Sửa đổi Luật Thủ đô: Yêu cầu cấp thiết để Hà Nội tăng tốc phát triển
Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua vào ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Sau 10 năm đi vào cuộc sống, việc thực thi các cơ chế đặc thù được luật quy định đã mang lại những kết quả tích cực trong xây dựng, phát triển Thủ đô.
Tuy nhiên, trước thực tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc, Bộ Tư pháp đang phối hợp với UBND TP Hà Nội nghiên cứu, tham mưu sửa đổi Luật Thủ đô phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của Hà Nội trong bối cảnh hiện nay.
Thiếu quy định về các cơ chế đặc thù
Theo các chuyên gia và dưới góc độ của các cơ quan quản lý, thực tế cho thấy có không ít vướng mắc mà Hà Nội không thể giải quyết do Luật Thủ đô hiện hành thiếu quy định về các cơ chế đặc thù. Sau khi Luật Thủ đô 2012 có hiệu lực thi hành, đã có nhiều đạo luật chuyên ngành được ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, trong đó có những nội dung khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề hoặc bãi bỏ quy định của Luật Thủ đô (Luật Cư trú đã bãi bỏ Khoản 3, Khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô 2012). Việc chưa có quy định về nguyên tắc áp dụng trong Luật Thủ đô đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thi hành luật. Nhiều vấn đề lớn do lịch sử để lại đến nay vẫn chưa có đủ điều kiện để giải quyết dứt điểm, như các lĩnh vực trường học, bệnh viện, trục đường giao thông, thoát nước, nhà tập thể, chung cư cũ, biệt thự cũ, nhà siêu mỏng, siêu méo, các dự án xây dựng cao tầng trong nội đô...
Cụ thể, công tác di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời của một số cơ quan, tổ chức chưa được thực hiện nghiêm theo Quyết định số 130/QÐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho Hà Nội để xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định tại Khoản 4, Ðiều 15 Luật Thủ đô. Ðến nay, mới có 2 cơ sở y tế đã di dời (gồm Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết Trung ương). Trong khi đó, theo Bộ Tài nguyên & Môi trường, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đã được phê duyệt trong quy hoạch trên địa bàn thành phố.
Liên quan lĩnh vực đô thị, việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa truyền thống tại khu vực nội đô lịch sử là vấn đề được đặt ra trong nhiều chính sách, giải pháp của chính quyền các cấp tại Thủ đô Hà Nội những năm qua nhưng kết quả chưa như mong đợi. Hiện nay, nguồn lực để cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử, bao gồm các khu phố cổ, khu phố cũ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc có giá trị khác, còn manh mún, chưa tập trung vì vướng những vấn đề về quy định pháp luật.
Một trong những nội dung cần cấp thiết sửa đổi, bổ sung và thể chế hóa là vấn đề quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp, bao gồm cả đất ven bãi sông. Theo nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Chinh, Hà Nội là đô thị đặc biệt, có đặc điểm về tự nhiên, kinh tế - xã hội mang tính đặc thù so với các đô thị lớn trong nước và thế giới.
Diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội hiện chiếm tới 70% tổng diện tích đất tự nhiên; tỷ lệ dân số nông thôn chiếm đến 1/2 tổng dân số. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Chinh đề xuất, cần phân định rõ đâu là không gian phát triển đô thị, nơi nào phát triển khu công nghiệp, khu vực nào dành cho dịch vụ, từ đó xác định khu vực phát triển nông nghiệp ổn định, lâu dài.
Trong khi đó, theo Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân, khó khăn rất lớn trong phát triển Thủ đô hiện nay chính là nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng. Nếu không có cơ chế vượt trội để thu hút các nguồn lực xã hội thì rất khó giải quyết vấn đề này.
Cần có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Hà Nội
Từ thực tế nêu trên, Hà Nội đề xuất việc sửa đổi toàn diện nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập của Luật Thủ đô; tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế bằng 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa vào dự thảo luật. Đây được kỳ vọng là những nội dung có thể tạo đột phá về thể chế, phát huy thế mạnh của Thủ đô.
