Sửa đổi các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, tạo thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội
Trong năm 2022, Chính phủ tiếp tục ưu tiên, chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP (ngày 30/1/2022) phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2022.
Nghị quyết nêu rõ: Để nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, trong thời gian qua các bộ, ngành đã tích cực, chủ động tổ chức thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực; trình cơ quan có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và triển khai tổ chức thực hiện pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2022.
Trong năm 2022, Chính phủ tiếp tục ưu tiên, chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm thực hiện đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện hệ thống thể chế, chiến lược, quy hoạch thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
Các bộ, ngành cần ưu tiên đầu tư nguồn lực, thời gian nhiều hơn nữa cho hoạt động xây dựng pháp luật, tập trung vào các hoạt động quan trọng như: Tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực thi pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động của chính sách
Tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý, phản biện của các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân; chủ động truyền thông chính sách từ khi đề xuất chính sách đến quá trình soạn thảo và ngay sau khi ban hành văn bản, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm.
Cùng với đó, tiến hành đánh giá đầy đủ tác động của các dự kiến chính sách để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, bảo đảm nguồn lực thực hiện.
Nghị quyết cũng nêu rõ, việc đề xuất các chính sách cần bám sát nhu cầu thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, có tính dự báo chính sách, có thể thí điểm một số vấn đề mới phát sinh để làm cơ sở xem xét, mở rộng phạm vi điều chỉnh; đồng thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập do quy định pháp luật hiện hành, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp;
Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với huy động nguồn lực hiệu quả, nâng cao năng lực thực thi chính sách và kiểm tra, giám sát để siết chặt kỷ cương; tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng phù hợp với tình hình của Việt Nam.
Các cơ quan chủ trì soạn thảo Luật cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra để trao đổi, thảo luận, tạo sự đồng thuận cao trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2022, Chính phủ đã xem xét cho ý kiến đối với 11 dự án, đề nghị xây dựng Luật. Đây là những dự án nằm trong 20 dự án, đề nghị xây dựng Luật cần được Chính phủ xem xét, cho ý kiến để trình Quốc hội trước ngày 1/3/2022, nhằm điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Các dự án, đề nghị xây dựng Luật được thảo luận tại phiên họp gồm: Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viễn thông; Đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp Công nghệ số; Đề nghị xây dựng Luật về phòng thủ dân sự...