Sửa đổi Luật Thanh tra: Quy định rõ để tránh 'hiểu thế nào cũng đúng'

Chiều 8/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND; dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Thảo luận tại Tổ 13, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh bày tỏ đồng tình với sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh và hồ sơ dự án luật. "VKSND là một trong những cơ quan tiến hành tố tụng, có chức năng thực hành công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Do đó, việc thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của VKSND sẽ có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến nhiều cơ quan, đặc biệt là Cơ quan điều tra; Tòa án; Cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam; Cơ quan thi hành án hình sự...", đồng chí Thứ trưởng nhận định.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu, hoàn thiện tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong dự án luật cũng cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các dự án luật khác đang trong quá trình được Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua như tại Kỳ họp thứ 9 như: Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND...

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ thảo luận tại Tổ, chiều 8/5.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ thảo luận tại Tổ, chiều 8/5.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cũng đồng tình với sự cần thiết, về phạm vi, nội dung. Hiện nay, các dự án luật trong lĩnh vực tư pháp hình sự, như Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự... đang được các bộ, ngành trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và cũng dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 này. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tổ chức TAND cũng phải đảm bảo tính thống nhất với các dự án luật, làm sao không bị trùng lắp, chồng chéo.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ, Chính phủ đã trình UBTVQH cho ý kiến dự án Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), dự thảo luật lần này cũng đã đề cập tới đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đặc xá năm 2018. Qua rà soát, trong dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TAND cũng đề cập đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá. "Do đó, để đảm bảo tính thống nhất về nội dung của Luật Đặc xá, tôi đề nghị đưa các nội dung sửa đổi Luật đặc xá năm 2018 trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức TAND sang Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi). Các cơ quan của Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với TAND để tham mưu sửa đổi những vấn đề có liên quan đến Luật Đặc xá khi có yêu cầu".

Góp ý vào khoản 1, Điều 18 dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) về xây dựng, ban hành, định hướng chương trình, kế hoạch thanh tra, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị bổ sung định hướng chương trình thanh tra "cho năm sau". "Vì làm cho năm trước nhưng định hướng cho năm sau, mà thanh tra nhiều cấp, xây dựng cuối năm, phục vụ cho đầu năm. Nên chăng trong luật cần hạn chế tối đa việc suy diễn hoặc hiểu thế nào cũng đúng...", đồng chí Thứ trưởng lý giải.

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 13.

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 13.

Về khoản 2, đề nghị sửa việc xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra phải căn cứ vào định hướng chương trình thanh tra của Chính phủ đã được phê duyệt, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ đã được ban hành. Đối với quy định "Chậm nhất vào ngày 20/11 hàng năm, Chánh Thanh tra Bộ Công an, Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Chánh Thanh tra Cơ yếu, Chánh Thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế, Chánh Thanh tra tỉnh trình Thủ trưởng Cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp "xem xét, cho ý kiến đối với kế hoạch thanh tra", đồng chí Thứ trưởng đề nghị sửa thành "đề nghị xem xét, phê duyệt, định hướng chương trình, kế hoạch thanh tra năm sau"...

ĐBQH Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho rằng, Luật Thanh tra (sửa đổi) đã thu gọn hệ thống cơ quan thanh tra rất tối giản, là cuộc cách mạng rất lớn trong hệ thống thanh tra, hòa chung vào cuộc cách mạng tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, ông đề nghị làm sao bảo đảm vận hành bao quát, khi mà thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành không còn phân định.

"Khi không còn cơ quan thanh tra các bộ, ngành thì vai trò, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ rất lớn. Làm thế nào bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước hiệu quả? Chúng ta chuyển một phần hoạt động thanh tra sang cơ quan thanh tra, nhưng phần cơ bản còn lại là chuyển thành kiểm tra chuyên ngành. Cái quan trọng nhất ở đây là phân định rõ trách nhiệm giữa phạm vi thanh tra và kiểm tra chuyên ngành như thế nào? Nếu không phân định được sẽ không rõ trách nhiệm", ông nhấn mạnh.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm thanh tra toàn bộ đối với việc thực hiện, chấp hành chính sách pháp luật trong các lĩnh vực, ở các bộ, ngành không có thanh tra. Còn các bộ có trách nhiệm kiểm tra, bộ nào kiểm tra bộ đấy. "Thế nếu bây giờ xảy ra vi phạm ở các bộ, ngành thì trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ đến đâu? Trách nhiệm của các bộ, ngành đến đâu? Cần nghiên cứu, phân định rõ..."

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/sua-doi-luat-thanh-tra-quy-dinh-ro-de-tranh-hieu-the-nao-cung-dung-i767656/