Sửa Luật Công chứng: Nên giữ thủ tục công chứng khai nhận di sản thừa kế

Theo TS.CCV Ninh Thị Hiền, cần giữ thủ tục 'khai nhận di sản' để đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân cũng như tạo ra sự đồng bộ, thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật.

Chiều 25-10 vừa qua, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), đồng thời các đại biểu đã thảo luận ở hội trường.

Tại dự thảo trình Quốc hội mới nhất, quy định về thủ tục công chứng khai nhận di sản đã được bỏ. Điều này nhận được các luồng ý kiến khác nhau - theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Pháp luật TP.HCM giới thiệu ý kiến của TS.CCV Ninh Thị Hiền, Trưởng Văn phòng Công chứng Ninh Thị Hiền, về đề xuất trên của dự luật:

 Người dân đang thực hiện các thủ tục tại văn phòng công chứng. Ảnh: NGUYỄN QUÝ

Người dân đang thực hiện các thủ tục tại văn phòng công chứng. Ảnh: NGUYỄN QUÝ

Hiện nay, Điều 57 Luật Công chứng năm 2014 có quy định về thủ tục “Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản” và Điều 58 quy định về thủ tục “Công chứng văn bản khai nhận di sản”.

Cả hai thủ tục này cung cấp tính minh bạch về thủ tục cho người dân khi thực hiện quyền hưởng di sản thừa kế được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, ngoài ra còn có Luật Đất đai là một trong các Luật chuyên ngành quy định về nhận thừa kế và phân chia thừa kế được áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau.

Do đó, việc bỏ thủ tục công chứng khai nhận di sản trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ không đáp ứng được thủ tục cho nội dung nhận di sản của Luật Đất đai là một bất cập lớn.

Luật Đất đai phân biệt giữa “nhận thừa kế” và “phân chia thừa kế”

Thứ nhất, khoản 4 Điều 44 Luật Đất đai 2024 quy định trường hợp trong số những người nhận thừa kế có người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất (QSDĐ) ở tại Việt Nam còn những người khác thuộc diện được nhận thừa kế QSDĐ mà chưa phân chia thừa kế QSDĐ cho từng người nhận thừa kế thì những người nhận thừa kế hoặc người đại diện theo ủy quyền bằng văn bản nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại tổ chức đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính.

Sau khi giải quyết xong việc phân chia thừa kế thì cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (giấy chứng nhận) cho người thuộc đối tượng được cấp sổ; đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì phần thừa kế được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Đất đai.

Như vậy, Luật Đất đai có sự phân biệt giữa “nhận thừa kế” và “phân chia thừa kế”, do đó, cần có hai thủ tục để thực hiện hai nội dung này.

Thứ hai, QSDĐ và tài sản gắn liền với đất là một sản phẩm, hàng hóa đặc biệt, người sử dụng đất chỉ được thực hiện quyền giao dịch khi đáp ứng một số điều kiện luật định.

Trong quá trình này, người sử dụng đất có thể chết khi chưa được cấp giấy chứng nhận; QSDĐ bị ghi nợ nghĩa vụ tài chính; QSDĐ đang bị kê biên, đang bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc QSDĐ hết thời hạn sử dụng... lúc này cần phải thực hiện thủ tục “công chứng khai nhận di sản” trước khi người thừa kế thực hiện quyền đối với di sản thừa kế.

Do đó, khoản 4 Điều 45 Luật Đất đai năm 2024 quy định: Trường hợp nhận thừa kế QSDĐ thì người nhận thừa kế được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận…

Bên cạnh đó, khoản 11 Điều 18 Nghị định 101/2024/NĐ-CP về ghi nợ quyền sử dụng đất quy định: Người nhận thừa kế theo quy định của pháp luật có nhu cầu ghi nợ thì được tiếp tục ghi nợ; người thừa kế được thực hiện quyền khi đáp ứng Khoản 5 Điều 45 Luật Đất đai năm 2024, nghĩa là phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền.

Đáp ứng nhu cầu của người thừa kế

Thứ ba, Nghị định 123/2024 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định: Hành vi thừa kế QSDĐ không đủ một trong các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai (Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển) thì bị xử phạt vi phạm hành chính.

Do đó, cần thủ tục “công chứng văn bản khai nhận di sản” để người thừa kế thực hiện các điều kiện để QSDĐ đáp ứng điều kiện tham gia giao dịch trước khi thực hiện “công chứng văn bản phân chia di sản”.

Thứ tư, cần có thủ tục “công chứng văn bản khai nhận di sản” nhằm đảm bảo nội dung việc nhận di sản với mục đích khẳng định tài sản có người nhận thừa kế và không thuộc về nhà nước. Việc nhận thừa kế nhằm xác lập quyền hưởng di sản của người thừa kế trước khi người thừa kế thực hiện các giao dịch khác liên quan đến di sản thừa kế.

Thứ năm, thực tiễn cho thấy, có những trường hợp sau khi thực hiện thủ tục “công chứng khai nhận di sản” những người thừa kế tự phân chia di sản.

Do đó, trong thời gian vừa qua Điều 58 Luật công chứng năm 2014 quy định về thủ tục “công chứng văn bản khai nhận di sản” đã tạo ra sự ổn định trong hoạt động công chứng và dần đưa thủ tục “công chứng khai nhận di sản” đáp ứng nhu cầu của Luật chuyên ngành là Luật Đất đai suốt trong thời gian vừa qua.

Nếu bỏ thủ tục “công chứng văn bản khai nhận di sản” thì những trường hợp “nhận di sản” quy định trong Luật Đất đai sẽ không có cơ quan nào thực hiện, lúc này người dân sẽ tự khai và tự chịu trách nhiệm về những tuyên bố, lời khai về người thừa kế cho các trường hợp nhận thừa kế. Việc này thể hiện sự văn minh, tuy nhiên trong thời điểm hiện nay việc bỏ thủ tục “công chứng văn bản khai nhận di sản” trong dự thảo luật Công chứng (sửa đổi) là chưa phù hợp.

Lý do là hiện nay, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hộ tịch … chưa đồng bộ và ý thức tự giác của người dân chưa được kiểm soát có thể dẫn đến tình trạng bỏ sót thừa kế như thực tiễn đã chứng minh giai đoạn cho người dân tự khai nhận thừa kế bằng tờ khai lệ phí trước bạ trước đây.

Từ khi Luật Công chứng quy định thủ tục “công chứng khai nhận di sản” thì hoạt động này đã phần nào bảo đảm ổn định trật tự xã hội, hạn chế tranh chấp về thừa kế khi người sử dụng đất thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu cũng như đăng ký biến động.

Bộ luật Dân sự là luật chung chỉ quy định thủ tục “Phân chia di sản” còn Luật Đất đai là luật chuyên ngành, do đó trong trường hợp Luật chuyên ngành được chọn ưu tiên áp dụng mà luật chung chưa quy định thì Luật Công chứng cần phải quy định thủ tục “khai nhận di sản” để đáp ứng nhu cầu cần một thủ tục công khai, minh bạch cho luật chuyên ngành là phù hợp.

Từ những lý do trên, việc giữ nguyên thủ tục “khai nhận di sản” trong Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) hoặc sửa Điều 56 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) từ “Công chứng văn bản phân chia di sản” thành “Công chứng văn bản khai nhận, phân chia di sản” là cần thiết, để đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân cũng như tạo ra sự đồng bộ, thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật.

TS.CCV NINH THỊ HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/sua-luat-cong-chung-nen-giu-thu-tuc-cong-chung-khai-nhan-di-san-thua-ke-post816591.html