Sửa luật có giảm được đầu cơ, bong bóng bất động sản không?
Đó là câu hỏi của đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau). Ông băn khoăn: Việc sửa luật lần này có giảm được đầu cơ bất động sản, bong bóng bất động sản, để tạo nguồn lực cho sản xuất hay không? Ban soạn thảo cần có đánh giá cụ thể về vấn đề này nhằm tránh hệ quả tăng trưởng dựa vào bất động sản.
Nhà nước không nên thu hồi đất đối với dự án thương mại
Tại hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách sáng 7.4, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) quan tâm đến vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ mục đích quốc phòng - an ninh, vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Đại biểu Hòa cho rằng đây là vấn đề cần thiết nhưng đề nghị cần tách bạch rõ ràng việc thu hồi đất phục vụ quốc phòng - an ninh, phục vụ an sinh xã hội, công cộng với thu hồi đất các dự án thương mại, khu đô thị mới. Với các dự án này, nhà đầu tư phải có sự thỏa thuận với người dân sao cho phù hợp. Nhà nước không nên thu hồi đất với các dự án nhà ở thương mại; đồng thời cần có quy định cụ thể để xác định các trường hợp thu hồi đất sao cho rõ ràng.
Về thẩm quyền thu hồi đất, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đề nghị quy định theo hướng: Thủ tướng Chính phủ quyết định thu hồi đất quốc phòng, an ninh để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên cơ sở đề nghị của UBND cấp tỉnh và văn bản chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.
Theo đại biểu Cường, quy định như vậy sẽ đảm bảo tính đồng bộ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, đơn giản hóa việc tổ chức thực hiện.
Thế nào là “đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn” sau thu hồi đất?
Về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị quy định về tái định cư cần làm rõ hơn là Nhà nước hỗ trợ tái định cư cần có chỗ ở tốt hơn nơi ở cũ, tuy nhiên đại biểu băn khoăn quy định như dự thảo thì “tốt hơn là như thế nào?” thì chưa rõ ràng.
Ông Hòa cho rằng nơi tái định cư phải bảo đảm như trong quy định, hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đồng bộ theo quy hoạch chi tiết và có cấp thẩm quyền phê duyệt, quy định như vậy sẽ phù hợp.
“Đặc biệt, người tái định cư được quyền chọn chỗ ở trong cùng một địa bàn, cấp quận, cấp huyện hoặc cấp tỉnh để người dân có nhu cầu thiết thực. Đề nghị trước khi có quyết định phê duyệt thu hồi đất thì cần có khu tái định cư trước để người dân ổn định nơi ở”, ông Hòa nói.
Đại biểu Trần Chí Cường đặt câu hỏi: Thế nào là “đảm bảo cuộc sống người dân bằng hoặc tốt hơn” sau khi bồi thường thu hồi đất?
Ông Cường cho rằng Nhà nước cần xem xét hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất để tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất.
“Để chủ trương trên thực sự hiệu quả khi đi vào cuộc sống, hạn chế thấp nhất việc phát sinh những khó khăn, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể khác đảm bảo định lượng rõ hơn yếu tố “đảm bảo cuộc sống người dân bằng hoặc tốt hơn” sau khi bồi thường thu hồi đất”, ông Cường nói.
Sửa luật có ngăn được bong bóng bất động sản?
Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) băn khoăn: Hiện nay khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai gửi đến Ban Dân nguyện của Quốc hội chiếm đến 70%, vậy sau khi sửa luật lần này, ban soạn thảo đánh giá có thể giảm được tình trạng khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai ở mức nào?
Đại biểu của Cà Mau cho rằng một số quy định hiện tại của dự thảo luật có thể gây ra cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc thực thi sẽ rất khác nhau và tăng nguy cơ khiếu kiện. Ví dụ như quy định về phân loại đất và quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điều 10 của dự thảo luật phân ra rất nhiều loại đất nhưng điều 117 chỉ có một số ít phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Ngoài ra, đại biểu Đinh Ngọc Minh nêu hiện nay ở nước ta đang có khoảng 8 triệu ngôi nhà chưa được bán, chưa kể các ngôi nhà đã bán nhưng không có người ở. Đại biểu đặt câu hỏi, liệu việc sửa luật lần này có giảm được tình trạng đầu cơ bất động sản, bong bóng bất động sản, để tạo nguồn lực cho sản xuất hay không? Đại biểu Minh đề nghị ban soạn thảo cần có đánh giá cụ thể về vấn đề này nhằm tránh hệ quả tăng trưởng dựa vào bất động sản.
Ngoài ra, đại biểu Minh nhấn mạnh liệu việc sửa đổi luật lần này có tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai để mở các công xưởng, nhà máy nhằm tận dụng được cơ hội, phát triển kinh doanh hay không?
Đề nghị thu hồi đất do vi phạm luật về môi trường
Đề nghị bổ sung quy định thu hồi đất do vi phạm pháp luật về môi trường, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho biết trong dự thảo luật có 22 điều khoản quy định nội dung liên quan đến môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu thế. Tuy nhiên, cần phải bổ sung thêm quy định liên quan đến môi trường cho một số nội dung quan trọng.
Theo đó, tại các điều 174, 175, 176 và 178, đại biểu Tuấn Anh đề nghị rà soát, xem xét lại quy định liên quan đến bảo vệ môi trường trong các trường hợp sử dụng đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp để ngăn chặn việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học làm ô nhiễm, suy thoái đất trong thời gian qua. Đối với đất chưa sử dụng, đề nghị cần có thêm quy định duy trì bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên nhằm bảo đảm chất lượng đất không bị suy giảm.
Ngoài ra, đối với quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, đại biểu Tuấn Anh chỉ ra rằng dự thảo luật chưa có quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về môi trường. Do đó đề nghị rà soát, bổ sung quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về môi trường nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu bảo vệ môi trường hiện nay.
Về quan hệ giữa giá đất và chất lượng môi trường, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhận thấy, giá đất chịu sự phân phối rất lớn về chất lượng môi trường. Quan hệ này có thể được hiểu, nếu chất lượng môi trường tốt thì giá đất cao và ngược lại. Trên cơ sở đó, đại biểu Tuấn Anh đề nghị nghiên cứu quy định nội dung này trong điểm d, khoản 2, điều 154 của dự thảo luật.