Sửa Luật Đất đai: Nguyện vọng của dân muốn giá bồi thường sát thực tế
Người dân tại TP.HCM mong muốn được bồi thường một mức giá hợp lý và sát thực tế khi thu hồi đất.
Sáng 24-2, tại trụ sở đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM, ông Nguyễn Đức Hải, Phó chủ tịch Quốc hội đã nghe báo cáo về tình hình lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại TP.HCM.
Tại buổi làm việc, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cùng nhiều đơn vị khác đã nêu ra những vấn đề trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được người dân TP.HCM quan tâm đóng góp ý kiến.
Nổi lên trong số đó là các vấn đề về giải quyết bồi thường, giải phóng mặt bằng; xác định giá đất bồi thường và giải quyết tranh chấp đất đai.
Không dễ bố trí tái định cư trước khi thu hồi
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết Luật Đất đai đang bộc lộ nhiều điểm bất cập như quy định về kế hoạch sử dụng đất hằng năm, pháp luật đất đai hiện nay quy định khi sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm ở địa phương.
Tuy nhiên, trên thực tế tính khả thi của quy định này không cao vì tại TP.HCM hầu như kế hoạch sử dụng đất hằng năm không được ban hành vào đầu năm, thậm chí là tới giữa năm mới ban hành. Sở dĩ có việc chậm trễ như vậy là do quy trình lập kế hoạch hiện nay kéo dài, tốn nhiều thời gian. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất.
Cũng theo ông Bảy, vấn đề tiếp theo mà người dân quan tâm là thu hồi đất và bố trí tái định cư. Theo đó, pháp luật hiện nay quy định việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xong bố trí tái định cư cho người dân.
Tuy nhiên, trên thực tế rất khó thực hiện và không khả thi bởi vì hiện nay quỹ đất không còn nhiều, muốn có quỹ đất để làm chỗ tái định cư thì lại phải đi thu hồi đất. Thậm chí, phải dành một phần đất làm dự án để bố trí tái định cư và để làm được thì vẫn phải đi thu hồi trước. Do vậy mà trên thực tế rất khó thực hiện.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, để triển khai xây dựng một dự án tái định cư hiện nay là không dễ và rất mất thời gian vì liên quan đến Luật Đầu tư công. Ngoài ra còn liên quan đến vấn đề xác định giá đất dẫn đến việc bố trí tái định cư cho người dân bị kéo dài, ảnh hưởng đến việc thu hồi đất để làm dự án.
Người dân mong muốn giá bồi thường sát giá thực tế
Cũng theo Phó Giám đốc Sở TN&MT, một vấn đề người dân cũng đang rất quan tâm là giá bồi thường khi thu hồi đất. Người dân mong muốn giá bồi thường phải sát với thực tế và thỏa đáng.
Ông Bảy lấy ví dụ có hai hộ dân cạnh nhau trong một dự án phải thu hồi đất. Tuy nhiên đến khi bồi thường lại bồi thường cho một hộ cao hơn (vì là đất ở). Trong khi đó hộ dân kia đang là đất nông nghiệp muốn xin chuyển mục đích sang đất ở không được vì vướng quy hoạch dự án, đến khi bồi thường lại được bồi thường rất thấp mặc dù có cùng vị trí. Điều này dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.
"Tại dự án vành đai ba, ở gói số một các cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 30ha rất nhanh, người dân rất phấn khởi. Mấu chốt nằm ở chỗ tính giá bồi thường hợp lý cho người dân"- ông Bảy dẫn chứng.
Còn Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết hiện nay nguyên tắc bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân là phải bằng hoặc tốt hơn. Tuy nhiên, trên thực tế việc này rất khó thực hiện. Ví dụ khi thực hiện bồi thường cho người dân nếu giá đất trên thị trường tăng lên thì người dân lại cho rằng mức đền bù là quá thấp (không tốt hơn), từ đó phát sinh khiếu nại kéo dài vì cho rằng vi phạm nguyên tắc.
Ông Thảo cũng cho biết thêm, trên thực tế TP.HCM cũng đã xây dựng rất nhiều khu tái định cư, khu chung cư như nhưng người dân lại không về đây sinh sống vì cho rằng mức bồi thường, nơi ở mới thấp hơn cái mà người dân đang có khi chưa thực hiện dự án.