Sửa Luật Điện lực: Tăng minh bạch, hướng tới xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh

Chiều 19-8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài nhấn mạnh đến yêu cầu cấp thiết cần hoàn thiện và ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) sớm nhất có thể để triển khai trong thực tiễn, bảo đảm an ninh năng lượng trong giai đoạn sắp tới.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, Luật Điện lực năm 2004 xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành như thiếu quy định rõ ràng, cụ thể để đầu tư các dự án điện khẩn cấp; thiếu quy định đầy đủ về cơ chế thúc đẩy đầu tư, xây dựng, khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; khuyến khích chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn nhiên liệu phát thải thấp trong sản xuất điện; chưa có quy định về cơ chế đặc thù để phát triển điện gió ngoài khơi phù hợp với điều kiện của Việt Nam từng thời kỳ để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài; chưa có chính sách đối với điện mặt trời mái nhà, điện gió quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, trụ sở cơ quan nhà nước, công trình công cộng bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện hệ thống điện từng thời kỳ…

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài báo cáo tại phiên họp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài báo cáo tại phiên họp.

Đẩy mạnh việc phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) có 9 chương, 121 điều; trong đó, kế thừa và sửa đổi chủ yếu 62 điều về quy định chung, cấp giấy phép hoạt động điện lực, thị trường điện, mua bán điện, giá điện, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, bảo vệ công trình điện lực và an toàn điện.

Đồng thời, bổ sung 59 điều gồm các nội dung về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý các nguồn điện khẩn cấp, các chính sách về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), năng lượng mới với điều kiện tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp (như hydrogen), cơ chế mua bán điện trực tiếp, triển khai đầy đủ các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế, các loại giá điện, giá mua bán điện theo thời gian trong ngày, giá điện nhiều thành phần…

 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) như đề xuất của Chính phủ.

Chủ nhiệm Lê Quang Huy nhấn mạnh thêm các yêu cầu khi sửa đổi Luật Điện lực là phải tạo điều kiện cho phát triển nguồn và lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia, trong đó, đẩy mạnh việc phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới phù hợp với hiện trạng của đất nước; tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động điện lực, hướng tới xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh; xử lý, tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc trong quy định của pháp luật về điện lực, đồng thời không hợp thức hóa các sai phạm trong lĩnh vực điện lực…

 Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Quy định về điện hạt nhân cần được nghiên cứu kỹ lưỡng

Đáng chú ý, về giá điện và giá các dịch vụ về điện, Chủ nhiệm Lê Quang Huy đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về việc bảo đảm cơ cấu giá điện ổn định; quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về cải cách giá điện như để tạo tín hiệu tốt, thu hút đầu tư vào ngành điện. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giá điện…

Ngoài ra, về phát triển điện hạt nhân, Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho rằng, việc quy định về điện hạt nhân trong dự thảo luật này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, làm rõ quy định trong các điều khoản của luật, nghiên cứu, quy định nguyên tắc trong luật này dẫn chiếu Luật Năng lượng nguyên tử. Bên cạnh đó, cần cung cấp căn cứ chính trị, cơ sở khoa học, công nghệ và kỹ thuật để hỗ trợ việc triển khai các dự án điện hạt nhân. Ngoài ra, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo cấp có thẩm quyền về mức độ quy định đối với việc phát triển điện hạt nhân...

ANH PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/sua-luat-dien-luc-tang-minh-bach-huong-toi-xay-dung-thi-truong-ban-le-dien-canh-tranh-hoan-chinh-790146