Sự tử tế của cộng đồng mạng

Mạng xã hội không chỉ có đấu tố, khoe khoang mà còn lan tỏa sự tử tế. Cộng đồng mạng sẵn sàng san sẻ, hỗ trợ những mảnh đời khó khăn.

Ông Bùi Trung Nhơn (56 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) bán chè ở ngã tư Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Đình Chiểu (quận 3). Mỗi ngày, ông Nhơn chỉ chuẩn bị có chín ly chè nhưng có hôm vẫn không bán hết. Chè ế, ông đem về nhà ăn trừ cơm.

Một cô gái trẻ tình cờ nghe ông tâm sự trong một lần mua chè đã về chia sẻ câu chuyện trên trang Facebook cá nhân. Câu chuyện cảm động nhanh chóng được cộng đồng mạng lan tỏa.

Ông Nhơn được cộng đồng mạng rủ nhau đến "giải cứu" chè. Ảnh: MM

Ông Nhơn được cộng đồng mạng rủ nhau đến "giải cứu" chè. Ảnh: MM

Ngay sau đó, ông Nhơn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình ngoài đời thực. Nhiều người rủ nhau đến mua ủng hộ. Chè của ông hết veo chỉ trong vòng 30 phút. Ông phải nấu nhiều hơn, không còn chỉ chín ly chè như trước.

Không chỉ được “giải cứu” chè, ông Nhơn còn nhận được sự hỗ trợ tiền mặt từ các mạnh thường quân thông qua chị Nguyễn Đỗ Trúc Phương (ngụ quận 1). Ông Nhơn hạnh phúc đến độ ngỡ ngàng. Ông không nghĩ mạng xã hội vốn rối rắm với một người già như ông lại trở thành cầu nối giúp ông vượt khó.

Chị Trúc Phương thay mặt mạnh thường quân gửi tiền ủng hộ ông Nhơn. Ảnh: TP

Chị Trúc Phương thay mặt mạnh thường quân gửi tiền ủng hộ ông Nhơn. Ảnh: TP

Cũng như ông Nhơn, ông Tô An (61 tuổi, tạm trú quận Tân Bình) bất ngờ được cộng đồng mạng quan tâm. Trước đó, câu chuyện cuốc xe lúc 3 giờ sáng của ông được mạng xã hội chia sẻ rất nhiều do thương cảm cho cảnh tuổi già còn phải bươn chải trong đêm của ông An.

Theo ông An, câu chuyện về cuốc xe 3 giờ sáng của ông thật ra đã diễn ra từ năm ngoái nhưng không hiểu sao nay có nhiều người chia sẻ lại. Từ lúc bất ngờ nổi tiếng, ông được những người xa lạ biết ông qua câu chuyện trên mạng xã hội hỏi thăm, ngỏ ý giúp đỡ. Ông vui đến mức có những đêm khó ngủ.

Mới đây, ông cũng được chị Nguyễn Đỗ Trúc Phương thay mặt cộng đồng mạng trên khắp cả nước mua cho xe máy mới, điện thoại mới...

Thay mặt các mạnh thường quân, chị Trúc Phương mua điện thoại mới, xe máy mới cho ông Tô An. Ảnh: TP

Thay mặt các mạnh thường quân, chị Trúc Phương mua điện thoại mới, xe máy mới cho ông Tô An. Ảnh: TP

Hồi cuối tháng 11-2021, bà cụ Nguyễn Thị Ngọc Loan (75 tuổi, ngụ phường 9, quận 8) cũng được cộng đồng mạng quan tâm sau khi clip cụ bà làm đổ gánh chè được chia sẻ rầm rộ.

Câu chuyện bà Loan làm đổ chè cũng diễn ra từ sáu tháng trước nhưng khi được lan tỏa trở lại, mọi người vẫn đến ủng hộ. Nhờ sự nhiệt tình của nhiều người, mỗi ngày, bà Loan chỉ mất khoảng 30 phút để bán hết gánh chè.

Nhiều người còn muốn giúp đỡ tiền nhưng gia đình bà Loan từ chối, bởi hoàn cảnh bà cũng không quá khó khăn, bà muốn làm cho đỡ nhớ cảnh buôn bán xôn xao của những buổi chợ đã gắn bó với đời bà suốt 45 năm qua...

Những câu chuyện như trên không còn xa lạ với cộng đồng mạng. Bất kể không gian, mạng xã hội hay đời thực, việc chia sẻ xuất phát từ trái tim, lòng nhân ái thì đều hết sức ý nghĩa.

Thời gian qua, nhiều người ngán ngẩm khi mạng xã hội đầy rẫy những đấu tố, thách thức hoặc những phát ngôn thiếu chuẩn mực. Nhiều người dùng mạng xã hội để nổi tiếng theo cách riêng của mình.

Đáp lại ân tình của cộng đồng mạng, ông Nhơn luôn cố gắng làm ra loại che ngon, bổ dưỡng. Ảnh: NGỌC LÀI

Đáp lại ân tình của cộng đồng mạng, ông Nhơn luôn cố gắng làm ra loại che ngon, bổ dưỡng. Ảnh: NGỌC LÀI

Thế nhưng, mặt còn lại của mạng xã hội cũng hết sức nhân văn. Những nhân vật có hoàn cảnh khó khăn bất ngờ nổi tiếng theo một cách rất dễ thương. Cộng đồng mạng không chỉ có anh hùng bàn phím, mà còn nhiều người dùng mạng xã hội biết lan tỏa yêu thương, hỗ trợ người khó khăn.

Lan tỏa sự tích cực hay tiêu cực trên mạng xã hội đều do người dùng quyết định. Sự tử tế luôn hiện diện khắp nơi, dù mạng xã hội có ảo thì sự tử tế cũng tự thân hóa thật.

NGỌC LÀI

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/su-tu-te-cua-cong-dong-mang-1033123.html