Sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: có thể cân bằng giữa khuyến khích đầu tư và bảo đảm nguồn thu ngân sách?

Báo cáo về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đã làm rõ những thay đổi mang tính bước ngoặt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đồng thời bảo vệ quyền đánh thuế của quốc gia. Từ việc thu hẹp ưu đãi thuế đến chính sách ưu tiên nghiên cứu phát triển (R&D), dự thảo không chỉ phản ánh xu hướng cải cách thuế quốc tế mà còn đặt ra câu hỏi: Liệu Việt Nam có thể cân bằng giữa khuyến khích đầu tư và bảo đảm nguồn thu ngân sách?

Những thay đổi nổi bật có tạo được động lực đổi mới sáng tạo (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Những thay đổi nổi bật có tạo được động lực đổi mới sáng tạo (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Một trong những điểm nhấn quan trọng của Dự thảo nằm ở Điều 2, quy định về người nộp thuế. Trước đây, việc đánh thuế các tổ chức nước ngoài kinh doanh qua thương mại điện tử và nền tảng số tại Việt Nam còn lỏng lẻo, đặc biệt khi phân biệt giữa các doanh nghiệp có cơ sở thường trú và không có cơ sở thường trú. Tại dự thảo lần này, Ban soạn thảo đã thống nhất gộp các quy định này vào các khoản hiện hành (điểm b, c, d khoản 2), nhằm đảm bảo tính thống nhất và quyền đánh thuế của Việt Nam.

Cụ thể, nếu doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam, họ sẽ chịu thuế như các doanh nghiệp thông thường. Ngược lại, nếu không có cơ sở thường trú, thuế sẽ được áp dụng theo tỷ lệ trên doanh thu (điểm d). Đáng chú ý, khái niệm “cơ sở thường trú ảo” được giữ lại để áp dụng cho các quốc gia chưa ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam, dù chưa khả thi với các nước đã ký hiệp định. Điều này cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc bắt kịp xu hướng kinh doanh xuyên biên giới, đồng thời đặt nền móng cho các chính sách thuế linh hoạt hơn trong tương lai.

Về quy định thu nhập được miễn thuế (Điều 4 dự thảo) các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã yêu cầu rà soát quy định miễn thuế cho “thu nhập từ sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng”. Kết quả, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội thống nhất: chỉ miễn thuế cho các hoạt động sản xuất và chế biến, không áp dụng cho khâu thương mại.

Quy định này không chỉ nhằm tránh ưu đãi tràn lan mà còn phản ánh chiến lược khuyến khích phát triển nông nghiệp bền vững. Đối với doanh nghiệp, điều này có nghĩa là các công ty tập trung vào sản xuất nông sản, thủy sản sẽ được hưởng lợi lớn, trong khi các đơn vị thương mại cần điều chỉnh chiến lược để tối ưu hóa nghĩa vụ thuế. Đây là bước đi hợp lý, nhưng cũng đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp đa ngành trong việc phân định rõ ràng các khoản thu nhập.

Một thay đổi nhỏ nhưng thiết thực nằm ở Điều 5 dự thảo Luật quy định về kỳ tính thuế. Trước đây, mọi doanh nghiệp đều phải thông báo kỳ tính thuế với cơ quan thuế, gây phiền hà không cần thiết. Dự thảo mới quy định: doanh nghiệp áp dụng năm dương lịch không cần thông báo, chỉ những đơn vị chọn năm tài chính khác mới phải báo cáo. Đây là động thái cụ thể nhằm giảm gánh nặng hành chính, tạo thuận lợi cho phần lớn doanh nghiệp – vốn thường sử dụng năm dương lịch làm chuẩn. Dù không phải thay đổi lớn, nó thể hiện tinh thần cải cách thủ tục, một tín hiệu tích cực cho môi trường kinh doanh.

Điểm sáng đáng chú ý nhất nữa của Dự thảo nằm ở chính sách ưu đãi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Điều 9. Nếu thực hiện theo chủ trương tại Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá khoa học công nghệ, thì các ưu đãi thuế trong Nghị quyết 193/2025/QH15 còn “khiêm tốn” và thiếu đột ph, do đó, dự thảo bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp trừ 150% chi phí R&D khi tính thu nhập chịu thuế – một chính sách lấy cảm hứng từ các địa phương có cơ chế đặc thù và xu hướng quốc tế.

