Sửa chữa công trình đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông

Bộ Giao thông vận tải mới ban hành Thông tư 40/2024/TT-BGTVT quy định về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ nhằm hướng dẫn Luật Đường bộ 2024, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Đồng thời, Bộ cũng như có ý kiến về đề xuất của UBND tỉnh Quảng Nam về việc đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14D, tỉnh Quảng Nam nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Công tác bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cần được thực hiện kịp thời và hiệu quả. Ảnh tư liệu

Công tác bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cần được thực hiện kịp thời và hiệu quả. Ảnh tư liệu

Phòng ngừa thiên tai đối với công trình đường bộ mới

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), điểm mới đáng chú ý của thông tư này là việc Bộ GTVT quy định rõ việc phòng ngừa thiên tai đối với công trình đường bộ đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, mở rộng, cải tạo.

Sửa chữa định kỳ quốc lộ 14D gặp khó khăn

Theo báo cáo, từ tháng 7/2023 - 7/2024, lưu lượng xe tải nặng vận chuyển hàng hóa từ Lào đi - về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang tăng cao (khoảng 75 lượt/ngày đêm đến 320 lượt/ ngày đêm) nên tuyến đường đã bị hư hỏng, xuống cấp rất nhanh. Công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ để đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 14D gặp khó khăn, vượt quá hạn mức kinh phí quy định về bảo trì.

Theo đó, chủ đầu tư khi lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ mới hoặc nâng cấp, mở rộng, cải tạo phải đảm bảo các yếu tố thiết kế, xây dựng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm thoát lũ và các yêu cầu về phòng, chống thiên tai. Cùng với đó, hạn chế đến mức thấp nhất hoặc không làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai và bảo đảm tính ổn định của công trình trước thiên tai.

Đối với công trình đang thi công xây dựng, nhà thầu thi công công trình đường bộ phải có phương án phòng ngừa thiên tai nhằm bảo đảm an toàn khối lượng đã thi công, bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) và an toàn cho công trình phụ trợ, trang thiết bị thi công, kho bãi chứa vật liệu, nhà xưởng, nhà sinh hoạt của cán bộ, công nhân viên.

Trong quá trình thi công và hoàn thành công trình phải tuân thủ theo quy trình, bảo đảm ATGT khi thi công các công trình liên quan đến đường bộ đang khai thác theo phương án, biện pháp tổ chức thi công, phương án phòng ngừa thiên tai; không vứt, bỏ vật liệu, phế thải làm tắc nghẽn dòng chảy. Khi thi công xong phải thanh thải lòng sông để thoát nước tốt cũng như bảo đảm ATGT thủy; khi có thiên tai sắp xảy ra trên khu vực công trình, phải bố trí người và phương tiện, thiết bị để ứng phó, khắc phục.

Về công trình đường bộ đã đưa vào khai thác, sử dụng, Bộ GTVT yêu cầu các các chủ thể quản lý tuyến đường có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa thiên tai đối với công trình cầu nhỏ và cống; công trình cầu trung và cầu lớn; nền đường, rãnh thoát nước; đường tràn, ngầm; hầm đường bộ, hầm chui; hệ nổi, cầu phao, phà và ca nô.

Đối với công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Thông tư 40/2024 của Bộ GTVT yêu cầu người quản lý, sử dụng đường bộ, doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ, nhà thầu bảo trì công trình đường bộ theo phạm vi quản lý, có trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Theo đó, ban chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp phải thường trực 24/24h để theo dõi sát diễn biến tình hình sự cố, thiên tai; căn cứ vào mức độ nguy hiểm, ảnh hưởng của thiên tai, điều kiện địa hình và tình hình thực tế để lựa chọn, áp dụng các biện pháp ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp, kịp thời.

Căn cứ vào dự báo, cảnh báo, cấp độ rủi ro thiên tai, diễn biến thiên tai, các đơn vị nêu trên lựa chọn phương án, biện pháp và tổ chức thực hiện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn phù hợp với diễn biến thiên tai và điều kiện thực tế của địa bàn; trường hợp vượt quá khả năng, phải báo cáo Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam và UBND cấp tỉnh để phối hợp ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn.

Thống nhất cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14D qua Quảng Nam

Khi thiên tai xảy ra, các cơ quan quản lý đường bộ, khu quản lý đường bộ, ban quản lý dự án, doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ, nhà thầu bảo trì công trình đường bộ, có trách nhiệm cứu người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, nhân dân. Gia cố, sửa chữa ngay tại chỗ các vị trí, khu vực công trình xảy ra sự cố để làm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra đối với kết cấu hạ tầng đường bộ. Trường hợp xảy ra sự cố ngoài khả năng ứng phó của đơn vị mình thì phải báo cáo, đề xuất ngay lên cơ quan có thẩm quyền để được sự hỗ trợ cần thiết.

Khi thấy nguy cơ có thể xảy ra sạt lở đường bộ, đất, đá, lũ quét gây nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông đường bộ cần triển khai việc hạn chế, phân luồng phương tiện hoặc cấm phương tiện qua lại. Giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm, tuyến đường bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá do mưa, lũ hoặc dòng chảy.

Phối hợp với ban chỉ huy phòng thủ dân sự của địa phương trong việc thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác tại khu vực bị chia cắt, khu vực ngập lụt nghiêm trọng. Chấp hành chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, huy động khẩn cấp về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để kịp thời ứng phó với thiên tai.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng mới có ý kiến về đề xuất của UBND tỉnh Quảng Nam về việc đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14D, tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, Bộ GTVT thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam về việc đầu tư dự án theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền để tăng tính chủ động cho các địa phương, Bộ GTVT đồng thời đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì triển khai dự án.

UBND tỉnh Quảng Nam cần chỉ đạo đơn vị liên quan sớm báo cáo để Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nhiệm vụ và kinh phí chuẩn bị đầu tư các dự án quan trọng, cấp bách, trong đó có kinh phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án; Đồng thời, xem xét, bố trí nguồn vốn cho dự án từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 hoặc nguồn tăng thu năm 2024, làm cơ sở triển khai thi công trong năm 2025, phấn đấu hoàn thành dự án vào năm 2026./.

Trí Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sua-chua-cong-trinh-duong-bo-dam-bao-an-toan-giao-thong-165714.html