Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp - mở đường cho sự phát triển đất nước

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy. 'Việc ích nước, lợi dân, được nhiều người ủng hộ nên phải làm rất khẩn trương'. Trong bối cảnh đó, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 tập trung vào hai nội dung chính là để 'mở đường' cho sắp xếp bộ máy cũng như cho sự phát triển đất nước.

Tiếp tục Kỳ họp thứ Chín, sáng nay, 5/5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tổ về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan tham dự phiên thảo luận tại Tổ 14 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang và Khánh Hòa.

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại Tổ 14 sáng 5/5. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại Tổ 14 sáng 5/5. Ảnh: Hồ Long

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đều bày tỏ nhất trí cao với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, cũng như định hướng nội dung sửa đổi, quy trình, hình thức sửa đổi (bằng một Nghị quyết của Quốc hội).

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết: Chúng ta đang tiến hành cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy. Cuộc cách mạng này đang đi đúng hướng, rất chặt chẽ, được sự ủng hộ cao của nhân dân. Qua việc lấy ý kiến của các địa phương về sắp xếp bộ máy, tỷ lệ nhân dân ủng hộ cao, cơ bản đạt 99%, cá biệt có địa phương đạt 100%. Dư luận quốc tế cũng đánh giá cao.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, mục tiêu tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại bộ máy có chất lượng nhằm mở ra không gian kinh tế mới phát triển tốt hơn cho từng địa phương và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

“Việc ích nước, lợi dân, được nhiều người ủng hộ nên phải làm rất khẩn trương. Nếu chần chừ sẽ tạo sự phân tâm, không tập trung các nguồn lực cùng sự chỉ đạo cho nhiệm vụ rất quan trọng là tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, làm các nhiệm vụ an sinh xã hội”. Do đó, “sửa đổi, bổ sung Hiến pháp để mở đường cho sự phát triển đất nước”, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Hồ Long

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Hồ Long

Cũng theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Hiến pháp là đạo luật gốc. Muốn sửa đổi phải trưng cầu dân ý, tổng kết quá trình thực hiện. Bộ Chính trị, Trung ương nhận thấy Hiến pháp năm 2013 đã được soạn thảo rất kỹ và được vận hành tương đối tốt. Chúng ta đang thực hiện sắp xếp bộ máy nên việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 sẽ chỉ tập trung vào hai nhóm nội dung liên quan đến Mặt trận Tổ quốc và chính quyền địa phương như Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, “để mở đường cho sắp xếp bộ máy”.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Đ. Thanh

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Đ. Thanh

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, mục đích căn cơ nhất của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 là nhằm thể chế hóa chủ trương của Trung ương về tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy, từ chính quyền địa phương 3 cấp chuyển sang còn 2 cấp. Bên cạnh đó, bổ sung, sửa đổi một số nhiệm vụ, vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cho cụ thể.

“Điều này sẽ thực hiện chính quyền gần dân, sát dân, có trách nhiệm với nhân dân hơn, đặc biệt là giao nhiệm vụ, quyền hạn cho cấp xã bảo đảm quản lý nhà nước ở cấp địa phương cho gần dân hơn”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Tán thành với định hướng sửa đổi, bổ sung do Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, cơ bản, cốt lõi của chính quyền địa phương 2 cấp là giao nhiệm vụ, quyền hạn sâu hơn, cao hơn, có trách nhiệm hơn với chính quyền cấp xã. “Đó là yêu cầu cấp thiết mà chúng ta phải tổ chức thực hiện”, đại biểu nhấn mạnh.

ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Đ. Thanh

ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Đ. Thanh

ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) bổ sung, với hai định hướng sửa đổi liên quan 8 điều trong tổng số 120 điều của Hiến pháp năm 2013 là “khá ít”. Do vậy, hình thức sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là một Nghị quyết của Quốc hội “hoàn toàn phù hợp”. Đại biểu bày tỏ nhất trí cao với định hướng, nội dung, hình thức sửa đổi theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cũng theo đại biểu, khoản 2 Điều 120 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Thành phần, số lượng thành viên, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như vậy, Hiến pháp 2013 không quy định cơ cấu, thành phần mà giao thẩm quyền cho Quốc hội. "Với cơ cấu theo dự thảo thành lập Ủy ban là hoàn toàn phù hợp, với đầy đủ thành phần tham gia".

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhấn mạnh, quy trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 theo Tờ trình là khá chặt chẽ, với hai lần cho ý kiến và một lần thông qua.

Đại biểu đề nghị, dù chỉ có hai nhóm nội dung cụ thể, song vì đây là việc rất hệ trọng nên quá trình thực hiện sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 cần hết sức tập trung, thực chất, hiệu quả, nhất là lấy ý kiến nhân dân, nhà khoa học, chuyên gia.

Cùng với đó, cần tăng cường công tác truyền thông, định hướng đúng để tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động; tránh bị các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/sua-doi-bo-sung-hien-phap-mo-duong-cho-su-phat-trien-dat-nuoc-10371342.html