Chính phủ sẽ quy định chi tiết mức trừ bổ sung, điều kiện áp dụng, đảm bảo tính linh hoạt trong triển khai. Đây không chỉ là cú hích mạnh mẽ để doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới sáng tạo, mà còn là lời khẳng định Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Tuy nhiên, để chính sách này thực sự hiệu quả, việc giám sát và minh bạch trong hạch toán chi phí R&D sẽ là bài toán cần lời giải.

Liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, Dự thảo bổ sung quy định tại Điều 8 để tận dụng các điều khoản thuận lợi từ OECD và UN. Cụ thể, nếu các tổ chức này đưa ra quy định tăng quyền đánh thuế cho các nước nguồn như Việt Nam – đặc biệt trong kinh doanh xuyên quốc gia qua nền tảng số – Chính phủ sẽ có quy định chi tiết hóa trong văn bản dưới luật. Đây là bước đi chiến lược để bảo vệ nguồn thu ngân sách trước áp lực toàn cầu hóa, đồng thời đảm bảo Việt Nam không bị thiệt trong các giao dịch quốc tế.

Một vấn đề gây tranh luận là quy định tại Điều 7 Dự thảo về bù trừ lãi, lỗ từ hoạt động kinh doanh bất động sản. Dự thảo đề xuất cho phép bù trừ lãi từ chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ các hoạt động kinh doanh khác, thay vì tách riêng như hiện hành. Bộ Tài chính lập luận rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản đa ngành hóa, quy định này sẽ tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng thuế khi các hoạt động khác lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế từ bất động sản.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội lo ngại rủi ro lớn. Theo ước tính năm 2023, chính sách này có thể giảm thu ngân sách 1.350 tỷ đồng từ gần 400 doanh nghiệp, với tổng lỗ bù trừ khoảng 6.750 tỷ đồng. Quan trọng hơn, quy định này có thể bị lạm dụng để trốn thuế, như hạch toán lỗ có chủ đích từ các hoạt động ngắn hạn. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành – chỉ cho phép bù trừ lỗ từ bất động sản với lãi từ hoạt động khác, nhưng không ngược lại. Điểm chưa thống nhất này sẽ khiến Ban soạn thảo và các đại biểu Quốc hội còn tranh luận nhiều.

Về ưu đãi thuế (Điều 12-15), Dự thảo có những quy định thay đổi mang tính hệ thống. Thay vì dàn trải gần 100 nhóm ngành nghề như luật đầu tư và luật chuyên ngành hiện hành, dự thảo thu gọn còn 30 nhóm, đồng thời bổ sung nguyên tắc: nếu luật khác mâu thuẫn với Luật Thuế TNDN, thì ưu tiên áp dụng luật này. Đây là bước đi phù hợp với xu hướng cải cách thuế toàn cầu, chuyển từ miễn giảm thuế sang hỗ trợ chi phí, tạo môi trường đầu tư minh bạch hơn. Tuy nhiên, việc đồng bộ hóa với các luật chuyên ngành mới ban hành vẫn là bài toán cần tiếp tục giải quyết.

Quy định về ưu đãi cho đầu tư mở rộng (ĐTMR) tại Điều 14 cũng gây chú ý. Dự thảo yêu cầu hạch toán riêng thu nhập từ ĐTMR để được hưởng ưu đãi, ngay cả khi dự án ban đầu hết thời gian miễn giảm thuế. Một số ý kiến cho rằng điều này không tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thậm chí tạo kẽ hở để hạch toán sai lệch, giảm nghĩa vụ thuế. Dù vậy, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội vẫn giữ nguyên quy định, với chỉnh lý để rõ ràng hơn, nhằm khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Đây là vấn đề cần giám sát chặt chẽ để tránh lạm dụng.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/sua-doi-luat-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-co-the-can-bang-giua-khuyen-khich-dau-tu-va-bao-dam-nguon-thu-ngan-sach-161882.html