Sửa bộ Chỉ số để đánh giá khách quan, công bằng kết quả cải cách hành chính

Ngày 20/7, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Đề án 'Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương' giai đoạn 2022 – 2030.

Người dân làm các thủ tục đất đai tại Văn phòng Đăng kí đất đai huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh tư liệu: Nguyễn Thảo/TTXVN

Người dân làm các thủ tục đất đai tại Văn phòng Đăng kí đất đai huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh tư liệu: Nguyễn Thảo/TTXVN

Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, Chỉ số cải cách hành chính đã được Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và tổ chức quốc tế xây dựng, triển khai áp dụng từ năm 2012 để đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính nhà nước hàng năm của các bộ, các tỉnh. Đây được coi là công cụ quản lý quan trọng, giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá một cách định lượng, chính xác và khách quan về tình hình triển khai và kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh thông qua hệ thống các tiêu chí, tiêu chí thành phần được thiết kế theo từng lĩnh vực cải cách hành chính; khắc phục được tính chủ quan, định tính, một chiều trong việc theo dõi, đánh giá cải cách hành chính; tăng cường sự tham gia đánh giá của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với quá trình triển khai cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh.

Thời gian qua, nhiều văn bản, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ liên quan đến cải cách hành chính cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu cải cách. Một số tiêu chí, tiêu chí thành phần trong bộ Chỉ số chưa quy định rõ ràng, dẫn đến khó lượng hóa để đánh giá, cho điểm; vẫn còn một số bất cập các phiếu hỏi và công tác tổ chức triển khai hoạt động điều tra xã hội học, cần được sớm khắc phục...

Do vậy, cần rà soát lại để loại bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung cả nội dung, thang điểm đánh giá của một số tiêu chí, tiêu chí thành phần cho phù hợp với các quy định, chỉ tiêu mới. Các phương thức đánh giá, điều tra xã hội học cần tiếp tục được nghiên cứu, cải tiến cho phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ số để nâng cao hơn nữa tính khách quan, công khai, minh bạch và công bằng trong đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính hàng năm của các bộ, tỉnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Nội vụ đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Chỉ số cải cách hành chính. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ đã rà soát, nghiên cứu và dự kiến đề xuất sửa cấu trúc Chỉ số, các tiêu chí, tiêu chí thành phần và thang điểm đánh giá cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo đánh giá một cách định lượng, thực chất, khách quan và công bằng kết quả cải cách hành chính của các bộ, địa phương.

Tóm tắt dự thảo Đề án, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng cho biết, bộ Chỉ số sẽ được chia thành các lĩnh vực, mỗi lĩnh vực phân chia thành các tiêu chí, mỗi tiêu chí có thể được chi tiết thành các tiêu chí thành phần. Đối với Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ, bao gồm 7 lĩnh vực đánh giá: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Đối với Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh, bao gồm 8 lĩnh vực đánh giá: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Về thang điểm đánh giá, tổng điểm đánh giá là 100 điểm. Trong đó, dự kiến, tỷ lệ điểm điều tra xã hội học dao động từ 30% - 40% số điểm, tùy thuộc vào số lượng các tiêu chí đánh giá. Thang điểm đánh giá được xác định cụ thể đối với từng tiêu chí.

Tán thành với phạm vi đánh giá ở tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ; các đại biểu cũng lưu ý cân nhắc tiêu chí “mức độ tham gia của cá nhân, tổ chức vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật” vì có nhiều lĩnh vực người dân không hiểu biết, không quan tâm, chỉ quan tâm đến vấn đề cần giải quyết. Lĩnh vực xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số có nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần có nội hàm trùng lắp nên cần rà soát và gom vào thành một tiêu chí nhằm thực hiện một cách thuận lợi.

Về các tiêu chí, tiêu chí thành phần trong lĩnh vực xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, ông Phạm Minh Hùng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Chính phủ rà soát để đảm bảo ngắn gọn, đánh giá các tiêu chí chung, hạn chế tính cụ thể và có khả năng bao quát tất cả các bộ, ngành.

Vân Tuấn (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/sua-bo-chi-so-de-danh-gia-khach-quan-cong-bang-ket-qua-cai-cach-hanh-chinh-20220720171203199.htm