Sửa chương trình bồi dưỡng thuyền viên làm việc trên phương tiện thủy chở xăng dầu

Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định nội dung, chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.

Điểm đáng chú ý tại dự thảo là những đề xuất sửa đổi trong chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ an toàn làm việc trên phương tiện chở xăng dầu.

Theo chương trình đề xuất sửa đổi, thuyền viên của chương trình bồi dưỡng phải nêu được khái niệm, những thuật ngữ và tính chất hóa lý của xăng dầu, mô tả được về cấu trúc, trang thiết bị phương tiện chở xăng dầu. Đồng thời, trình bày được những quy định an toàn trên phương tiện chở xăng dầu và biết xử lý khi gặp sự cố.

Chương trình bồi dưỡng để cấp chứng chỉ an toàn làm việc cho thuyền viên làm việc trên các phương tiện chở xăng dầu đòi hỏi sau khóa học, thuyền viên phải ận hành thành thạo hệ thống, thiết bị chứa đựng, vận chuyển xăng dầu, có năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm (Ảnh minh họa).

Chương trình bồi dưỡng để cấp chứng chỉ an toàn làm việc cho thuyền viên làm việc trên các phương tiện chở xăng dầu đòi hỏi sau khóa học, thuyền viên phải ận hành thành thạo hệ thống, thiết bị chứa đựng, vận chuyển xăng dầu, có năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm (Ảnh minh họa).

Đối với kỹ năng, thuyền viên phải vận hành thành thạo hệ thống, thiết bị chứa đựng, vận chuyển xăng dầu, có năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm.

Dự thảo quy định mới đề xuất giảm thời lượng các tiết học trong chương trình bồi dưỡng cho thuyền viên làm việc trên tàu xăng dầu. Cụ thể, đề xuất thời gian của khóa học giảm từ 45 giờ xuống 43 giờ, thời gian thực học giảm từ 42 giờ xuống 40 giờ.

Số lượng mô đun đào tạo gồm 2 mô đun, với thời gian khóa học là 40 giờ, bao gồm 38 giờ học lý thuyết, thực hành và 2 giờ kiểm tra đánh giá kết thúc mô đun.

Trong đó, môn học sẽ chỉ gồm hai môn là Xăng dầu và công tác an toàn làm việc trên phương tiện chở xăng dầu (24 giờ) và môn Vận hành hệ thống làm hàng trên phương tiện chở xăng dầu (16 giờ). Như vậy, chương trình giảm bớt một môn học so với quy định hiện hành. Theo lý giải của Cục Đường thủy nội địa VN, việcphân chia thời gian để rõ ràng, thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Đặc biệt, hình thức đào tạo cũng linh hoạt, bao gồm cả đào tạo trực tiếp và trực tuyến. Theo đó với lý thuyết, sẽ áp dụng hình thức đào tạo trực tiếp hoặc trực tuyến. Đối với việc thực hành, áp dụng hình thức đào tạo trực tiếp hoặc trực tuyến, nhưng số giờ học trực tuyến không vượt quá 30% tổng số thời lượng thực hành trong chương trình.

Dự thảo quy định rõ, với hình thức đào tạo trực tuyến, cơ sở đào tạo phải có đủ cơ sở vật chất đáp ứng và lựa chọn các nội dung phù hợp trong các môn học, mô đun.

Nội dung, hình thức, thời gian tổ chức kiểm tra sẽ do người đứng đầu cơ sở đào tạo quyết định. Điểm tổng kết các môn học, mô đun phải đạt từ 5,0 trở lên mới đủ điều kiện tham gia kiểm tra kết thúc khóa học.

Việc quy định hình thức đào tạo để các cơ sở đào tạo thực hiện, bổ sung quy định về đào tạo trực tuyến nội dung lý thuyết.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định cụ thể trách nhiệm của cơ sở đào tạo. Trong đó, các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình chi tiết cho từng môn học, mô đun đảm bảo nội dung phù hợp. Đảm bảo số giờ lý thuyết, số giờ thực hành và số giờ kiểm tra theo đúng quy định.

Định kỳ hàng năm, nội dung các môn học, mô đun trong chương trình phải được rà soát và cập nhật vào chương trình chi tiết cho phù hợp với thực tế.

Để các cơ sở đào tạo chủ động xây dựng giáo trình, tài liệu, thống nhất, dự thảo cũng bỏ việc quy định chương trình chi tiết về các môn học, mô đun.

Hồ An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/sua-chuong-trinh-boi-duong-thuyen-vien-lam-viec-tren-phuong-tien-thuy-cho-xang-dau-192240808155537851.htm