SỬA ĐỔI LUẬT HỢP TÁC XÃ: RÀ SOÁT, THỂ CHẾ HÓA ĐẦY ĐỦ NỘI DUNG TẠI NGHỊ QUYẾT 20-NQ/TW VỀ ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ TẬP THỂ

Thảo luận phiên toàn thể tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các đại biểu đánh giá cao Báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội thông qua, nhiều ý kiến đề nghị, cần rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo thể chế hóa đầy đủ nội dung chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên thảo luận

Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-11/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 21 (tháng 3/2023) và các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (ngày 5/4/2023).

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về việc thể chế hóa nội dung 08 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, rà soát và chỉnh lý quy định về nguyên tắc, tiêu chí và nguồn vốn thực hiện chính sách, trong đó khẳng định một trong những nguyên tắc thực hiện chính sách là triển khai đồng bộ với Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước ở từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, bổ sung, điều chỉnh các nội dung về 08 chính sách từ 01 điều tại dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội thành 08 điều quy định riêng về nội dung từng chính sách, rà soát các quy định bảo đảm phù hợp và thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, nhất là hoàn thiện quy định các chính sách đất đai, tiếp cận vốn, bảo hiểm, thuế, phí và lệ phí… Bổ sung 01 điều (Điều 28) quy định về chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Bổ sung tại khoản 2 Điều 17 về việc Chính phủ quy định chi tiết nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện các chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX nhằm bảo đảm tính khả thi, đưa chính sách đi vào cuộc sống.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Góp ý tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, các đại biểu cũng đã tham gia nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm hoàn thiện dự án Luật về việc thể chế hóa nội dung 08 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW; về Liên đoàn HTX; về Tổ hợp tác; về tổ chức đại diện, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam; về thành viên HTX, liên hiệp HTX; về tổ chức quản trị HTX, liên hiệp HTX; về tài sản góp vốn; chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong HTX, liên hiệp HTX; về thành lập doanh nghiệp của HTX, liên hiệp HTX; …

Liên quan đến vấn đề thể chế hóa các chính sách phát triển hợp tác xã theo tinh thần Nghị quyết số 20 -NQ/TW, đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, tại dự thảo lần này đã có nhiều tiếp thu, chỉnh lý. Trong đó, dự thảo đã thiết kế quy định thêm một điều dành cho loại hình hợp tác xã nông nghiệp.

Nhấn mạnh đây là nội dung quan trọng, đại biểu đề nghị Điều 28 về chính sách đối với hợp tác xã nông nghiệp nên có quy định thêm cơ chế giúp cho hợp tác xã nông nghiệp tích tụ, tập trung đất đai để mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất, có chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã nông nghiệp trong việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến nông sản của bà con nông dân; Chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trong vấn đề xây dựng sản phẩm OCOP.

 Đại biểu Nguyễn Văn Thi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Đại biểu Nguyễn Văn Thi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Thi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đồng tình cao với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cụ thể hóa 8 điều quy định riêng về nội dung từng chính sách, rà soát các quy định bảo đảm phù hợp và thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhất là hoàn thiện các quy định, các chính sách về đất đai, tiếp cận vốn, bảo hiểm, thuế, phí và lệ phí, trong đó đã bổ sung một điều là Điều 28 quy định về chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, theo đại biểu còn một số chính sách đề nghị cần nghiên cứu bổ sung để hoàn thiện.

Đối với chính sách về đất đai, đại biểu cho biết, một trong những khó khăn rất lớn của các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay là việc tiếp cận đất đai. Do đó, dẫn đến tình trạng hiện nay nhiều hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp ở tình trạng không có đất để xây dựng trụ sở và các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh, không có tài sản đảm bảo tiền vay,... Do đó, ngoài chính sách ưu tiên, ưu đãi cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuê đất được quy định tại Điều 21, các chính sách hỗ trợ tập trung đất đai, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, đề nghị dự thảo luật cần bổ sung quy định về tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp được ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất xây dựng trụ sở làm việc và hạ tầng, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh như: Xây dựng nhà kho, nhà xưởng, cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến,...

