Vụ sữa giả: Đã đến lúc thay đổi tư duy quản lý phân mảnh dựa trên hàm lượng sản phẩm

Hàng giả là một trong những vấn đề nhức nhối của toàn xã hội bởi nó gây tổn hại sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm giảm uy tín của nhà sản xuất chân chính, đồng thời gây ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa.

Vừa qua, Bộ Công an đã triệt phá thành công đường dây sản xuất sữa bột giả tại Hà Nội của công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group. Dư luận lại được một phen chấn động vì đường dây này sản xuất đến gần 600 loại sữa giả và đã đưa ra thị trường tiêu thụ suốt 4 năm qua.

Sau khi báo chí đưa tin, nhiều người dân hoang mang và giật mình thon thót vì không biết rằng đã có bao nhiêu người sử dụng những loại sữa giả này. Đáng nói, trong gần 600 loại sữa giả kể trên, có những sản phẩm sữa dành cho bà bầu, trẻ em sinh non, người già, người bệnh tiểu đường, suy thận - tức những người yếu thế, cần phải được chăm sóc đặc biệt từ cộng đồng và xã hội. Từ đây, những vấn đề pháp lý về sản xuất, buôn bán sữa giả lại được thảo luận một cách sôi nổi và đầy nghiêm túc.

 Một nhãn hiệu sữa bột giả trong vụ sữa giả mà cơ quan chức năng vừa triệt phá. Ảnh VTV

Một nhãn hiệu sữa bột giả trong vụ sữa giả mà cơ quan chức năng vừa triệt phá. Ảnh VTV

Cần trả lời cho câu hỏi "Trách nhiệm thuộc về ai"?

Trước hết, việc quản lý mặt hàng sữa đang có sự giao thoa giữa nhiều bộ như Bộ Y tế, Bộ Công thương… Theo Nghị định 15/2018 (Phụ lục IV) thì Bộ Công Thương có thẩm quyền quản lý sữa chế biến, bao gồm sữa dạng lỏng, sữa được thanh trùng, tiệt trùng, lên men, dạng đặc, dạng bột… Còn với tính chất là cơ quan quản lý chuyên ngành về khám bệnh, chữa bệnh, thuốc chữa trị, dược phẩm thì Bộ Y tế lại được trao thẩm quyền quản lý các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt. Điều này cũng được khẳng định cụ thể tại Phụ lục II Nghị định 15/2018.

Tuy nhiên, việc phân mảnh các mặt hàng, sản phẩm để quản lý như trên không tránh khỏi những hạn chế, bất cập. Các cơ quan nhà nước có thể quản lý mặt hàng, sản phẩm theo sự phân chia chức năng nhưng thị trường là một thể thống nhất và sản phẩm được bày bán trên thị trường thì không có dấu chỉ đặc định thuộc quyền quản lý đặc thù của cơ quan nào.

Chính vì vậy, khi cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người tiêu dùng sẽ không biết đầu mối giải quyết ở đâu và ai là người có thẩm quyền giải quyết cụ thể. Chuyện “một cái bánh bao mà ba ngành quản lý” (phần thịt do ngành nông nghiệp quản lý, tinh bột thuộc ngành công thương, phụ gia thực phẩm do ngành y tế quản lý) với hệ lụy “cha chung không ai khóc” đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết thực sự hiệu quả.

Tiếp theo, vấn đề phát hiện và xử lý vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán sữa giả còn nhiều vướng mắc. Với trách nhiệm quản lý đã được phân định, Bộ Công thương cho rằng sữa giả có bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng thì không thuộc đối tượng quản lý của bộ mình. Do đó, trách nhiệm không thuộc về Bộ Công thương mà phải thuộc về Bộ Y tế. Tuy nhiên, Bộ Y tế lại cho rằng việc quản lý các loại sữa này đã phân cấp và giao phần lớn về cho địa phương nên trách nhiệm không đương nhiên thuộc về Bộ Y tế.

Với số lợi bất chính thu được lên đến hơn 500 tỉ đồng, vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán sữa giả của công ty Rance Pharma và công ty Hacofood Group được xác định là đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, bên cạnh trách nhiệm pháp lý mà cá nhân, tổ chức sản xuất, buôn bán sữa giả phải gánh chịu, chắc chắn, trách nhiệm công vụ trong hoạt động quản lý nhà nước đối với mặt hàng này cần được trả lời thỏa đáng.

