Sửa đổi Luật các TCTD để tăng cường xử lý nợ xấu, phân quyền hiệu quả

Tiếp tục phiên họp thứ 44, ngày 24/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD. Việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD nhằm luật hóa các quy định hiệu quả từ Nghị quyết số 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu và phân cấp thẩm quyền quyết định các khoản vay đặc biệt.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Thống nhất với việc luật hóa các quy định từ Nghị quyết số 42

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thống nhất với việc luật hóa các quy định từ Nghị quyết số 42/2017/QH14 thay vì ban hành nghị quyết mới, bởi việc kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42 qua nhiều lần trình Quốc hội đã gây mất thời gian. Tuy nhiên, cần kế thừa các quy định hiệu quả của Nghị quyết 42 và khắc phục những hạn chế đã được tổng kết, để dự án luật lần này toàn diện hơn. Đồng thời, cần rà soát các luật liên quan, như luật về Tòa án, Viện kiểm sát để đảm bảo tính bao quát khi quy định về thu giữ tài sản, tránh trường hợp luật mới ban hành nhưng không giải quyết triệt để các vấn đề.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần xác định rõ phạm vi chính sách áp dụng cho các khoản vay đúng quy định, tránh tình trạng TCTD nới lỏng điều kiện cho vay dẫn đến rủi ro thanh khoản của ngân hàng. Quy định về thu giữ tài sản cần chặt chẽ, xác định rõ điều kiện thực hiện, vai trò, trách nhiệm, và cơ chế phối hợp giữa Ủy ban nhân dân cấp xã và công an cấp xã. Việc ủy quyền thu giữ tài sản nên giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, và xử lý sau thu giữ.

Về quy định không kê biên tài sản dùng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu, ông đề nghị cần đánh giá tác động đến quyền xử lý tài sản của cơ quan thi hành án dân sự, khả năng thi hành án của chủ tài sản, và quyền lợi các bên liên quan. Cần rà soát các trường hợp liên quan đến quyền lợi bên thứ ba, đảm bảo loại trừ các trường hợp vẫn phải áp dụng biện pháp kê biên.

“Dự án luật này rất phức tạp, nên cần tính toán kỹ các phương án cơ cấu lại tín dụng, đảm bảo thẩm quyền, quyền tài sản, quyền công dân và cơ sở chính trị”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật các TCTD với các nội dung chính. Thứ nhất, về cho vay không có tài sản bảo đảm và cho vay với lãi suất 0%, trước đây, thẩm quyền này thuộc Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, qua quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém, Chính phủ nhận thấy việc phân cấp là cần thiết để giảm bớt các cấp xét duyệt và sự tham gia của nhiều ngành, trong khi các vấn đề trọng yếu đã được Chính phủ phê chuẩn. Phân cấp cho Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp xử lý thông suốt, kịp thời, và giảm thủ tục hành chính.

Thứ hai, về thu giữ tài sản bảo đảm, Nghị quyết 42 đã được thực hiện và gia hạn hai lần, chứng minh tính đúng đắn và phù hợp với thực tiễn. Các quy định này bảo vệ quyền lợi của ngân hàng thương mại, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người vay. Trước đây, khi sửa Luật các TCTD, nội dung này từng được đưa vào nhưng sau đó bị loại bỏ vì Nghị quyết 42 vẫn còn hiệu lực. Khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, nợ xấu tại các TCTD tăng cao, đòi hỏi phải luật hóa các quy định này để đảm bảo công bằng và chặt chẽ về mặt pháp luật. Việc ban hành nghị quyết thí điểm lần thứ ba là không phù hợp, nên Chính phủ đề nghị đưa các nội dung này vào luật.

“Nguyên tắc cơ bản là người vay phải trả nợ, và nếu dùng tài sản thế chấp thì khi không trả được nợ, tài sản đó phải được thu giữ. Nếu không cho phép thu giữ, ngân hàng sẽ không dám cho vay, còn người vay lại thiếu động lực trả nợ. Các nội dung của Nghị quyết 42 đã được thực tiễn khẳng định, và Chính phủ cam kết ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết sau khi luật được thông qua, đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch, và ổn định tình hình”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng giải trình làm rõ ý kiến đại biểu quan tâm

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng giải trình làm rõ ý kiến đại biểu quan tâm

Phát biểu làm rõ câu hỏi của đại biểu quan tâm tại phiên họp về nội dung luật hóa một số quy định tại Nghị quyết 42, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương đã chỉ rõ những vấn đề thực tiễn được chứng minh đúng và có sự đồng nhất cao cần được luật hóa. Nghị quyết 42 đã thí điểm 7 năm, không phải chính sách đặc biệt mà là hoạt động thường xuyên của ngân hàng, vì nợ xấu là vấn đề liên tục trong hoạt động tín dụng. Việc luật hóa Nghị quyết 42 phù hợp với thực tiễn quốc tế, nơi quy định rõ rằng nếu không trả được nợ, tài sản bảo đảm phải được xử lý.

