Sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi thuế phát triển nguồn nhân lực bán dẫn
Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước triển khai Đề án 'Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045', sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi thuế phù hợp.
Tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia một số vấn đề liên quan đến một số chính sách. Hiện nay, đối với vấn đề chung, trên cơ sở y kiến của các đại biểu hôm nay, chúng tôi nhận thấy thông tin dự thảo của Đề án đưa ra đánh giá cụ thể liên quan thực trạng của nguồn nhân lực bán dẫn của Việt Nam.
Tại phần đánh giá tổng quan ngành với 3 công đoạn là thiết kế; sản xuất; kiểm thử và đóng gói, trong dự thảo mới đánh giá 2 công đoạn là thiết kế, kiểm thử và đóng gói, còn công đoạn sản xuất thì chưa có đánh giá. Vì vậy, cần có bổ sung thêm thực trạng công đoạn này, để bổ sung cơ sở nhằm đưa ra định hướng phát triển của ngành nói chung và nhân lực ngành bán dẫn nói riêng.
Trên cơ sở đánh giá trực trạng của ngành công nghiệp bán dẫn, dự thảo cần nhận định cụ thể về vị trí của ngành này, từ đó tập trung định hướng việc đào tạo nguồn nhân lực trong công nghiệp bán dẫn và phục vụ chủ yếu cho công đoạn nào trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn, để đưa ra mục tiêu và giải pháp phù hợp trong Đề án trong thời gian tới.
Riêng các chính sách về thuế VAT và biên giảm thuế VAT, chính sách ưu đãi thuế được quy định tại Luật thuế - thuộc thẩm quyền của Quốc hội, trong đó tập trung miễn giảm ở các lĩnh vực, địa bàn theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Đối với thuế TNCN ngành công nghiệp bán dẫn, hiện nay không có ưu đãi và Đề án sẽ xem xét vấn đề này.
Thứ trưởng cho biết, Bộ Tài chính sẽ tham mưu và đề xuất các chính sách có liên quan đến tài chính để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Cũng theo Thứ trưởng, trong dự thảo Đề án có đề cập đến tổng mức kinh phí, trong đó có phân ra ngân sách của nhà nước và nguồn xã hội hóa, đồng thời phân loại được tính chất nguồn vốn đầu tư và nguồn chi thường xuyên. Đây là việc rất cần thiết để các cấp có thẩm quyền hiểu được quy mô, phạm vi của dự án cũng như trách nhiệm để đảm bảo triển khai.
“Chúng tôi đề nghị làm rõ thêm nguồn kinh phí thực hiện Đề án trong trường hợp sử dụng kinh phí chi cho sự nghiệp khoa học công nghệ”, Thứ trưởng Lê Tấn Cận nêu rõ.
Theo Thứ trưởng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính thực hiện theo 2 nhóm trong Đề án, Bộ Tài chính sẽ căn cứ vào nhiệm vụ và có nguồn vốn thực hiện Đề án.
Liên quan tới nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thiện thể chế cho đào tạo nhân lực bán dẫn với cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù.
Đầu tư cho hạ tầng phục vụ đào tạo nhân lực bán dẫn, gồm cơ sở đào tạo, nhà trường, phòng thí nghiệm, nơi sản xuất… Đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên, xây dựng chương trình, giáo trình phù hợp. Huy động, đa dạng hóa nguồn lực của Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp…
Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước triển khai Đề án, sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi thuế phù hợp.
Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng chính sách xem xét và đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về cơ chế tiết kiệm và chuyển tiền thuận lợi cho các chuyên gia quốc tế làm việc tại Việt Nam trong lĩnh vực chip bán dẫn; chính sách cho vay ưu đãi cho sinh viên để thu hút, khuyến khích học tập, nâng cao kĩ năng trình độ phục vụ công việc.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, nghiên cứu, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp ủy, HĐND về bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ dạng học bổng, các chính sách ưu đãi cho sinh viên địa phương học ngành bán dẫn; triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án.