Sửa đổi Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu: Nghỉ hưu nên là quyền và cơ hội?
Không phải ai cũng muốn được nâng tuổi nghỉ hưu – đó là quan điểm có thể thấy ở nhiều nhóm lao động trong thời gian gần đây khi Bộ LĐTB&XH lấy ý kiến cho dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi về vấn đề này.
Nhiều người lao động (NLĐ) cho rằng việc tính toán tuổi hưu cần được tiếp cận linh hoạt dưới 2 góc độ: cơ hội được tiếp tục cống hiến và quyền được nghỉ hưu sớm tùy từng nhóm lao động thì mới có thể đảm bảo được lợi ích của NLĐ.
60 tuổi khó mà may nhanh hay hát hay múa đẹp
Có mặt trong một buổi tọa đàm do Tổng Liên đoàn Lao động VN tổ chức về vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ luật Lao động, bà Phạm Hải Hà – Chủ tịch Công đoàn Công ty thiết bị linh kiện điện thoại SEI cho biết, công ty có gần 6.000 NLĐ, trong đó lao động nữ chiếm 60% gần 4.000 người.
Cán bộ Công đoàn đã lấy ý kiến hơn 400 NLĐ trong công ty bao gồm cả lao động gián tiếp lẫn trực tiếp về vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu. Kết quả cho thấy, trong nhóm lao động gián tiếp có 2 người đồng ý, trong nhóm lao động trực tiếp có 4 người đồng ý.
Theo bà Hà, công nhân không đồng tình với tăng tuổi nghỉ hưu vì lĩnh vực hoạt động của công ty là sản xuất bảng vi mạch điện tử, để làm công nhân cần nhanh tay, tinh mắt và phải đứng trong suốt giờ làm việc, do đó rất ảnh hưởng đến thị lực và xương khớp và nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu, họ lo sẽ không đáp ứng được yêu cầu của công việc nữa.
Hơn nữa, công nhân cũng bày tỏ lo ngại rằng nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu, trong khoảng tuổi từ 55-60 vì lý do nào đó cần phải chuyển công việc, nơi làm việc thì nơi nào sẽ nhận NLĐ “đã về già” này. “Công nhân chúng tôi có đề xuất các nhà làm luật cần nghiên cứu để đưa ra những quy định phù hợp với từng nhóm ngành nghề cụ thể chứ không thể quy định chung ai cũng như ai” – bà Hà cho biết.
Tôi bao giờ mới được về hưu? Đó là câu hỏi mà bà Nguyễn Thị Bích Hiền công tác tại Công ty Cổ phần may BG ở Thái Nguyên. Bà Hiền năm nay 48 tuổi là công nhân may đại diện cho hơn 1.000 lao động tại công ty cho biết, ngành may rất đặc thù vì yêu cầu công việc là ngồi nhiều, mắt và tay phải tinh, nhanh để hoạt động chính xác, nên nếu công nhân cao tuổi là không đáp ứng được.
“Tôi năm nay 48 tuổi, năng lực, tay nghề có nhưng mắt đã mờ, xương khớp thì rệu rã, nên tôi lo ngại nếu tăng tuổi hưu thì những NLĐ trực tiếp như chúng tôi vì lý do sức khỏe mà có nhu cầu nghỉ hưu sớm sẽ chịu thiệt thòi.
Nếu tính theo dự thảo của Bộ luật Lao động về tăng tuổi nghỉ hưu thì tôi sẽ làm việc đến tầm 57-58 tuổi, liệu với lứa tuổi này, yêu cầu công việc cao như thế tôi còn đáp ứng để làm việc được nữa không và người sử dụng lao động có thích sử dụng NLĐ già trong những công việc đòi hỏi tinh mắt nhanh tay như may mặc không? Còn nếu xin về hưu sớm thì lương hưu của tôi sẽ chỉ còn tầm 2 triệu đồng/tháng, sống thế nào?”.
