Sự trỗi dậy của 'mọt sách' Hàn Quốc
Từng được xem là gắn liền với hình ảnh nhàm chán, lập dị, 'mọt sách' hiện lại trở thành cảm hứng thời trang cho nhiều tín đồ làm đẹp ở Hàn Quốc.
Tại Hàn Quốc, hình ảnh một học sinh mọt sách với cặp kính cận gọng chữ nhật, luôn đạt điểm A ở trường chưa bao giờ được xem là sành điệu.
Tuy nhiên thời gian gần đây, phong cách thời trang lấy cảm hứng từ hình ảnh các mọt sách đang nhận được sự quan tâm ở xứ kim chi, được gọi là "geek chic", theo Korea Herald.
Từng bị coi là những kẻ kỳ quặc trong xã hội, phong cách riêng của nhóm này giờ đây được tôn vinh như những biểu hiện của chiều sâu trí tuệ và sự quyến rũ kỳ lạ, được coi là "ngầu", đặc biệt là trong phụ nữ trẻ Hàn Quốc.
“Mức độ mọt sách vừa phải, ví dụ như thái độ hiền lành, hiểu biết về công nghệ và trong một số lĩnh vực cụ thể, hiện được coi là khá hấp dẫn. Việc họ thích những nơi yên tĩnh, không quá xô bồ dường như cũng cho thấy họ ưu tiên các mối quan hệ thân mật hơn là chuyện xã giao", Choi Hye-min (24 tuổi), sinh viên mới tốt nghiệp một trường đại học nữ ở Seoul, cho biết.
Ngoài được miêu tả tích cực, hơi khuếch đại qua các bộ phim truyền hình như nhân vật của Nam Joo-hyuk trong "Start-Up" hay Lee Do-hyun trong "Sweet Home", Choi cho biết một số ca sĩ, nhóm nhạc hình tượng này cũng góp phần lan tỏa hình ảnh đáng kể.
"Các nhóm nhạc indie Hàn Quốc như Nerd Connection và 10cm thể hiện vẻ 'mọt sách' kha khá qua khía cạnh thời trang tao nhã và phong cách âm nhạc nhất quán", Choi nói.
Ví dụ, thành viên Kwon Jung-yeol của nhóm 10cm thu hút lượng người hâm mộ đông đảo không chỉ nhờ âm nhạc mà còn bởi phong cách và tính cách có phần mọt sách - anh là cựu sinh viên Đại học Yonsei danh giá, hay đeo cặp kính gọng trong và mặc áo sơ mi kẻ caro.
Tuy nhiên, đối với một số cá nhân, có một khoảng cách giữa "geek chic" và "mọt sách chính hiệu". Kim Jun-min, sinh viên đại học 24 tuổi ở Seoul, nhấn mạnh sự khác biệt này.
Cô nhận xét: “Những anh chàng mọt sách được miêu tả là hấp dẫn thường chỉ thể hiện những khía cạnh hấp dẫn nhất của việc trở thành mọt sách. Do đó, thật khó để nói rằng xu hướng văn hóa này hoàn toàn bao trùm và tôn trọng văn hóa mọt sách nói chung".
Dưới góc độ này, sự mô tả hời hợt, có chọn lọc về tính mọt sách có thể dẫn đến việc chỉ chiếm đoạt những khía cạnh được nhìn nhận một cách tích cực về bản sắc mọt sách.
Mới đây, kênh hài kịch Hàn Quốc - Đại học Psick - đăng tải tiết mục về "định nghĩa chân thực" những kẻ mọt sách ở Hàn Quốc. Cuộc thảo luận về chủ đề này diễn ra sôi nổi sau phát biểu của nam diễn viên Yoo Teo trên một chương trình truyền hình. Theo đó, dù được xem là điển trai song anh tự nhận mình là một mọt sách.
