đã tự nguyện trói buộc lẫn nhau nên cần phát huy hơn nữa mọi lợi thế của mình để gắn bó, thương yêu nhau trong suốt cuộc đời. Tự chăm sóc mình và chăm sóc người bạn đời để mãi mãi "trói buộc" nhau, xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc là điều cần làm theo lời Phật dạy.

Tài liệu trích dẫn: Lời Phật dạy trong kinh tạng Nikaya, Tác giả: Quảng Tánh biên soạn, NXB Tổng Hợp TP.Hồ Chí Minh, 2011

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/su-troi-buoc-giua-nam-va-nu.html