Về tính hợp hiến, hợp pháp của quy định thu giữ tài sản bảo đảm, Bộ Tư pháp đã thẩm định và xác nhận không trái Hiến pháp. Thu giữ tài sản không phải vô điều kiện hay đơn phương, mà dựa trên thỏa thuận giữa TCTD và khách hàng từ khi ký hợp đồng vay. Dự thảo quy định rõ điều kiện, trình tự, thủ tục thu giữ, nghiêm cấm áp dụng biện pháp vi phạm pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội. TCTD phải ban hành quy định nội bộ, và các cơ quan như chính quyền địa phương, công an sẽ giám sát để ngăn ngừa lạm dụng, đảm bảo trật tự và quyền lợi các bên…

Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật và tăng tính thuyết phục

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD. Ủy ban Kinh tế và Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan, đưa ra báo cáo thẩm tra sơ bộ công tâm, khách quan, thể hiện chính kiến rõ ràng. Hồ sơ dự án đáp ứng quy định pháp luật và đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình một kỳ họp, soạn thảo theo thủ tục rút gọn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với các chính sách Chính phủ đề xuất, nhưng đề nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định về hai nhóm chính sách: thứ nhất, quy định chuyển tiếp áp dụng lãi suất 0% cho các khoản vay đặc biệt trước và sau khi luật có hiệu lực; thứ hai, luật hóa ba chính sách từ Nghị quyết 42, bao gồm quyền thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản thi hành án, và hoàn trả tài sản là vật chứng hoặc tang vật trong vụ án hình sự và hành chính.

Để hoàn thiện dự thảo và tăng tính thuyết phục, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan phối hợp làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý, và thực tiễn của các chính sách, đánh giá vướng mắc trong xử lý nợ xấu kể từ khi Luật các TCTD 2024 có hiệu lực, phân tích nguyên nhân nợ xấu (khách quan và chủ quan), và tính cấp bách của việc luật hóa ba chính sách. Cần định lượng tác động của các chính sách này so với quy định hiện hành để thấy rõ mức độ cải thiện trong xử lý nợ xấu.

Bênh cạnh đó, đánh giá tác động toàn diện của các chính sách đối với các bên liên quan, đảm bảo quy định minh bạch, khách quan, nhân văn, khả thi, tránh hành chính hóa quan hệ dân sự, kinh tế. Rà soát phạm vi áp dụng để chỉ áp dụng cho khoản vay đúng quy định, tránh nới lỏng điều kiện cho vay và thẩm định tín dụng. Đánh giá tác động của việc phân cấp thẩm quyền cho NHNN đối với khoản vay đặc biệt lãi suất 0%, đề xuất giao Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí, điều kiện, và biện pháp kiểm soát để hạn chế rủi ro.

Rà soát quy định về điều kiện thu giữ tài sản bảo đảm, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân và công an cấp xã, cũng như ủy quyền và xử lý sau thu giữ, khắc phục vướng mắc từ Nghị quyết 42. Giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục thu giữ, đảm bảo công khai, minh bạch, và quyền lợi các bên. Đánh giá tác động của quy định không kê biên tài sản bảo đảm đối với quyền thi hành án, rà soát các trường hợp liên quan đến quyền lợi bên thứ ba, tránh lạm dụng hoặc gây khó khăn cho cơ quan thi hành án.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ đánh giá hệ quả pháp lý của quy định hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng hoặc tang vật, đảm bảo cơ chế xử lý khi tài sản được dùng cho nhiều nghĩa vụ hoặc nhiều bên nhận bảo đảm. Rà soát các trường hợp chuyển tiếp tại Điều 2, đánh giá tác động của việc điều chỉnh lãi suất 0% đối với TCTD đã được phê duyệt khoản vay đặc biệt, tránh khoảng trống hoặc xung đột pháp lý…

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/sua-doi-luat-cac-tctd-de-tang-cuong-xu-ly-no-xau-phan-quyen-hieu-qua-163315.html