Theo Điều 7 Pháp lệnh Quản lý thị trường 2016 thì lực lượng quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trên cơ sở đó, ngày 10-8-2018, Thủ tướng ban hành Quyết định số 34 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công thương. Theo quyết định này thì Tổng cục Quản lý thị trường ở trung ương được tổ chức tinh gọn trên cơ sở nâng cấp, kiện toàn từ Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương. Tại địa phương, thành lập Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường. Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh có các Đội quản lý thị trường thực hiện chức năng phát hiện, xử lý các vi phạm liên qua đến sản xuất, buôn bán hàng giả tại các địa bàn cụ thể.

Đến ngày 1-3-2025, thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy nhà nước, Tổng cục Quản lý thị trường đã chính thức kết thúc hoạt động. Thay vào đó, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương). Theo Nghị định 40/2025 thì Cục này tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Quản lý thị trường và vẫn giữ vai trò chủ đạo trong công tác phòng, chống sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu.

Là một mặt hàng đã đến tay người tiêu dùng, đương nhiên sữa giả với số lượng khủng lên đến 600 loại cũng thuộc thẩm quyền phát hiện và xử lý của lực lượng quản lý thị trường. Do đó, việc để 600 loại sữa giả này tác oai tác quái trên thị trường suốt 4 năm qua không thể không có trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường, dẫu biết rằng đây không phải là cơ quan duy nhất có trách nhiệm phát hiện và xử lý các vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả.

Người dân vẫn mong chờ một câu trả lời thỏa đáng chứ không phải câu hỏi chưa có lời đáp “trách nhiệm thuộc về ai?” mà Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đặt ra trong Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam sáng ngày 17-4.

"Kẽ hở" trong việc ký hợp đồng đại diện thương hiệu với KOL

Cuối cùng, việc buôn bán hàng giả không thể được thực hiện một cách trơn tru, thu lợi bất chính lớn như vậy nếu thiếu sự hà hơi tiếp sức của những người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên, KOL... Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sử dụng hợp đồng thuê hình ảnh của những KOL làm đại diện thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp của mình. Khi đó, các KOL sẽ thực hiện hoạt động quảng bá sản phẩm với tư cách là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (không phải người quảng cáo). Bất cập phát sinh là Nghị định 38/2021 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 129/2021) chỉ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người quảng cáo.

Trong khi đó, với các loại hàng hóa, thực tế là có khá nhiều người nổi tiếng tham gia “quảng cáo” dưới danh nghĩa người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Trong nhiều trường hợp, vì muốn thu hút khách hàng, doanh nghiệp và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo sẵn sàng quảng cáo sản phẩm một cách “bất chấp”, với công dụng được “thổi phồng”. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hiện nay pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính vẫn chưa quy định bất cứ chế tài nào đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Bất cập này trở thành một “kẽ hở” của pháp luật, dễ dẫn đến tình trạng “loạn quảng cáo” mà những vụ việc liên quan đến thuốc giả, thực phẩm giả, sữa giả trong thời gian qua là một minh chứng hùng hồn.

Dưới góc độ đạo lý, sản xuất, buôn bán thực phẩm giả, thuốc giả là những hành vi táng tận lương tâm, khó có thể thứ tha. Hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà có khi là cả tính mạng con người. Do đó, việc tiếp tục duy trì các hình phạt nghiêm khắc như chung thân, tử hình đối với các tội phạm này là một điều cần được cân nhắc.

Bên cạnh đó, thị trường thực phẩm chức năng càng lớn thì luật chơi càng phải rõ ràng. Các quy định liên quan đến sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng cần phải được kết hợp hài hòa giữa tiền kiểm và hậu kiểm.

Đã đến lúc cần một chiến lược tổng thể với những điều chỉnh pháp lý rõ ràng về thực phẩm chức năng. Theo đó, các thực phẩm này cần được kiểm nghiệm thành phần rõ ràng, công bố tác dụng dựa trên bằng chứng khoa học và người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin một cách tường tận thông qua cách quét mã QR.

Ngoài ra, tư duy quản lý phân mảnh dựa trên hàm lượng sản phẩm cần được loại bỏ để nhường chỗ cho một đầu mối quản lý thống nhất (như mô hình Sở An toàn thực phẩm của TP.HCM). Trong tương quan ấy, vấn đề cấp phép quảng cáo sản phẩm cho các KOL cần được tính tới. Đi cùng với đó là hoàn thiện các quy định liên quan đến truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với những người nổi tiếng chuyển tải sản phẩm quảng cáo sai sự thật.

TS CAO VŨ MINH, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-sua-gia-da-den-luc-thay-doi-tu-duy-quan-ly-phan-manh-dua-tren-ham-luong-san-pham-post845533.html