Sửa chữa mặt đường QL1 ở tỉnh Phú Yên sau đợt mưa kéo dài
Sau đợt mưa kéo dài, mặt đường tuyến QL1 qua địa bàn tỉnh Phú Yên tiếp tục phát sinh hư hỏng, 'ổ gà'. Để đảm bảo giao thông, nhà thầu quản lý bảo trì huy động phương tiện, nhân lực, vật tư tập trung vá sửa.
Sau những đợt mưa kéo dài từ trước và sau Tết Nguyên đán 2025, mặt đường một số đoạn tuyến QL1 qua địa bàn tỉnh Phú Yên tiếp tục phát sinh hằn lún, bong tróc, "ổ gà", gây mất ATGT. Khối lượng mặt đường hư hỏng, hằn lún, tạo "ổ gà" ước khoảng 13.000 m2.
Để đảm bảo ATGT, Công ty CP Quản lý và Sửa chữa đường bộ Phú Yên (nhà thầu quản lý bảo trì) đã huy động phương tiện, thiết bị, nhân lực, vật tư, ứng trực trên các đoạn tuyến, tăng cường vá sửa mặt đường, đảm bảo giao thông. Nhằm kịp thời vá sửa mặt đường hư hỏng, giúp phương tiện lưu thông êm thuận, nhà thầu bố trí nhiều mũi thi công, trải đều trên các đoạn tuyến, nhất là các đoạn tuyến có mặt đường phát sinh nhiều hằn lún, hư hỏng, "ổ gà".
Tính đến ngày 13/2, nhà thầu quản lý bảo trì đã thực hiện vá sửa được hơn 7.000 m2 mặt đường hư hỏng, hiện còn khoảng 6.000 m2. Với điều kiện thời tiết tạnh ráo, thuận lợi, nhà thầu dự kiến sẽ hoàn thành công tác vá sửa 6.000 m2 mặt đường hư hỏng trong khoảng 7 ngày tới.
Theo Khu Quản lý đường bộ III (Cục Đường bộ Việt Nam), đoạn tuyến QL1 qua địa phận tỉnh Phú Yên thuộc lý trình Km1243+280 - Km1366+546, với tổng chiều dài 134,57 km. Trong đó, Khu Quản lý đường bộ III trực tiếp quản lý 102,44 km; các đoạn đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT là 22,57 km, gồm đoạn Km1243+00 - Km1265+00, hiện nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án BOT đang khai thác và thu phí.
Từ năm 2021 đến nay, tuyến QL1 qua địa phận tỉnh Phú Yên đã được đầu tư 33 dự án sửa chữa mặt đường với tổng chiều dài khoảng 70,79/102,44 km. Ngoài ra, các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 qua địa phận tỉnh Phú Yên bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đều có thời gian khai thác dài (8 - 9 năm). Với lưu lượng, tải trọng xe ngày càng gia tăng trong khi một số đoạn tuyến còn lại chưa đến chu kỳ đầu tư sửa chữa nên khi thời tiết bất lợi, mặt đường hư hỏng phát sinh, trải dài trên diện rộng, dẫn đến một số đoạn tuyến (đặc biệt là các đoạn tuyến chưa đến chu kỳ được đầu tư) không êm thuận, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.