Trên tinh thần đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng được ngay. Đặc biệt, dự thảo luật thể hiện tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo. Đồng thời quy định tương ứng cơ chế để nâng cao trách nhiệm cũng như kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền thành phố.
Ủng hộ ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, để đạt được các mục tiêu đề ra trong Dự thảo Luật, cần có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Hà Nội, toàn diện trên các mảng kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Duy Đông cũng đề nghị cần rà soát chi tiết, kỹ lưỡng các điều luật, cân nhắc thêm tính ổn định, lâu dài, chi tiết hóa tối đa các trình tự, thủ tục với các vấn đề liên quan đến tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; đầu tư theo phương thức đối tác công tư, cho phép mở rộng phạm vi áp dụng PPP; thẩm quyền đầu tư. Liên quan các vấn đề về thực hiện mô hình phát triển đô thị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Duy Đông đề nghị cân nhắc, xem xét kỹ dự án, mô hình TOD…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho rằng, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tiếp cận nhiều vấn đề hơn Luật hiện hành. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ các tồn tại, các vấn đề mà Luật cũ chưa làm được từ đó có cơ sở để quy định các nội dung mới, trong đó có vấn đề về thu hồi đất khi mở rộng đường. Các quy định của dự thảo luật cần rõ về nội hàm và nguyên tắc để dễ thực hiện.
Liên quan việc quản lý xây dựng và khai thác khoảng không, không gian ngầm, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, nếu chỉ giao cho HĐND như dự thảo Luật sẽ rất khó thực hiện. Theo đó, cần đánh giá tổng kết thực tiễn thi hành Nghị định số 39 để tổng hợp vướng mắc, từ đó cơ sở để xây dựng quy định phù hợp, khả thi. Đối với phát triển đô thị, Hà Nội cần tập trung 2 vấn đề là quy hoạch, cải tạo, tái thiết đô thị cũ và phát triển đô thị mới.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đề xuất, các chính sách, quy định liên quan tới nông nghiệp, nông thôn trong dự luật cần mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn, rõ ràng hơn để dễ làm hơn; đồng thời đề nghị nghiên cứu thêm việc hỗ trợ nguồn kinh phí cho các đơn vị của Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội trong thực hiện các hoạt động về nông nghiệp, nông thôn để phục vụ Hà Nội.
“Liên quan việc khai thác, phát huy giá trị hai bên bờ sông Hồng, đây là vấn đề lớn, cần thiết kế 1 Điều khoản riêng trên tinh thần đảm bảo an toàn tuyệt đối trong việc chống lũ cho cả hệ thống đê điều sông Hồng” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Sáng mai, 1/8, Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ diễn ra tại trường Đại học Luật Hà Nội. Hội thảo do Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội và trường Đại học Luật Hà Nội đồng tổ chức.
Hội thảo có sự tham dự của 350 đại biểu, bao gồm đại diện của Văn phòng Quốc hội, Ủy ban của Quốc hội và Hội đồng dân tộc, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu; Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành Trung ương; Hội đồng Lý luận Trung ương; thành viên Ban Soạn thảo Dự thảo Luật Thủ đô.
Đại biểu TP Hà Nội có sự tham dự của đại diện lãnh đạo: Thành ủy, HĐND, UBND TP; các ban Đảng của TP, các Ban của HĐND; Văn phòng (Thành ủy, HĐND và UBND); các sở, ngành, quận, huyện, thị ủy của TP.
Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia, đóng góp ý kiến của đội ngũ trí thức, nhà khoa học chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực đến từ hơn 80 trường đại học, cao đẳng, học viện và đại học trên địa bàn TP Hà Nội.
Hội thảo sẽ tập trung tham luận, góp ý cụ thể vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trên 9 nhóm chính sách lớn như: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thu hút, sử dụng nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô; phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông; xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, quản lý sử dụng đất đai; đào tạo giáo dục Thủ đô và phát triển văn hóa; huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.