Sự vô tư của nghệ thuật

Khi thực sự đam mê, thực sự dấn thân, đến với nghệ thuật một cách vô tư, nghệ thuật sẽ trả lại cho mình giá trị xứng đáng.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Bộ phim độc lập “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm là một hiện tượng của điện ảnh tài liệu nước ta, khi liên tiếp có mặt tại các liên hoan lớn nhỏ trên thế giới và đoạt nhiều giải thưởng giá trị.

Trong đó thành tích nổi bật nhất là giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” hạng mục “Tranh giải quốc tế” tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam 2021, có mặt trong shortlish 15 phim tài liệu xuất sắc tại giải Oscar lần thứ 95 năm 2022.

Những ngày đầu năm nay, phim tiếp tục được trình chiếu ở Thái Lan, ở Bắc Mỹ và dự kiến ra mắt khán giả cả nước vào tháng 3 tới.

“Những đứa trẻ trong sương” ghi lại hành trình trưởng thành của một cô bé người H’Mông sống tại Sa pa, từ những ngày tháng tuổi thơ hồn nhiên bên gia đình và bạn bè, đến thời điểm phải đối diện với các tập tục truyền thống của dân tộc mình, trong đó có tục “kéo vợ”.

Từ đó cho thấy sự va chạm, xung đột giữa những giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại, những thách thức mà các bé gái người dân tộc thiểu số phải vượt qua để trưởng thành.

“Những đứa trẻ trong sương” được thực hiện với sự giúp đỡ, hướng dẫn của hai vợ chồng đạo diễn Swann Dubus và Trần Phương Thảo - hai tên tuổi gắn với dòng phim tài liệu độc lập ở nước ta.

Điều đáng nói là đạo diễn của phim - cô gái trẻ người dân tộc Tày Hà Lệ Diễm đã thực hiện dự án này với một tâm thế vô cùng vô tư, nhẹ nhõm. Trong một buổi chia sẻ, Hà Lệ Diễm cho biết chiếc máy quay cô dùng khá cũ và nặng, tự quay một mình, tự thu thanh, trong khi thời tiết Sa Pa luôn lạnh và độ ẩm hơn 90%.

Nhiều hôm sương mù rơi ướt sũng phần chắn gió của micro, cô phải một tay cầm máy quay một tay cầm ô che cho người và máy. Hà Lệ Diễm đã vượt qua rất nhiều khó khăn trong quá trình tác nghiệp, toàn tâm toàn ý vì nhân vật vì tác phẩm. Và chắc chắn, trong hơn ba năm “ăn dầm nằm dề” ở Sa Pa, cô gái nhỏ nhắn ấy không bao giờ nghĩ rằng phim của mình sẽ nổi tiếng, sẽ đoạt được nhiều giải thưởng.

Nói vậy để thấy rằng, khi thực sự đam mê, thực sự dấn thân, đến với nghệ thuật một cách vô tư, nghệ thuật sẽ trả lại cho mình giá trị xứng đáng.

Trong thế giới vật chất bủa vây, chúng ta hay đổ lỗi cho sự thiếu hụt về tài chính, khó khăn trong tác nghiệp, những hạn chế của chính sách đãi ngộ.

Chúng ta nói nhiều đến sự cần thiết của các quỹ bảo trợ, phát triển tài năng. Chúng ta chờ phương tiện thiết bị bảo hộ, không chịu bước xuống bùn ngày mưa rét, trong khi thời điểm thuận lợi để gieo hạt sẽ nhanh chóng qua đi.

Luôn cần lắm một tình yêu không vụ lợi - cho Nghệ thuật và Cuộc sống.

Anh Thư

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/su-vo-tu-cua-nghe-thuat-post624486.html