Sửa đổi bổ sung Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Yêu cầu cấp thiết trong thời đại số
Chiều ngày 12/5/2025, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Tổ đại biểu Quốc hội số 18 (gồm các tỉnh Lâm Đồng, Thanh Hóa,Tiền Giang) đã tiến hành thảo luận tại tổ về một số dự án luật và nội dung quan trọng trình Quốc hội.

Quang cảnh kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung sau: Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân; Việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, được các đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp tích cực. Hướng đến xây dựng môi trường an toàn, minh bạch, trách nhiệm. Đặc biệt, hướng đến giảm thiểu rủi ro, lộ lọt thông tin cá nhân, ngăn chặn hành vi mua bán dữ liệu trái phép... Việc bảo vệ người dân trước nguy cơ lừa đảo, xâm hại là mong muốn của cử tri, nhân dân.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung góp ý sâu sắc đối với nội dung Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đặc biệt về các quy định liên quan đến hành vi bị nghiêm cấm, dữ liệu của trẻ em, xử lý sự cố dữ liệu trên nền tảng số và yêu cầu về nhân sự chuyên trách trong bảo vệ dữ liệu.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh tham gia góp ý thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Lâm Đồng cho rằng quy định tại Điều 7 - nghiêm cấm hành vi mua bán dữ liệu cá nhân - nếu hiểu là cấm tuyệt đối thì sẽ phù hợp về nguyên tắc bảo vệ quyền cá nhân và thuận lợi cho quản lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế số, nhiều hoạt động dịch vụ số như quảng cáo trực tuyến đòi hỏi cách tiếp cận linh hoạt hơn. Do đó, đại biểu đề nghị sửa thành: “Cấm mua bán dữ liệu cá nhân trái pháp luật”, tương thích với các mô hình luật của Liên minh Châu Âu, Nhật Bản…
Đại biểu Lâm Văn Đoan - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nêu ý kiến về các quy định liên quan đến dữ liệu cá nhân của trẻ em (Điều 23), đề nghị bổ sung quy định phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời, kiến nghị điều chỉnh độ tuổi trong việc xử lý dữ liệu cá nhân theo hướng: Dưới 06 tuổi cần có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật. Từ 06 đến dưới 15 tuổi cần sự đồng ý của cả trẻ em và người đại diện; nếu có mâu thuẫn thì ưu tiên ý kiến của trẻ.
Về xử lý sự cố dữ liệu trên các nền tảng số (Điều 34), đại biểu đề nghị rút ngắn thời gian thông báo từ 72 giờ xuống mức phù hợp hơn nhằm đảm bảo kịp thời ứng phó, do tốc độ lan truyền thông tin trên mạng xã hội rất nhanh.
Đối với quy định tại Điều 39 về Chuyên gia bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu đề nghị loại trừ đối tượng "cá nhân" hoặc quy định rõ lộ trình miễn trừ, để tạo điều kiện cho cá nhân tiếp cận hoặc thuê chuyên gia.

Các Đại biểu Quốc hội Đoàn Lâm Đồng tham gia thảo luận Tổ
Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng góp ý tại khoản 5, Điều 1 về thẩm quyền xác định khu vực bỏ phiếu, đề nghị làm rõ khái niệm "trường hợp cần thiết", đồng thời đề xuất trao thẩm quyền này cho Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, nhất là tại các khu vực đông dân, địa bàn xa xôi.
Tại khoản 9, Điều 1, ông đề nghị tăng số lượng thành viên Ban bầu cử cấp xã từ mức 7-9 lên 18-20 người, phù hợp với tình hình địa giới hành chính mở rộng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Tạo án thành chủ trương rút ngắn thời gian bầu cử, nhưng nhấn mạnh cần có sự đồng bộ trong tổ chức từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.
Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến tố tụng
Các đại biểu thống nhất cho rằng việc sửa đổi, bổ sung các luật tố tụng là cần thiết, nhằm phù hợp với mô hình tổ chức hệ thống Tòa án ba cấp. Việc tăng thẩm quyền cho Tòa án Nhân dân khu vực đòi hỏi phải kiện toàn ngay đội ngũ cán bộ tư pháp, đặc biệt là trong các Tòa án chuyên trách như Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ... cần được tổ chức tại các địa bàn trọng điểm với bộ máy chuyên môn cao.
Về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
Các đại biểu đồng tình với việc rút ngắn nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhằm thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XIII. Theo đó, kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 sẽ diễn ra vào ngày Chủ nhật, 15/3/2026. Do đó, việc rút ngắn khoảng 3 tháng so với quy định hiện hành, kết thúc nhiệm kỳ vào đầu tháng 4/2026, là phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Thứ ba, ngày 13/5/2025, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiến hành các nội dung: (i) nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; (ii) nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (iii) thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Buổi chiều: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiến hành các nội dung: (i) nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14; (ii) nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng; (iii) thảo luận về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Báo Lâm Đồng Online sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc các diễn biến của kỳ họp.