Cũng theo đại biểu, ngoài chính sách hỗ trợ bảo hiểm được quy định tại khoản 2 Điều 23, hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 28, đề nghị nghiên cứu cần có chế độ ưu tiên hỗ trợ hoặc cơ chế khuyến khích để thành viên hợp tác xã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. “Người dân khi tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, ngoài việc họ được tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm thì vấn đề bảo hiểm xã hội, việc người lao động, nhất là lao động nông nghiệp có lương hưu khi hết tuổi lao động rất cần được quan tâm. Đây vừa là chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, vừa là động lực khuyến khích người dân tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội phát triển bền vững…”, đại biểu lý giải.

Cùng quan điểm, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, các chính sách khuyến khích của Nghị quyết 20/NQ-TW đã được quy định cụ thể hóa trong dự thảo luật lần này, cụ thể là tại Chương II về chính sách của nhà nước. Tuy nhiên vẫn cần rà soát kỹ lưỡng, cân nhắc bổ sung đảm bảo quy định đảm bảo tính khả thi.

Theo đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, tại Điều 18 quy định về tiêu chí thụ hưởng chính sách còn tương đối đơn giản, nêu các quy định rất chung chung. Vì vậy, đại biểu kiến nghị, để cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 20/NQ-TW theo hướng phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng; bảo đảm sự hài hòa trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp; gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm; ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, …. Đề nghị phải bổ sung thêm các tiêu chí như: các hợp tác xã phải sản xuất bền vững; không ô nhiễm môi trường; sản xuất nông sản sạch; sản phẩm nước lợ, nước mặn ứng với biến đổi khí hậu; sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; sử dụng môi trường số, môi trường công nghệ viễn thông để tăng trưởng, phát triển.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần quy định rõ cơ chế triển khai về chính sách hỗ trợ lương, thưởng và phúc lợi để thu hút người lao động có chất lượng cao, làm việc tại tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Vũ Thị Liên Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, Dự thảo luật đã thể chế hóa cơ bản đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng và 8 nhóm chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể nêu tại Nghị quyết số 20 ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, để dự thảo luật sửa đổi lần này thật sự đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cộng đồng kinh tế tập thể thì cần hoàn chỉnh thêm một số quy định về: địa vị pháp lý của tổ hợp tác; quy định về các chính sách hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên minh hợp tác xã;…

Cho rằng chính sách hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đại biểu tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị, quy định tiêu chí thụ hưởng chính sách của Nhà nước phải có tính đột phá, tạo động lực cho sự phát triển ở khu vực này, tránh gò bó, giới hạn số lượng,... “Cần có những chính sách mở để thu hút được những nhân tố mới, nguồn lực mới từ bên ngoài để đáp ứng được nhu cầu và sự thay đổi của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường luôn biến động…”, đại biểu Vũ Thị Liên Hương nêu quan điểm.

Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu rõ "xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai trong sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng dịch vụ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp quy mô lớn". Tuy nhiên, Điều 21 dự thảo Luật sửa đổi chỉ mới quy định về ưu tiên bố trí quỹ đất, thuê đất, miễn, giảm tiền thuê đất, được sử dụng đất ổn định, chưa thể chế hóa đầy đủ quan điểm về tích tụ đất đai. Khẳng định đây là vấn đề hết sức quan trọng đối với hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp quy mô lớn, đại biểu Vũ Thị Liên Hương đề nghị phải quy định rõ ràng, cụ thể hơn, thuận lợi hơn về tích tụ đất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Phát biểu giải trình làm rõ các ý kiến được nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Dự thảo Luật được xây dựng với tinh thần đổi mới toàn diện, tháo gỡ tối đa các rào cản tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, phát huy mô hình tốt đẹp của HTX, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng được các cơ chế chính sách phù hợp với đặc thù của mô hình kinh tế này đi vào cuộc sống hiệu quả thời gian tới. Qua đó, mang lại những thay đổi tích cực và tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ mô hình kinh tế tập thể trong thời gian tới.

“Đến nay, cả nước khoảng 29.000 HTX, tốc độ phát triển rất thấp so với phát triển doanh nghiệp cũng như mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Bên cạnh thông tin làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để nhanh chóng đưa chính sách của luật vào cuộc sống, cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị những nội dung nghị định, thời gian tới mong các đại biểu Quốc hội tiếp tục đồng hành để các văn bản quy phạm pháp luật này được chặt chẽ, khả thi. Về xây dựng chương trình tổng thể phát triển kinh tế tập thể và một số vấn đề khác, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai và sẽ có báo cáo với Quốc hội./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=76235