Sửa đổi Luật Việc làm: Cân nhắc khi quy định điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp

Sửa đổi Luật Việc làm là cơ hội để điều chỉnh các quy định về trợ cấp thất nghiệp sao cho thuận tiện, phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo quyền lợi đóng-hưởng của người lao động.

Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Trong bối cảnh thị trường lao động chịu sự tác động mạnh mẽ của chuyển đổi số, tình hình kinh tế của Việt Nam và thế giới… thì việc điều chỉnh các quy định về trợ cấp thất nghiệp trong Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được quan tâm hơn bao giờ hết.

Đơn phương chấm dứt hợp đồng không được trợ cấp thất nghiệp?

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật trừ các trường hợp: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định Bộ luật Lao động; Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức…

Đối với quy định không cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hoặc theo Luật Viên chức, nhiều ý kiến còn băn khoăn quy định này chưa tuân thủ quyền đóng-hưởng của người lao động.

Bà Nguyễn Minh Tâm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đánh giá việc quy định này nhằm tránh các trường hợp người lao động tự ý nghỉ việc mà không báo trước cho người sử dụng lao động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp khi chưa tìm được nhân sự thay thế hoặc thực hiện bàn giao công việc. Trong trường hợp này doanh nghiệp có quyền khởi kiện và người lao động có trách nhiệm bồi thường.

Bà Nguyễn Minh Tâm đề nghị cân nhắc lại việc không cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

“Người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động là mối quan hệ lao động, còn việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp là quyền lợi của người lao động có tham gia bảo hiểm thất nghiệp,” bà Tâm cho hay.

Theo Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, khi người lao động mất việc, không có việc làm bởi bất kỳ lý do gì dù là họ có đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì người lao động đương nhiên phải được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Người lao động không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp chỉ khi không tham gia hoặc không chấp hành đúng việc đóng, nộp bảo hiểm thất nghiệp, như vậy mới khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

 Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tránh thiệt thòi cho người lao động

Liên quan đến điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ ý kiến về việc xây dựng các quy định phải đảm bảo thuận lợi trong hưởng trợ cấp thất nghiệp, tránh để người lao động thiệt thòi.

Ông Đỗ Ngọc Thịnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đề nghị điều chỉnh điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng người lao động chỉ cần đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp, không bắt buộc phải đóng bảo hiểm vào tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo ông Thịnh, điều này sẽ tránh thiệt thòi cho người lao động khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm thất nghiệp, khiến người lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp.

Dẫn chứng từ thực tế một số doanh nghiệp đã khấu trừ tiền lương của lao động hằng tháng để đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nhưng doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ đóng dẫn đến tình trạng khi người lao động nghỉ việc không thể chốt bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nên không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, Ông Võ Mạnh Sơn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đề nghị bổ sung điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng gồm cả người sử dụng lao động đã thu tiền bảo hiểm thất nghiệp của người lao động (dù chưa đóng cho cơ quan bảo hiểm).

 Thu bảo hiểm thất nghiệp là trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội và xử lý hành vi trốn đóng, nợ đọng là của cơ quan quản lý Nhà nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thu bảo hiểm thất nghiệp là trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội và xử lý hành vi trốn đóng, nợ đọng là của cơ quan quản lý Nhà nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Sơn, trách nhiệm thu bảo hiểm thất nghiệp là trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội, xử lý hành vi trốn đóng, nợ đọng là của cơ quan quản lý Nhà nước. Nhưng khi cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan quản lý nhà nước không xử lý được hành vi vi phạm của doanh nghiệp lại không cho người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp là chưa đảm bảo sự công bằng đối với người lao động.

Cũng liên quan đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đại biểu quốc hội tỉnh Bình Dương đề nghị bỏ yêu cầu người lao động phải đến trực tiếp khai báo định kỳ về tình trạng tìm kiếm việc làm. Thay vào đó nên áp dụng hình thức khai báo trực tuyến qua cổng dịch vụ công, email, ứng dụng di động để phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, giảm gánh nặng hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người lao động./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/sua-doi-luat-viec-lam-can-nhac-khi-quy-dinh-dieu-kien-huong-tro-cap-that-nghiep-post1038908.vnp