SỬA ĐỔI LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG: GÓC TIẾP CẬN TỪ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 20/10 tới đây, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Để có thêm thông tin, góc tiếp cận trong qua trình xây dựng cũng như thông qua dự luật, việc nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về một số vấn đề trong pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết.

THÔNG BÁO TRIỆU TẬP KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12 được ban hành ngày 17/11/2010 và đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021. Trong gần 10 năm thực thi Luật vừa qua (2011-2021), công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được một số kết quả đáng kể, song vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng nêu trên trong đó có nguyên nhân từ những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật; sự thay đổi của môi trường, hành vi kinh doanh, tiêu dùng cũng như những nguyên nhân thuộc về năng lực và cơ chế thực thi. Thực tiễn đó đã đặt ra yêu cầu cấp bách, cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để đảm bảo hiệu lực của công tác thực thi pháp luật và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ngày 27/7/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 17/2021/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.Theo đó, Bộ Công Thương được phân công là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Để chuẩn bị cho dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tới đây, vừa qua, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án luật.

Nhà nước phải can thiệp để bảo vệ lợi ích của Người tiêu dùng

Trong quá trình xây dựng dự luật, nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế, Bộ Công thương cho biết, do sự yếu thế của người tiêu dùng (NTD) trong mối quan hệ với các nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ, NTD đôi khi không thể đưa ra các quyết định mua sắm, chọn lựa đúng đắn và phù hợp nhất với lợi ích của họ. Chính vì lý do đó, Nhà nước phải can thiệp để bảo vệ lợi ích của NTD. Có hai cách tiếp cận chủ đạo trên thế giới thông qua đó Nhà nước có thể bảo vệ lợi ích của NTD:

Một là, xây dựng một hệ thống pháp lý trong đó quy định trách nhiệm pháp lý đối với các bên sau đã xảy ra vi phạm.

Hai là, xây dựng một hệ thống pháp lý điều chỉnh, ngăn chặn trước các hành vi vi phạm để giảm thiểu vi phạm.

Cách tiếp cận thứ nhất là cách tiếp cận mà theo đó các bên liên quan phải bồi thường thiệt hại sau khi xảy ra thiệt hại thực sự. Theo cách tiếp cận này, các cơ quan phân xử, trong đại đa số các trường hợp là các tòa án, bao gồm cả các tòa chuyên biệt, sẽ quyết định mức độ bồi thường thiệt hại, căn cứ trên bản chất và thực tế vụ việc. Các bên liên quan sẽ phải chịu bồi thường thiệt hại do hành vi sai sót của họ gây ra, nhưng chỉ sau khi bên bị thiệt hại đã kiện ra tòa hoặc khiếu nại đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền khác. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là việc bên bị thiệt hại kiện ra tòa không có nghĩa là bên gây ra thiệt hại sẽ chịu bồi thường cho nạn nhân.

Cách tiếp cận thứ hai mang tính ngăn chặn, phòng ngừa, trước khi xảy ra vi phạm, theo đó các bên liên quan phải chịu phạt kể cả trước khi có thiệt hại thực sự, do đã vi phạm các quy định về tiêu chuẩn. Theo cách tiếp cận này, một hệ thống quy chuẩn phải được thiết lập, không liên quan đến việc có xảy ra thiệt hại thực sự cho NTD hay không.

Hệ thống quy định liên quan đến bảo vệ NTD thường bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, môi trường, hay sức khỏe. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, hệ thống quy định này do các cơ quan chức năng giám sát thực thi. Ví dụ như tại Ấn Độ, các vấn đề tiêu chuẩn do Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (cơ quan tồn tại song song với Vụ Các Vấn đề Tiêu dùng thuộc Bộ Các Vấn đề Tiêu dùng, Lương thực thực phẩm và Phân phối các Hàng hóa công cộng) chịu trách nhiệm, tại Việt Nam cho đến nay là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ).