Trong clip của kênh hài kịch, nhân vật chính tự nhận mình là "mọt sách chính hiệu" lập luận rằng những đặc điểm của người mọt sách thực sự bao gồm cả "cảm giác tự ti", "tự đánh giá thấp bản thân" và "kém trong việc nhận ra các tín hiệu, ám chỉ xã hội". Họ đồng thời có nhiều kiến thức sâu rộng về khoa học kỹ thuật.
Hình thức làm đẹp mới
Bất chấp những lời chỉ trích này, ngày càng có nhiều người Hàn Quốc cố gắng thể hiện bản thân như một mọt sách.
Một lãnh đạo tại nền tảng thời trang trực tuyến lớn nhất Hàn Quốc Musinsa cho biết "geek chic" đang là trend, giải thích: "Điểm nổi bật của phong cách geek chic là kính, không gọng hoặc gọng sừng, vì món đồ này thường được xem như hiện thân của sự trí tuệ hoặc lập dị".
Người này cũng tiết lộ, từ ngày 7/4 đến 7/5, số lượt tìm kiếm "kính không gọng" đã tăng 378% so với cùng kỳ năm ngoái, các giao dịch trong danh mục kính mắt cũng tăng 40%.
Một nền tảng thời trang online khác, Ably, cũng ghi nhận xu hướng tương tự: số lượt tìm kiếm "geek chic" theo phiên âm tiếng Hàn tăng 80% so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu tháng 4, đặc biệt là số lượt tìm kiếm về "kính mắt geek chic" - tăng 490% kể từ tháng 2.
Những người trong ngành cho rằng sự phổ biến ngày càng tăng của phong cách mọt sách là do việc mọi người không ngừng theo đuổi sự mới lạ và gia tăng sự quan tâm trong việc thể hiện cá tính bản thân trong khuôn khổ thẩm mỹ thích hợp. Họ cho rằng cảm giác lập dị của phong cách mọt sách mang đến một tuyên bố về thời trang đặc biệt, phản ánh nỗ lực thoát khỏi những tiêu chuẩn sắc đẹp hạn hẹp, thông thường ở Hàn Quốc.
Những người nổi tiếng trẻ tuổi như thành viên Karina của nhóm Aespa, G-Dragon của Big Bang và Seulgi của Red Velvet cùng nhiều ngôi sao khác đang đi đầu trong việc tiếp cận phong cách mọt sách, chẳng hạn như kính không gọng, áo blazer và sơ mi caro.
Trước khi xu hướng này trỗi dậy trở lại, nguyên mẫu của nó đã được nhà thiết kế thời trang Miuccia Prada giới thiệu vào năm 1996, trình làng buổi trình diễn "Banal Eccentricity" cho hãng thời trang xa xỉ Prada - một nỗ lực nhằm xóa mờ ranh giới giữa trang phục mọt sách và thời trang cao cấp.
Dù bị một số nhà phê bình thời trang chê, buổi trình diễn đã thách thức những ý tưởng thông thường về vẻ đẹp và sự xấu xí bằng cách tích hợp các yếu tố lỗi thời, rẻ tiền và tầm thường.
Ngày nay, trong khi các thương hiệu như Gucci đang làm lại những thiết kế có phần mọt sách với hơi hướm hiện đại, thương hiệu con của Prada, Miu Miu, lại là ví dụ điển hình của phong cách mọt sách tân thời.
Bộ sưu tập thu đông năm 2023 của hãng, được tạp chí Vogue mệnh danh là "mọt sách đẹp nhất", giới thiệu những thiết kế với áo len thể thao, váy bút chì và áo khoác túi hộp, đi kèm với kính.
Theo trang web chính thức của thương hiệu, bộ sưu tập xuân hè 2024 của thương hiệu bao gồm sự đa dạng, đề cao "các vẻ đẹp" thay vì chỉ "vẻ đẹp" và tôn vinh "những nhân vật độc đáo".
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/su-troi-day-cua-mot-sach-han-quoc-post1476416.html