Sửa Luật Đất đai: Triệt tiêu sách nhiễu, tiêu cực
Ngày 30-8, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo quốc gia, chủ đề Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Đất đai.
Theo ban tổ chức, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW/2012 và Luật Đất đai năm 2013, dù đạt được những kết quả quan trọng song đã nổi lên nhiều tồn tại, bất cập, nhất là việc quản lý và sử dụng đất đai chưa theo kịp tiến trình phát triển của thực tiễn.
TS Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ TN-MT, nhìn nhận một trong những nguyên nhân khiến việc thực hiện Luật Đất đai đã và đang gặp rất nhiều khó khăn là do sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa hệ thống pháp luật liên quan. "Qua rà soát, chúng tôi thống kê có tới 122 luật liên quan đến đất đai. Cùng một mảnh đất mà chồng chéo rất nhiều luật nên rất khó quản lý. Có tình trạng địa phương áp dụng Luật Đất đai thì vướng Luật Đầu tư, Luật Nhà ở và ngược lại" - ông Phấn chỉ rõ.
Đề cập tình trạng cán bộ công chức sách nhiễu và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện thủ tục về đất đai, ông Mai Văn Phấn cho biết nội dung sửa đổi Luật Đất đai sẽ hướng đến đẩy mạnh cải cách hành chính, qua đó triệt tiêu dần hiện tượng tiêu cực. Cụ thể, sẽ chuyển từ hình thức quản lý bằng giấy tờ, văn bản sang giám sát bằng công nghệ để bảo đảm công khai, minh bạch. Để làm được, cần gấp rút xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai.
GS-TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - đánh giá việc bãi bỏ khung giá đất, xây dựng bảng giá đất sát giá thị trường là "cuộc cách mạng" về tư duy quản lý. Theo ông, cần quyết tâm chính trị cao để có thể xóa bỏ cơ chế xin - cho, các yếu tố mang tính cá nhân bởi điều này động chạm đến lợi ích cá nhân của nhiều đối tượng. Ông khuyến nghị cần phân định giá cả thị trường và giá trị thị trường của đất đai. Cụ thể, lập bảng giá đất phù hợp với giá trị thị trường và cập nhật biến động hằng năm, công bố giá hằng năm nhưng ổn định giá thu 5 năm/lần.
Liên quan chống đầu cơ và điều tiết giá trị gia tăng từ đất, GS-TS Hoàng Văn Cường đề xuất đối với đất riêng lẻ, cần đánh thuế lũy tiến trên phần diện tích hoặc giá trị đất chiếm giữ vượt mức bình quân chung. Nếu nợ thuế vượt 50% giá trị thửa đất thì thu hồi đất do vi phạm về nghĩa vụ tài chính đất đai...