Trong khi đó, hệ thống quy định trách nhiệm pháp lý liên quan đến bảo vệ NTD thường bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các quyền cơ bản của NTD, trách nhiệm sản phẩm, các hành vi thương mại không công bằng, giải quyết tranh chấp tiêu dùng và các chế tài áp dụng. Đây là các quy định thường gặp nhất trong bất kỳ một đạo luật hay bộ luật về bảo vệ NTD nào trên thế giới. Trong một số trường hợp, hệ thống quy phạm pháp lý này cũng bao gồm các vấn đề liên quan đến hợp đồng mẫu, hay bảo. Các vụ việc liên quan đến trách nhiệm pháp lý thường do các tòa án chung, các tòa chuyên biệt về NTD, hay các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ NTD có chức năng xét xử áp dụng và thực thi.

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bổ sung nhiều nội dung quy định mới, nhằm đáp ứng những yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bổ sung nhiều nội dung quy định mới, nhằm đáp ứng những yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn

Tiếp cận theo hướng kết hợp tối đa hai hệ thống bảo vệ Người tiêu dùng

Theo Bộ Công thương, sau khi đã cân nhắc xem xét cả hai hệ thống bảo vệ NTD nêu trên, không có hệ thống nào có thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro cho NTD. Hệ thống quy định tiêu chuẩn không thể làm được điều này, do các cơ quan chức năng không có đủ thông tin về các hành vi vi phạm quy định của các doanh nghiệp, cũng như chi phí thực thi cao, v.v. Trái lại, hệ thống quy trách nhiệm pháp lý lại thất bại do các bên liên quan có thể không đủ khả năng bồi thường thiệt hại, hoặc cơ quan phân xử không thể buộc tội họ do bằng chứng không thuyết phục hoặc các thủ tục pháp lý phức tạp.

Bên cạnh đó, những điểm chung của hai hệ thống này cũng đặt ra yêu cầu xem xét khả năng kết hợp cả hai lại thành một hệ thống pháp lý bảo vệ NTD tối ưu nhất, để giảm thiểu các nguy cơ thiệt hại cho NTD. Đây là một thực tế thường thấy tại hầu hết các quốc gia trên thế giới như Pháp, Canada, Hàn Quốc, Malaysia… Luật bảo vệ NTD, chủ yếu bao gồm các điều khoản quy trách nhiệm pháp lý, thường được bổ trợ bởi quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác, ví dụ như về tiêu chuẩn, an toàn, bảo hiểm, sức khỏe, v.v. Cách tiếp cận này giúp đảm bảo tính chuyên biệt của từng lãnh vực pháp lý khác nhau, giúp các cơ quan thực thi tập trung vào chuyên môn của mình, tuy có mặt trái là tính rời rạc, đôi khi có thể dẫn đến không nhất quán, hay xung đột pháp lý. Ngược lại, tham vọng đưa quá nhiều các vấn đề khác nhau vào cùng một đạo luật về bảo vệ NTD có thể làm giảm hiệu quả pháp lý của các điều khoản, hay tăng chi phí thực thi của cơ quan thực thi hay hệ thống tư pháp.

Trên cơ sở phân tích thực trạng, bất cập về việc thực thi các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay, cơ quan soạn thảo cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (sửa đổi) nên tiếp cận theo hướng kết hợp tối đa hai hệ thống này, theo đó:

Đối với các quy định về tiêu chuẩn, an toàn của người tiêu dùng hiện đang được điều chỉnh tại các văn bản pháp luật khác thì sẽ quy định theo hướng dẫn chiếu.

Đối với các vấn đề liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng chưa được quy định tại các văn bản nào: thương mại điện tử, hợp đồng tiêu dùng, trách nhiệm đối với sản phẩm, tiêu dùng bền vững, bán hàng trực tiếp, tận cửa, liên tục,… hoặc quy định không rõ ràng thì sẽ được làm rõ tại Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) lần này./.

Lan Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=69077