Sửa đổi Luật BHYT: Hướng đến phát triển bền vững

Sau 6 năm triển khai thực hiện, Luật BHYT đã đạt được nhiều thành công, nhất là về tỉ lệ bao phủ... Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy một...

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, việc triển khai chính sách BHYT từ năm 2015 đến nay đã đạt được những thành tựu lớn, đặc biệt là về phát triển đối tượng và mở rộng cũng như bảo đảm quyền lợi cho người tham gia. Trước hết là số người tham gia BHYT tăng trưởng ấn tượng qua các năm. Trong khoảng thời gian từ năm 2015-2017, mỗi năm tăng 6-7%; giai đoạn 2018-2020 duy trì mức tăng trên dưới 3%/năm.

Tiệm cận BHYT toàn dân

Nghị quyết 68 của Quốc hội đã nêu rõ mục tiêu: "Bảo đảm đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT". Trên thực tế, chỉ tiêu này đã được hoàn thành từ năm 2016, trước 4 năm so với quy định. Số thu BHYT những năm qua cũng gia tăng đáng kể, trong khi tỉ lệ nợ đọng cũng có chiều hướng giảm dần... Những con số này phần nào cho thấy các quy định pháp luật về BHYT đã được tuân thủ tốt hơn.

Về góc độ bao phủ quyền lợi, theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, mỗi năm quỹ BHYT đã chi trả hơn 100.000 tỉ đồng cho khoảng từ 160-185 triệu lượt người đi khám bệnh, chữa bệnh (KCB) theo chế độ BHYT. Chỉ tính trong 10 năm - kể từ khi có Luật BHYT, số thu và chi KCB BHYT đều tăng khoảng 8 lần; sau 5 năm thực hiện Luật BHYT sửa đổi, số chi KCB tăng gấp 2 lần...

Đánh giá về mức quyền lợi hưởng của người tham gia BHYT, báo cáo của Bộ Y tế cũng chỉ rõ phạm vi dịch vụ được hưởng và mức hưởng của bệnh nhân BHYT đều có sự gia tăng đáng kể. Về phạm vi KCB, bên cạnh các dịch vụ điều trị, quỹ BHYT đã chi trả cả cho các dịch vụ phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con. Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật cũng được điều chỉnh thường xuyên (tên loại, hạng bệnh viện được sử dụng, tỉ lệ chi trả) để phù hợp với nhu cầu KCB, sự phát triển khoa học kỹ thuật và hiệu quả sử dụng quỹ BHYT. Hoạt động mua sắm thuốc, vật tư y tế được thực hiện theo quy định về đấu thầu. Một số nhóm đối tượng không phải áp dụng cùng chi trả chi phí; mức hưởng BHYT khi KCB trái tuyến cũng được điều chỉnh tăng lên trong Luật BHYT 2014.

BHYT toàn dân là biện pháp hữu hiệu góp phần bảo đảm khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu và bảo vệ tài chính cho người dân

BHYT toàn dân là biện pháp hữu hiệu góp phần bảo đảm khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu và bảo vệ tài chính cho người dân

Thay đổi phương thức thanh toán

Chia sẻ tại hội thảo "Tham vấn kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách và sửa đổi Luật BHYT" mới đây, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho biết Việt Nam đặt mục tiêu bao phủ 95% dân số tham gia BHYT vào năm 2025. Song song đó, bảo đảm tốt hơn nữa quyền lợi của người tham gia BHYT, sử dụng hiệu quả và cân đối quỹ BHYT.

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Phúc, để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển đối tượng tham gia BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia, quản lý quỹ và tổ chức thực hiện chính sách BHYT. Đặc biệt, BHXH Việt Nam mặc dù có chức năng quản lý quỹ nhưng lại không phải đơn vị được quyết định các vấn đề như: lựa chọn phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT; lựa chọn đơn vị ký hợp đồng KCB BHYT; từ chối, chấm dứt hợp đồng đối với các cơ sở KCB không bảo đảm điều kiện trong quá trình thực hiện hợp đồng. Điều này dẫn đến những khó khăn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo đảm cân đối quỹ.

Đề xuất những giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn trong quản lý quỹ BHYT, ông Lê Văn Phúc đề nghị Luật BHYT sửa đổi, bổ sung cần bổ sung các giải pháp về kết hợp phương thức thanh toán theo khoán tổng ngân sách với các phương thức thanh toán khác; xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò của cơ quan BHXH trong mua dịch vụ y tế như nhiều nước trên thế giới đã làm, được quyết định danh mục dịch vụ y tế mua tại các cơ sở, tùy thuộc vào phạm vi hợp đồng KCB BHYT. Đồng thời, bổ sung quy định giao cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng, hưởng BHYT và thanh toán chi phí KCB theo chế độ BHYT. Điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giá thanh toán gắn với chất lượng và năng lực cung ứng của cơ sở KCB.

Theo ông Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, BHXH Việt Nam cần trở thành "bên mua" chiến lược của dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân trong hệ thống BHYT, qua đó bảo vệ tài chính cho người dân và giúp quỹ BHYT hạn chế tình trạng bội chi và lãng phí. "BHYT toàn dân là mục tiêu chung của bất kỳ hệ thống y tế nào trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, việc sửa đổi, hoàn thiện những cơ chế tài chính y tế đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong đó, BHYT toàn dân được xem là biện pháp hữu hiệu góp phần bảo đảm khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu và bảo vệ tài chính cho người dân" - đại diện WHO nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Y tế cho biết sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật BHYT theo 3 nguyên tắc cơ bản, bao gồm: Thể chế hóa toàn bộ quan điểm của Đảng và Nhà nước; bảo đảm tính ổn định và đồng bộ; bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên. Bên cạnh đó, nhiều chính sách lớn cũng được tập trung sửa đổi, bổ sung trong Luật BHYT (sửa đổi) lần này, đó là: Mở rộng đối tượng; mở rộng phạm vi quyền lợi hưởng cho người tham gia BHYT; đa dạng hóa loại hình cung ứng dịch vụ; bổ sung những vấn đề về cơ sở cung ứng hàng hóa; bổ sung phương thức thanh toán BHYT mới; nâng cao hiệu quả quản lý...

Nguồn NLĐ: https://thitruong.nld.com.vn//nhip-song/sua-doi-luat-bhyt-huong-den-phat-trien-ben-vung-20220428154145258.htm