Cô giáo mầm non được coi là một nghề trẻ lâu nhưng bà Lương Bích Hà – Phó Hiệu trường Mẫu giáo Việt – Triều ở Hà Nội cho biết, khi được tham khảo ý kiến thì đa số giáo viên mầm non cho rằng tuổi nghỉ hưu kéo dài sau 55 tuổi là khó khăn vì để đạt đến tuổi 55 là họ đã có ba chục năm công tác với cường độ lao động 10-11 tiếng mỗi ngày, từ 7h sáng đến 6h chiều; đặc thù nghề nghiệp thì cả lao động trí óc (giáo dục trẻ, dạy múa hát) đến lao động chân tay (chăm sóc, vệ sinh cho trẻ).
“Nhiều cô giáo trường tôi lo ngại ở tuổi già các cô khó mà múa hay hát đẹp nữa cho dù có cố làm trẻ hóa mình đến mức nào đi nữa. Tôi công tác tại trường đã 15 năm nhưng chưa chứng kiến cô giáo nào làm đến tuổi nghỉ hưu mà toàn xin về trước vì lý do sức khỏe không còn đáp ứng được cường độ công việc”, bà Hà cho biết.
Đề xuất “quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn”
Tại phiên họp toàn thể chiều 19/5 do Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp (cơ quan soạn thảo Bộ luật Lao động sửa đổi) cho biết, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi hưu.
Được biết cũng tại lần sửa đổi này, dự thảo Bộ luật Lao động quy định “quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn”. Theo đó, dự thảo nêu rõ quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi (đại diện cơ quan thẩm tra), Bộ luật Lao động hiện hành quy định NLĐ có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn 5 năm so với quy định. Nhưng lần sửa đổi này, đề nghị quy định NLĐ có quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn 5 năm, tùy từng nhóm lao động. “Đây là chế định quan trọng liên quan đến lợi ích của NLĐ”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Phát biểu tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPNVN cho biết, để giải quyết tổng thể vấn đề, nhất là với phụ nữ, tuổi hưu cần được tiếp cận dưới 2 góc độ: cơ hội được tiếp tục cống hiến và quyền được nghỉ hưu sớm. Ai muốn lao động ở độ tuổi cao hơn và có điều kiện cống hiến lao động thì phải trao cơ hội cho họ lao động, có khả năng đóng góp, nhất là trong bối cảnh phát triển hiện tại thì việc mở rộng nâng cao tuổi hưu cho NLĐ càng trở nên cần thiết.
Tuy nhiên, điều bà Nguyễn Thị Thu Hà băn khoăn là NLĐ có khả năng, cơ hội đóng góp ở độ tuổi cao, trong thực tế chỉ là một nhóm lao động thuộc số ít. Nhóm thuộc số nhiều hơn, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà chính là nhóm lao động thấp hơn.
“Chúng tôi đi thực tế ở 5 tỉnh Tây Nguyên, khu vực đồng bằng thì thấy: lao động ở khu vực hầm lò độc hại, lao động một số ngành nghệ thuật, cô giáo mầm non… hầu hết họ muốn được nghỉ hưu sớm. Nhóm lao động cao thì hãy tạo cho họ cơ hội tiếp tục làm việc, còn nhóm thấp hơn thì nên cho họ quyền ưu tiên là được phép nghỉ hưu sớm hơn”, bà Nguyễn Thị Thu Hà nói.
“Chúng tôi rất mừng là dự thảo đã đưa ra thỏa thuận, cho phép mở rộng khoảng thời gian lựa chọn là 10 năm. Người nào không đủ điều kiện lao động, muốn được nghỉ sớm thì họ được quyền nghỉ. Nhưng theo đó thì bảo hiểm cũng phải tính toán theo để tránh thiệt thòi, vì nghỉ sớm thì lương thấp”, bà Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất, đồng thời thông tin, nghiên cứu cho thấy có 15 nước trên thế giới hiện nay áp dụng hình thức cho phụ nữ được quyền nghỉ hưu linh hoạt, coi như một sự ưu tiên.
Bài sau: Cân bằng tuổi nghỉ hưu nam nữ - Tại sao không?