Sửa đổi Luật Doanh nghiệp để phù hợp với thực tiễn mới
Quốc hội sáng 20/5 sẽ thảo luận ở hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Trước đó, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ và bày tỏ sự thống nhất cao với nhiều nội dung sửa đổi nhằm giảm thủ tục hành chính, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm sự đồng bộ với các luật liên quan; đồng thời, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Sáng 20/5, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ dành thời gian để thảo luận tại hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, nội dung đang được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng sẽ phát biểu, làm rõ thêm các ý kiến đại biểu nêu ra.
Trước đó, chiều 10/5/2025, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án luật này. Các đại biểu cơ bản thống nhất với đề xuất sửa đổi của Chính phủ. Nội dung sửa đổi được đánh giá là bám sát thực tiễn, tháo gỡ những vướng mắc tồn tại trong quá trình thi hành luật hiện hành.
Một trong những điểm sửa đổi đáng chú ý là việc bỏ quy định người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp phiếu lý lịch tư pháp và giấy tờ pháp lý cá nhân như căn cước công dân. Theo nhiều đại biểu, đây là bước cải cách quan trọng, góp phần giảm gánh nặng thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung được sửa đổi để đồng bộ với Luật Giao dịch điện tử, Luật Chứng khoán như việc thay đổi cách hiểu về cổ tức, cổ phần, vốn góp, hay bỏ quy định liên quan đến tài khoản đăng ký kinh doanh được tạo bởi hệ thống thông tin quốc gia.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường.
Về vấn đề thương mại hóa kết quả nghiên cứu, quy định mới cho phép viên chức đang công tác tại các cơ sở giáo dục đại học công lập được góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do trường mình thành lập. Các đại biểu đánh giá quy định này thể chế hóa nội dung tại Nghị quyết 193/2025/QH15, phù hợp với xu hướng đổi mới sáng tạo và phát triển mô hình đại học khởi nghiệp.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, một số ý kiến đề nghị cần rà soát kỹ để không mâu thuẫn với các quy định trong Luật Viên chức và Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Có ý kiến cho rằng nên dẫn chiếu sang luật chuyên ngành hoặc sửa đổi đồng thời Luật Viên chức để bảo đảm rõ ràng về quyền và nghĩa vụ khi viên chức tham gia hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, các đại biểu cũng bày tỏ quan điểm về quy định liên quan đến tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, như không hoạt động tại địa chỉ đăng ký. Trong bối cảnh chuyển đổi số, mô hình kinh doanh trực tuyến phát triển mạnh. Việc này cần được cân nhắc để tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm hiệu lực quản lý Nhà nước.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại diện các đoàn đại biểu Quốc hội khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp lần này là cần thiết để thích ứng với tình hình mới, đồng bộ với các luật liên quan, đồng thời tạo nền tảng pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp bền vững.
Sáng 20/5, Quốc hội cũng nghe tờ trình dự án và Báo cáo thẩm tra đối với Bộ luật Hình sự (sửa đổi), luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự, dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Buổi chiều, Quốc hội về tổ để thảo luận các nội dung Chính phủ trình buổi sáng.